Dưới đây là một vài kinh nghiệm bán hàng từ thực tiễn trải qua nhiều thất bại, khó khăn mà bạn có thể học hỏi, áp dụng cho bản thân.
1. Khởi đầu của một người bán hàng là tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, trước hết để khẳng định mình, sau đó để chia sẻ và gắn bó trách nhiệm với khách hàng (tránh kiểu đem con bỏ chợ).
2. Người bán hàng phải có lòng đam mê, kiên trì, tinh thần trách nhiệm, để theo đuổi mục đích phát triển sản phẩm của doanh nghiệp. Bản thân phải luôn tự hào mình là thành viên của doanh nghiệp, điều này tạo ấn tượng về lòng tin cho khách hàng.
3. Biết lắng nghe, giao tiếp bằng mắt, sử dụng nụ cười để làm ngôn ngữ giao tiếp, chú ý trang phục phù hợp, chỉnh tề, dáng đứng thẳng, nói năng tự tin khi tiếp cận khách hàng. Luôn đặt câu “Khách hàng luôn đúng” làm nền tảng trong giao tiếp. Có như vậy, cố gắng của bạn sẽ sớm được đền đáp.
4. Đối với người bán hàng trước hết phải hiểu rõ tường tận sản phẩm của mình đang bán, nắm vững những tính năng ưu việt, cũng như yếu kém của sản phẩm mình. Phải nghiên cứu hiểu rõ sản phẩm của đối thủ để có thể so sánh sản phẩm của mình với sản phẩm cùng lọai của những đối thủ cạnh tranh. Không chỉ có vậy, người bán hàng còn phải tự nỗ lực nâng cao sự hiểu biết, kiến thức chuyên ngành qua sách báo, hội thảo, các khóa đào tạo, hội nghị khách hàng…
5. Phải thực sự quan tâm đến những yêu cầu đòi hỏi của khách hàng cũng như chính sách của công ty của họ trong việc lựa chọn mua sản phẩm của mình.
6. Phải đưa ra những giải pháp cũng như nhiều sự lựa chọn khác nhau để khách hàng có cơ hội so sánh, điều đó sẽ giúp khách hàng nhận định rõ về sản phẩm của bạn đang chào bán, qua đó họ nhận thấy được những tiện ích, tính năng vượt trội khi sử dụng sản phẩm của bạn.
7. Tuyệt đối không được tâng bốc, nói tốt quá nhiều về sản phẩm mà bạn đang chào bán. Điều này dễ làm khách hàng hoài nghi, tìm cách lảng tránh sản phẩm của bạn
8. Hạn chế nhận xét về đối thủ của bạn, tuyệt đối không được nói xấu đối thủ cạnh tranh. Luôn đề cao tính năng tiện ích sản phẩm của mình, có như vậy khách hàng mới cảm nhận được sản phẩm của bạn, nên có thái độ nhiệt tình quan tâm đến từng chi tiết nhỏ, hướng dẫn khách hành từng bước một nhằm khơi dậy niềm cảm hứng cho khách hàng.
9. Cần phải xây dựng kế hoạch để “bảo trì niềm tin” mục đích là để bảo vệ sản phẩm, tạo uy tín cho thương hiệu (Lưu lại những thông tin cần thiết về khách hàng, để có kế hoạch chăm sóc khách hàng định kỳ sau khi bán hàng).
10. Phải xác định được công việc bán hàng là một nghề có tính nghệ thuật cao. Đòi hỏi phải có sự ứng xử năng động, tư duy sáng tạo kết hợp với sự thông minh và lòng kiên nhẫn.