Khi bắt đầu mở một công ty khởi nghiệp, để tiết kiệm, rất nhiều nhà khởi nghiệp không thuê ngoài mà cố gắng “ôm đồm” càng nhiều vị trí càng tốt. Tuy nhiên, đừng để việc tiết kiệm chi phí cho startup ngốn hết công sức và thời gian của bạn, rồi lại bỏ lỡ mất những cơ hội quý giá.
Hãy để cho người khác làm một số công việc trong phạm vi có thể để bạn có nhiều thời gian hơn. Dưới đây là 5 công việc mà bạn không nên ôm đồm.
1. Việc “vặt vãnh”
Tùy vào tính chất startup của bạn mà có thể cân nhắc thuê các trợ lý làm việc qua mạng. Bạn cần lưu ý xem lại những công việc mà mình cần sự hỗ trợ để xem nên dồn hết cho một người làm hay thuê hẳn một nhà thầu khác.
Hãy lập một danh sách những công việc lập đi lập lại nhiều lần nhất mỗi ngày của bạn, phung phí nhiều thời gian nhất để tìm kiếm sự hỗ trợ.
Nếu tính chất công việc cho phép, bạn hãy thuê ngoài một số việc nhỏ thường ngày của startup như nhập liệu hoặc chăm sóc khách hàng…
2. Kế toán
Đây là công việc cực kỳ tiêu tốn thời gian. Và nếu như bạn không có chuyên môn về kế toán, bạn sẽ tự đưa bản thân và công ty của mình vào rắc rối pháp lý. Ngoài việc kế toán, bạ có thể thuê một công ty cung cấp dịch vụ quản lý lương bổng của nhân viên và làm hồ sơ thuế.
3. Viết lách
Sẽ có rất nhiều thời điểm trong những ngày đầu khởi nghiệp bạn cần đến một người giỏi viết lách. Chẳng hạn như làm nội dung cho trang mạng công ty, viết thông cáo báo chí, các bài đăng trên blog của startup, hoặc biên tập hay biên dịch nội dung sản phẩm.
Hãy thuê một người có chuyên môn hoặc tìm đến các diễn đàn quy tụ nhiều người viết lách tự do (freelancer) hoặc xây dựng mối quan hệ tốt với những người viết nội dung mà bạn gặp được để tìm sự hỗ trợ khi cần đến.
4. Thiết kế
Bạn sẽ thường xuyên cần đến bàn tay của một nhà thiết kế để lo liệu từ logo của công ty đến thiết kế hình ảnh trên các trang mạng của startup.
Trừ khi bạn là một chuyên gia thiết kế khởi nghiệp, nếu không việc thiết kế nên được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm và độ chuyên nghiệp.
Những thiết kế chỉn chu sẽ tạo nên uy tín tốt hơn cho startup của bạn. Ngược lại, những thiết kế nửa vời do bạn tự thực hiện sẽ chỉ làm hại thương hiệu của bạn.
5. Quản lý mạng xã hội
Một số nhà khởi nghiệp ôm luôn việc quản lý tài khoản mạng xã hội, để rồi đến một lúc họ không còn đủ sức tự lo nữa và bỏ bê luôn các tài khoản của mình.
Tất nhiên bạn cần phải nắm rõ hoạt động tài khoản mạng xã hội của mình vì đó là “tiếng nói” công ty của bạn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể vừa thuê một người khác quản lý tài khoản mạng xã hội, vừa giám sát hoạt động của nó.
Những người có hiểu biết tốt hơn về mạng xã hội có thể xây dựng nội dung, hình ảnh, quản lý tài khoản và tiếp cận cộng đồng tốt hơn rất nhiều so với việc bạn tự làm.