Bãi lầy khổng lồ vô hình và những câu hỏi không dễ trả lời

0
698

Hãy tự đặt câu hỏi: Trong trường hợp doanh nghiệp của bạn gặp khó khăn lớn, sẽ có bao nhiêu phần trăm người xin ở lại và đồng ý giảm thu nhập để cùng chiến đấu?

Teach for America – một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục tại Mỹ – tuyên bố sứ mệnh hay nhiệm vụ của họ là “tuyển, phát triển, tổng động viên càng nhiều càng tốt những nhà lãnh đạo tiềm năng hứa hẹn nhất của đất nước để phát triển và tăng sức mạnh cho phong trào vì nền giáo dục công bằng và ưu tú.”

Họ cũng tuyên bố về tầm nhìn của họ là “tới một ngày tất cả trẻ em trong đất nước này sẽ có cơ hội để có được một nền giáo dục ưu tú”. Cách làm của họ là thu hút các sinh viên mới tốt nghiệp tại các trường được xếp hạng tốt nhất nước Mỹ và biến họ thành giáo viên, cam kết dạy học tại các trường phổ thông trong ít nhất hai năm ở 52 khu vực có thu nhập thấp.

Tầm nhìn, sứ mệnh, cách thực hiện của Teach for America đã lôi cuốn 42 ngàn thành viên tham gia đã thực hiện đúng cam kết kể từ ngày thành lập năm 1990. Khoảng 5 triệu trẻ em đã được các thành viên của Teach for America dạy tính tới năm 2015. 88% các thành viên Teach for America quay lại dạy học vào năm thứ hai. 11.000 thành viên vẫn tiếp tục dạy học mà không chuyển sang công việc khác. 65% ở lại ngành giáo dục luôn. 84% các thành viên cũ làm việc toàn thời gian đang tạo ảnh hưởng đến giáo dục tại các khu vực thu nhập thấp.

Chỉ riêng năm 2013, gần 60 ngàn người đã đăng ký xin tham gia, tổ chức chỉ chọn lại 6 ngàn người. Gần 90% hiệu trưởng các trường cho rằng các thành viên của Teach for America có hiệu quả như các giáo viên được học sư phạm mới vào trường, và hơn 50% cho rằng các thành viên hiệu quả hơn.

Về phía các thành viên của Teach for America, gần 90% thể hiện mức độ hài lòng cao với tổ chức. Rất hiếm có tổ chức nào hoạt động hiệu quả hơn.

Bãi lầy khổng lồ vô hình và những câu hỏi không dễ trả lời
Mô hình kinh doanh giúp con người gắn kết lại với nhau.

Sứ mệnh giúp làm rõ bài toán lớn nhất mà tổ chức đang giải. Nó cũng là ý nghĩa của sự tồn tại của tổ chức. Tầm nhìn là một mốc rất xa trong tương lai mà nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán sứ mệnh thì chúng ta sẽ đạt được.

Cách làm – hay nói theo ngôn từ hiện đại hơn, là mô hình kinh doanh – giúp mọi người trong tổ chức gắn kết lại với nhau, phối hợp hiệu quả hơn. Con người luôn tò mò đi tìm ý nghĩa và định hướng mọi hoạt động mà mình làm. Nhưng đáng tiếc thay rất ít tổ chức biết cách làm điều đó như Teach for America.

Tôi chứng kiến rất ít tổ chức làm rõ được và thực sự tin vào, sống thực mà tôi thường hay gọi là “hít thở với nó”. Với những tổ chức mạnh mẽ, những điều này giúp tạo động lực cho từng thành viên của doanh nghiệp thức dậy mỗi sáng với năng lượng, nhiệt huyết tràn đầy và giúp họ liên tục sáng tạo ra những cách làm mới, hiệu quả hơn, tác động mạnh hơn tới cộng đồng, tới những đối tượng liên quan. Họ hoạt động và lan tỏa năng lượng tích cực tới những người xung quanh. Họ thu hút và tỏa sáng trong mọi hoạt động.

Với một phần rất lớn các tổ chức, thường là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, họ không có sứ mệnh, tầm nhìn và cách làm được phát biểu rõ ràng. Với các nhà quản lý tại các doanh nghiệp này – thường là các chủ doanh nghiệp – họ không nhận ra tại sao doanh nghiệp của họ không hiệu quả.

Với một phần rất lớn còn lại, phần lớn là các doanh nghiệp tầm vừa và lớn, họ có tầm nhìn, sứ mệnh, và cách làm, nhưng không thực sự “sống, hít thở” với nó. Tầm nhìn, sứ mệnh, cách họ hoạt động được xây dựng để cho có. Nó không được đưa vào trái tim và khối óc của từng thành viên trong doanh nghiệp. Mọi người không tin vào nó, dù có thể họ vẫn đọc nó thuộc lòng được – giống như những đứa trẻ học vẹt trong trường phổ thông.

Với họ, tầm nhìn, sứ mệnh không được tỏa sáng, phát ra nhiệt huyết, năng lượng trong các hoạt động hàng ngày. Mọi thứ đều khô cứng, mờ nhạt. Tầm nhìn, sứ mệnh, cách làm chỉ là những câu khẩu hiệu sáo rỗng. Nó không hề nằm trong trái tim của những nhà quản lý. Nó không phải là động lực để họ bật dậy vào nửa đêm suy nghĩ cách làm mới. Nó không là chất kết dính mọi hoạt động. Nó không là trái tim của doanh nghiệp, tổ chức, đội nhóm, từng cá nhân. Nó chỉ là những mảnh giấy mảnh giấy mọi người dán lên tường.

Những nhà quản lý không nhận ra rằng khi chúng ta xây dựng một tổ chức mờ nhạt như vậy, chúng ta đã tự tạo ra vô vàn vấn đề. Chúng ta tự sa vào bãi lầy. Đáng tiếc là bãi lầy này tự chúng ta tạo ra. Chúng ta lao vào giải các bài toán vụn vặt mà quên đi giải những bài toán gốc. Tôi tin 99.99% các doanh nghiệp đang sa vào bãi lầy khổng lồ này và doanh nghiệp của bạn cũng chẳng tránh khỏi.

Đúng ra, chúng ta buộc phải trả lời những câu hỏi dưới đây mỗi ngày:

Thứ nhất: Chúng ta đang giải bài toán gì? Câu hỏi định nghĩa.

Thứ hai: Tại sao bài toán này quan trọng và mọi người nên tham gia? Câu hỏi ý nghĩa của sứ mệnh.

Thứ ba: Chúng sẽ đạt được điều gì? Câu hỏi định hướng mốc tầm nhìn.

Thứ tư: Cách làm của chúng ta ra sao? Câu hỏi làm rõ cách hoạt động.

Xây dựng một doanh nghiệp vượt trội cũng giống hệt như bạn tổ chức một chuyến hành trình khám phá. Có rất nhiều điều bạn biết trước và lập kế hoạch được. Có rất nhiều điều bạn không tính nổi và phải dựa vào đồng đội, những người cùng tham gia với mình giải quyết các bài toán xuất hiện trên con đường khám phá, thiết kế, xây dựng.

Nếu họ không nắm rõ, tin tưởng một cách nhiệt thành vào bài toán họ đang giải có ý nghĩa gì với họ và cộng đồng, họ sẽ chỉ đi làm vì tiền – hay như cách gọi thông thường vì “cơm, áo, gạo, tiền”. Chỉ cần ở nơi khác cho họ số tiền nhiều hơn, họ sẽ ra đi.

Bạn có thể “thử” tự trả lời câu hỏi cốt tử sau để kiểm chứng sức mạnh của sứ mệnh, tầm nhìn và cách làm của doanh nghiệp bạn: Trong trường hợp doanh nghiệp của bạn gặp khó khăn lớn, sẽ có bao nhiêu phần trăm người xin ở lại và đồng ý giảm thu nhập để cùng chiến đấu?

Tỷ lệ gắn kết tại các doanh nghiệp lớn là 60-70%.

Bạn nghĩ gì về tỷ lệ tại doanh nghiệp của bạn?

Bãi lầy khổng lồ vô hình và những câu hỏi không dễ trả lời
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here