Quản lý nhân viên là vấn đề đau đầu đối với các chủ cửa hàng. Dù bạn kinh doanh gì, quy mô lớn hay nhỏ nhưng nếu không quản lý tốt thì tỉ lệ nhân viên nghỉ việc càng cao, tổn thất mà bạn đối mặt càng lớn, nhất là chi phí để tìm kiếm và đào tạo người thay thế.
Dưới đây là 5 sai lầm khi quản lý nhân viên mà bạn cần biết và sửa chữa để có đội ngũ nhân viên gắn bó lâu dài và tăng doanh thu cho cửa hàng.
1. Lương thưởng không thỏa mãn
Đây là lý do chính và chiếm tỷ lệ khá cao ở hầu hết các cửa hàng hiện nay. Vị trí của các nhân viên trong cửa hàng thường không yêu cầu quá nhiều bằng cấp hay kinh nghiệm, với mức lương phổ biến từ 2-3 triệu đồng/tháng (tính theo ca hoặc theo giờ).
Bên cạnh đó, nhiều nhân viên xem đây là công việc tạm thời nên khi có lời mời với mức lương cao hơn, thêm phụ cấp hay thưởng doanh số… họ dễ dàng đồng ý và “nhày việc”.
Do đó, bạn nên cân nhắc, phân chia mức lương, thưởng công bằng – hiệu quả – hợp lý để tạo động lực làm việc cho các nhân viên.
2. Không ghi nhận thành tích
Ai cũng muốn được thể hiện bản thân và được công nhận thành tích. Hãy tìm cách để tất cả nhân viên thuộc các cấp bậc khác nhau, các bộ phận khác nhau, không riêng gì cấp quản lý cửa hàng mới được xem xét thành tích.
Phân quyền cho nhân viên sẽ giúp hiệu suất công việc của từng người tăng cao đồng thời quản lý công việc, thành tích của nhân viên được tốt hơn, có thể gắn trách nhiệm cũng như lợi ích của từng nhân viên với công việc được giao.
3. Không đào tạo đầy đủ cho nhân viên
Một nhân viên có kinh nghiệm bán hàng trước đó không có nghĩa là họ sẽ biết cách làm mọi việc ở cửa hàng của bạn, mỗi cửa hàng sẽ có những quy định cũng như cách tiếp đón, chăm sóc khách hàng riêng…
Do đó, bạn nên dành thời gian để thăm hỏi, huấn luyện các kỹ năng mới, quy trình làm việc cho mọi nhân viên, công khai mục tiêu chung của tập thể và mục tiêu phát triển của cửa hàng để đảm bảo mọi nhân viên đều nắm rõ và làm tốt các công việc thuộc phần nhiệm vụ của mình.
4. Môi trường làm việc khó hòa nhập
Nhiều nhân viên mới vào hụt hẫng khi không được giới thiệu với nhân viên cũ, không hòa nhập được với tập thể, thậm chí nhiều nơi còn có tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới” khiến họ bị cô lập.
Là chủ cửa hàng, hãy làm cho họ cảm thấy mình như một thành viên trong một gia đình và cửa hàng là nhà, cùng vui chơi, cùng làm việc với nhau.
Đôi lúc bạn cũng cần phải bên cạnh nhân viên để động viên và chỉ dẫn những lúc họ cần được giúp đỡ, đừng để nhân viên mới thấy lạc lõng, thiếu gắn kết với tổ chức.
5. Thiếu tôn trọng nhân viên
Không ít trường hợp nhân viên nghỉ việc vì không chịu nổi thái độ “ông chủ và người làm công”. Mắng nhiếc khi phạm lỗi, trừ tiền dù là sai sót nhỏ, phê bình trước đám đông, đặt ra các quy tắc vô lý và yêu cầu nhân viên phục tùng, không quan tâm đến ý kiến của nhân viên… là những hành động dễ khiến nhân viên thấy bất mãn và nói lời chia tay.
Môi trường làm việc vui vẻ, hòa đồng để nhân viên làm việc tốt hơn là điều mà ông chủ nào cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được.
Bên cạnh xây dựng cơ chế lương phù hợp, xây dựng quy trình làm việc rõ ràng, người quản lý rất cần sự thấu hiểu và khuyến khích nhân viên để họ yên tâm làm việc.