Bạn đã thật sự sẵn sàng để khởi nghiệp?

2
1356

Nếu đã quá chán công việc làm thuê, đầu óc bùng nổ nhiều ý tưởng mới, bạn muốn kinh doanh riêng, bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình nhưng lại băn khoăn không biết mình đã thật sự sẵn sàng để khởi nghiệp hay chưa?

Bài viết của anh Nguyễn Anh Tuấn, VBiz Promo CEO (Group Quản Trị và Khởi Nghiệp) sẽ giúp bạn giải đáp những điều còn hoài nghi đó.

Cách đây ít lâu, trong lúc “trà dư tửu hậu”, tôi có nói vui với mấy người bạn rằng ngày nay phong trào khởi nghiệp, ‘startup’ đang như một… bệnh dịch! Đọc đến đây chắc nhiều bạn sẽ giật mình, bạn khác thậm chí cảm thấy tức giận. Một phát biểu hồ đồ, tiêu cực, thậm chí là … phản động?

Đúng là lúc đó tôi chỉ nói đùa không nghiêm túc, nhưng sau khi xem xét kỹ câu buột miệng này, tôi thấy quả thật không phải là không có lý để nói vậy.

Nói giống bệnh dịch bởi đúng là “khởi nghiệp” dễ lây lan kinh khủng. Nó vừa dễ lây lan, lại vừa dễ gây nghiện, thậm chí còn nghiện hơn cả viết bài để câu like!

Khởi nghiệp, khởi nghiệp, khởi nghiệp. Hai từ này đang lan nhanh, lan mạnh, tin tức từ tít Thung lũng Si-li-côn bên Mỹ trong tích tắc đã về tận Thung lũng Mai Châu, Mù Căng Chải nhà mình. Ngóc ngách nào cũng thấy nói về khởi nghiệp. Ai ai cũng tìm hiểu về khởi nghiệp. Các lớp dạy khởi nghiệp, dạy làm giàu mọc lên như nấm sau mưa.

Theo thông tin tôi đọc được trên Báo Đầu tư đã có hơn 3000 người tham gia sự kiện khởi nghiệp lớn nhất Startup Day 2016 tổ chức ngày 27/8 vừa qua tại Sài Gòn. Và đến như tôi, vốn chỉ quen đi… xúi người khác làm những gì mình làm không được (tôi vẫn hay đùa nghề tư vấn như vậy) mà cũng đã mấy phen suýt thất bại khi lăm le “tay không bắt giặc”.

Lý do thứ hai để nói phong trào này như một bệnh dịch là bởi nó đã, đang và sẽ tiếp tục giết chết, tiêu tán không biết bao nhiêu nguồn lực (tuổi thanh xuân, thời gian, tiền bạc), thậm chí bóp nát không biết bao nhiêu ước mơ và sự tự tin.

Tôi chưa có con số thống kê chính thức về các dự án khởi nghiệp đã thất bại ở Việt Nam nhưng nhớ đã từng nghe ai đó phát biểu rằng 99% các bạn khởi nghiệp thất bại!

Theo đánh giá cảm tính của tôi thì để có được một Nguyễn Hà Đông hay một anh Lâm Minh Chánh truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ‘startup’ khác chết yểu, chết trong câm lặng mà không một dòng văn điếu. Mà thật ra chết yểu, chết nhanh là còn may vì ít ra thế sẽ tiết kiệm được thuốc men và đặc biệt là tiết kiệm được sự tự tin để dành cho những thử thách khác.

Lịch sử chỉ vinh danh những kẻ chiến thắng.

Hơn 3000 bạn đã tham dự Startup Day nói trên, chưa biết bao nhiêu bạn sẽ khởi nghiệp, và bao nhiêu bạn sẽ được lưu danh sử sách. Chỉ biết trong cơn say “nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp”, chúng ta ai cũng chỉ muốn tin vào viễn cảnh “công nghệ có thể thay đổi được số phận”, nếu quyết tâm và được truyền lửa ai cũng có thể trở thành doanh nhân.

Tư tưởng chỉ đạo “có chí làm quan, có gan làm giàu” cộng với sự khuyến khích “hích mông” của các “chuyên gia xúi bẩy”, ở một khía cạnh nào đó đã làm cho khởi nghiệp thực sự có nguy cơ trở thành một bệnh dịch tàn phá nguồn lực của xã hội.

Để tránh trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của “bệnh dịch” có tính thời đại này, việc đầu tiên ta có thể làm, và hoàn toàn kiểm soát được, là hãy trung thực với bản thân khi trả lời câu hỏi: chúng ta có thật sự đã sẵn sàng để khởi nghiệp?

Những câu hỏi dưới đây sẽ gợi ý để các bạn xem thực sự mình đã sẵn sàng bắt tay vào khởi nghiệp hay chưa. Bởi vận hành một doanh nghiệp, dù to dù nhỏ, không chỉ đơn thuần là làm thuê cho bản thân. Nó đòi hỏi nhiều kỹ năng quản lý, hiểu biết chuyên sâu về ngành, các kỹ thuật, tài chính và cả một tầm nhìn dài hạn để phát triển và thành công.

Trả lời được các câu hỏi này cũng giúp bạn có được sự tự tin cần thiết và đặc biệt là dự báo được những thách thức có thể gặp phải cùng với hướng xử lý, từ đó có một ‘quyết định được thông báo’ (an informed decision) để khởi nghiệp “xuôi chèo mát mái” hơn.

Nhưng trước khi đọc và trả lời các câu hỏi này, lời khuyên của tôi dành cho các bạn là: Tìm một chỗ nào đó thật sự yên tĩnh để các bạn có thể lắng nghe được hơi thở và nhịp đập tim mình. Ở đó, hãy loại bỏ, quên đi tất cả những gì đã đọc, đã học, đã nghe. Hãy chỉ lắng nghe chính bản thân mình. Xin nghỉ phép một vài hôm để ở nhà “bế quan luyện công”, hoặc nếu có điều kiện thì đi đến một khu nghĩ dưỡng tĩnh mịch nào đó để nhập thiền, ví dụ vậy. Tuyệt đối tránh nhìn xung quanh, nghe xung quanh khi cố gắng trả lời những câu hỏi này.

Nếu chưa thật sự sẵn sàng, bạn sẽ dễ bị thất bại
Nếu chưa thật sự sẵn sàng, bạn sẽ dễ bị thất bại

Câu hỏi 1: Tại sao bạn khởi nghiệp kinh doanh?

Câu hỏi đầu tiên bạn phải trả lời được là tại sao bạn muốn hay tại sao bạn phải khởi nghiệp? Bạn không thể khởi nghiệp chỉ vì bạn đang… thất nghiệp. Bạn cũng không thể khởi nghiệp bởi thấy bạn bè hay người khác làm như vậy.

Hiểu rõ về động cơ của bản thân sẽ giúp bạn sẵn sàng cho một hành trình dài hạn, nhiều lúc rất cô đơn (xin nhấn mạnh là rất cô đơn, bởi không phải lúc nào ta cũng muốn vợ, chồng, bố mẹ, hay người thân phải lo lắng về những thách thức ta đang gặp phải) nhưng cũng rất vinh quang, đó là hành trình khởi nghiệp.

Câu hỏi 2: Mục tiêu kinh doanh và mục tiêu cá nhân của bạn là gì?

Khi mở một nhà hàng bạn cần xác định rõ mục tiêu của nhà hàng là gì về mặt doanh số, về mặt quy mô, về mặt thương hiệu. Bên cạnh đó, bạn cần xác định rõ mục tiêu mà cá nhân bạn đang hướng tới trong cuộc đời là gì và business (nhà hàng) đó sẽ giúp gì cho bạn trong việc hiện thực hóa các mục tiêu này.

Đừng chỉ mở nhà hàng vì thấy anh Trung Qui Ly thành công với Phở 24. Để có thể say sưa và chiến đấu hết mình với nó, mục tiêu của business cần ‘đồng hành’ với mục tiêu cá nhân (trong trường hợp này, mục tiêu cá nhân của bạn phải là trở thành chuyên gia số 1 về ẩm thực Việt Nam, chẳng hạn thế). Và những mục tiêu này cần được định lượng, định tính cụ thể, rõ ràng, bao gồm cả đích đến dài hạn lẫn các chỉ tiêu, mục tiêu cho từng giai đoạn (ví dụ: sau 1 năm, sau 5 năm, sau 10 năm).

Câu hỏi 3: Những kỹ năng bạn có là gì?

Bạn phải điểm danh được những kỹ năng mà bạn và/hoặc cộng sự, nhân viên của bạn có. Đồng thời phải phân tích được những kỹ năng này sẽ giúp như thế nào trong công việc kinh doanh sắp tới?

Nên nhớ, rất nhiều kỹ năng là có thể ‘mang sang được, chuyển đổi được’ (transferable skills). Nếu bạn đã từng là nhân viên trực điện thoại quầy lễ tân thì bạn cũng sẽ có kỹ năng phục vụ khách hàng (customer service).

Câu hỏi 4: Bạn cần phải tạo ra được mức thu nhập bao nhiêu?

Một khi bạn khởi nghiệp kinh doanh, bạn dành toàn bộ thời gian và tâm sức cho công việc này. Điều đó đồng nghĩa với việc toàn bộ thu nhập có được từ công việc đi làm thuê trước đây bị cắt hết. Bạn sẽ phải sống bằng tiền tiết kiệm được và phải nhanh chóng tạo ra thu nhập từ công việc kinh doanh.

“Có thực mới vực được đạo”, bạn phải kiếm đủ ăn thì mới mong có sức lực chiến đấu dài hạn để đưa công việc kinh doanh đến đích cần đến. Việc tính toán mức thu nhập tối thiểu cần tạo ra trong thời gian nhanh nhất sẽ giúp bạn hình dung thêm về tính khả thi của ý tưởng kinh doanh.

Câu hỏi 5: Điểm lợi và bất lợi đối với bạn khi khởi nghiệp kinh doanh?

Cuối cùng, bạn hãy liệt kê và so sánh toàn bộ điểm thuận lợi và không thuận lợi bạn có khi bắt tay khởi sự kinh doanh. Ví dụ, thuận lợi là nhà có sẵn địa điểm để mở quán cà phê, và không thuận lợi là mất thu nhập từ công việc đang làm.

Trong một số trường hợp, sau khi so sánh, bạn có thấy rằng ở thời điểm hiện tại, khi thời cơ chưa chín muồi, thì việc tiếp tục đi làm thuê để tích lũy vốn và chờ thời là quyết định sáng suốt hơn.

Đam mê là quan trọng, nhưng hãy đừng khởi nghiệp chỉ với lòng đam mê. Bạn nên sáng suốt và thực tế. Chỉ khởi nghiệp khi bản thân thực sự đã sẵn sàng VÀ có một ý tưởng kinh doanh khả thi, một kế hoạch kinh doanh đã được ‘validated’.

Ngược lại, hãy toàn tâm toàn ý cống hiến và tạo giá trị ở ngay tổ chức mình đang là thành viên. “Hãy làm tốt nhất việc mình đang làm” đó là lời khuyên của anh Sơn Đức Nguyễn khi nói về xây dựng thương hiệu cá nhân mà tôi chắc nhiều bạn trong số chúng ta đã từng được nghe.

Tránh được việc trở thành “anh hùng hy sinh thầm lặng” cho phong trào khởi nghiệp sẽ chẳng những giúp bạn nuôi sống được bản thân và gia đình, giảm gánh nặng cho xã hội, mà còn giúp bạn giữ được sự tự tin.

Mặc dù vẫn nghe người ta ca tụng “thất bại là mẹ thành công” nhưng thất bại nhiều lần là dễ bi quan và mất niềm tin vào bản thân lắm. Sự tự tin, theo quan điểm của cá nhân tôi, chính là nguồn vốn, nguồn lực quan trọng nhất, tiên quyết nhất và cần phải được bảo vệ nhất trong mọi nguồn vốn của mỗi con người.

Bạn đã thật sự sẵn sàng để khởi nghiệp?
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here