Hành trình đi tìm bí mật của “phở gia truyền”

0
1113

Bài viết của cô Mai Dung đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.

Khi chọn Phở để kinh doanh, tôi nhớ lời người thầy của mình dặn:

– Muốn lấy được tiền từ cái gì hãy trở thành chuyên gia trong vấn đề đó nhé.

Và tôi biết rằng tôi phải học. Học nấu Phở, học để hiểu về món Phở mà mình đang kinh doanh. Thế là tôi lên kế hoạch cho mình, buổi sáng tôi kinh doanh buổi chiều tôi bắt đầu xin đi làm thuê cho các quán Phở nào nổi tiếng ở TPHCM. Kể cả Phở 24 tôi cũng từng làm nhân viên bếp của anh Trung Qui Ly.

(Vì trải nghiệm làm thuê này tôi học được rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho việc kinh doanh của mình nên tôi khuyên các bạn trẻ con đường khởi nghiệp nếu bạn chưa có kinh nghiệm thì đi làm thuê là con đường tốt nhất cho các bạn vì vừa có thể tích lũy tiền bạc và học được kinh nghiệm khi ra kinh doanh sẽ không bỡ ngỡ và tránh dược nhiều rủi ro. Nhưng bạn thích cái gì thì bạn phải đi theo những người giỏi về nghề đó bạn mới có thể giỏi được. Bạn không thể thích thời trang mà theo ông thầy sửa xe gắn máy được).

Khi xin vào làm trong các quán phở nổi tiếng không phải vì thích danh tiếng của những nơi đó mà tôi chỉ mong muốn sẽ học được gì từ họ mà thôi. Nên ở đâu tôi cũng chỉ xin vào để rửa tô chén cho họ. Nhiều quán Phở khi tôi đến xin việc họ nhìn tôi từ đầu đến chân và phán :

– Tôi nghĩ cô không chịu nổi sau 3 ngày thử việc đâu.

Có nơi họ quay vào nói nhỏ với nhau nhưng cốt để cho tôi nghe thấy:

– Ngữ này thuê để làm cảnh thôi chớ làm việc gì nổi.

Tôi chợt nghĩ thói quen ăn mặc đoàng hoàng khi ra đường hay tới công sở trước đây lại vô tình làm hại tôi khi đi xin một công việc bình thường.

Nhưng không bỏ cuộc, tôi năn nỉ:

– Dạ, em xin làm thử việc không lương cũng được. Em sẽ cố gắng hết sức ạ. Nếu thấy em làm tốt thì xin nhận em làm tạm 1 thời gian vì em đang thất nghiệp chứ em cũng không làm lâu dài được ạ.

Họ hỏi tôi:

– Có biết làm gì không? Nhìn cô thế này sao không xin việc gì đó nhàn hạ ở văn phòng chứ vô quán phở cực lắm đó và làm ca chiều phải về khuya đấy.

Nhưng tôi vẫn vui vẻ trả lời:

– Có thể em không biết làm những công việc mới đối với em ở đây nhưng em biết rửa tô chén ạ. Em nghĩ là em làm việc này rất giỏi, em rửa đảm bảo rất sạch và nhanh nữa, nếu có bể cái nào em xin đền cái đó ạ. Giờ giấc em sẽ chấp hành nghiêm chỉnh ạ. Nếu đi muộn em sẽ không nhận lương ngày hôm đó ạ.

Vì tôi hiểu chỉ công việc rửa chén là dễ xin việc nhất trong quán phở bởi ai cũng ngại làm (chính vì điều này mà sau này tôi đã biến công việc này thành việc ai cũng muốn làm trong quán của mình).

Nhiều chủ quán hỏi tôi. Lương rửa chén không cao đâu nhé. Tôi vẫn vui vẻ:

– Dạ em hiểu. Chuyện lương thì em nghĩ người chủ sẽ là người biết rõ nhất cần phải trả lương cho nhân viên như thế nào mà. Em chỉ nghĩ mình có thể góp phần làm gì tốt nhất cho quán của mình mà thôi.

Và cứ điệp khúc này quán phở nào tôi xin cũng được chân rửa chén và dọn dẹp tạm thời và quán nào tôi cũng nói trước rằng tôi chỉ làm tạm thời vài tháng thôi vì tôi chưa có công việc mới trong khi chờ đợi xin việc mới tôi xin làm kiếm thêm thu nhập, để sau này họ không hụt hẫng nếu tôi nghỉ việc họ sẽ có người thay thế không ảnh hưởng tới công việc của họ.

Xin rửa chén là việc nằm trong kế hoạch và mục tiêu mà tôi đặt ra vì tôi hiểu chỉ có rửa chén mới có thể biết mà học được công việc trong nhà bếp của một quán phở ra sao chứ ở ngoài sạch sẽ hay nhàn hạ thì không thể học được nhiều.

Và ở đâu tôi cũng làm hết sức mình nên khi xin nghỉ họ đều năn nỉ tôi ở lại làm cho họ, họ sẽ tăng lương và chuyển tôi lên làm bếp vì họ nghĩ tôi làm gì cũng được. Nhưng mục đích của tôi không phải đi làm để nhận lương mà tôi đi trải nghiệm để học hỏi và thấu hiểu khách hàng nên tôi lại phải tiếp tục hành trình đi làm thuê. Và nhiều quán Phở tôi thấy tệ quá tôi không thể học nổi gì tôi phải xin nghỉ chỉ sau vài ngày làm việc.

Họ bảo không trả lương tôi cũng vui vẻ. Vì tôi nghĩ cái kinh nghiệm mà tôi học được hay những điều dở tôi rút ra được cho mình đáng giá hơn nhiều so với những đồng tiền lương họ trả cho tôi. Tôi vẫn phải cảm ơn họ.

Và sau hành trình đi làm thuê. Tôi biến những điều hay học được vào việc kinh doanh rất hiệu quả và tôi biết bỏ đi điều dở để hoàn thiện hơn.

Nhưng tôi vẫn chưa yên với một suy nghĩ :

– Tại sao người ta lại quảng cáo “Phở gia truyền” nhỉ? Nó có yếu tố gia truyền thật không nhỉ? Và nó nằm ở đâu? Chứ tôi thấy mình “GIA TRUYỀN” mà nấu mọi người cũng khen ngon đó thôi. Và thế là tôi thu xếp công việc nghỉ luôn một tháng đi du lịch bụi một mình với hành trình xuyên Việt từ Nam ngược ra Bắc theo đường bộ. Tôi fi qua tất cả các tỉnh thành để tìm hiểu xem theo dòng lịch sử của đất nước Phở di cư từ Bắc vào Nam nó được biến tấu như thế nào qua các vùng miền.

Và cuối cùng tôi về tận cái nơi mà chúng ta gọi là cái nôi của Phở tại làng Vân Cù Nam Định. Tôi gặp các cụ cao niên sống với nghề làm bánh phở để tìm hiểu về sự ra đời của Phở. Và gia đình của anh Vũ Ngọc Vượng. Anh là chủ của chuỗi cửa hàng Phở gia truyền Nam Định tại Hà Nội đã đón tiếp và dạy cho tôi cách làm bánh phở thủ công. Và tôi hiểu được tại sao ngày xưa các cụ không có hóa chất để bỏ vào Phở nhưng bánh vẫn dai và dẻo ngon như vậy. Các cụ tổ của ta đã biết nấu cơm gạo ngon và hong gió cho tơi ra sau đó trộn với gạo để xay bột tráng bánh phở nên bột được quyết bởi gạo nó trở nên dẻo và dai chứ không phải nhờ hóa chất như bây giờ khiến chúng ta mỗi năm tăng thêm 15 % bệnh nhân ung thư mới như thế này!

Trong những ngày học nghề tôi được mọi người nhận là một đồ đệ của Phở. Và mọi người kể cho tôi nghe các cụ đã phải nấu phở như thế nào từ khi nó ra đời. Xưa kia làm gì có bột ngọt. Phở đã ra đời trước khi bôt ngọt được đưa vào sử dụng tại Việt Nam. Thế nhưng ngay từ khi ra đời các cụ nhà ta đã biết cách nấu ra loại nước dùng phở rất ngon bằng những bí quyết riêng của mình và họ chỉ chia sẻ cho những người con nào thực sự hành nghề kinh doanh Phở. Và phải thật khó khăn vô cùng tôi mới có thể được nhận làm một người con để phá bỏ lời nguyền và được các cụ truyền cho những kiểu nấu Phở thật độc đáo.

Sau khi trở về tôi suy nghĩ và thấy rằng ngày nay chúng ta được hỗ trợ bởi các dụng cụ nhà bếp rất hiện đại chúng ta không cần phải vất vả như các cụ. Chúng ta có thể thay đổi quy trình cải tiến kĩ thuật đơn giản hơn nhiều mà vẫn cho ra chất lượng tốt nhất và tôi nhận thấy như vậy Phở có thể nấu bằng nhiều loại thảo mộc khác nhau cho ra các hương vị khác nhau cũng rất ngon và lành. Tôi bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm trên chính khách hàng của mình. Thật bất ngờ mọi người lại thích thú với những hương vị được nấu từ các loại rau hay một số trái cây hoặc rễ cây này. Và nó lại trở thành hương vị độc đáo và tôi đã thành công với nó. Vì vậy mới có món Phở tham gia cuộc thi Chiếc Thìa Vàng tôi đã chia sẻ trong bài viết: HÃY BIẾN MÌNH THÀNH CON DÊ ĐEN NỔI BẬT TRONG ĐÀN DÊ TRẮNG trước đó.

Tôi mong các bạn trẻ hãy trải nghiệm nhiều hơn.

Hãy ra ngoài nhiều hơn để học hỏi và muốn tìm hiểu điều gì hãy tìm cho kĩ tận ngọn nguồn lạch sông. Hãy đừng ngồi một chỗ:

– Xin anh(chị) gõ cho cái địa chỉ trong khi ngay phía trên nó sờ sờ ra đó hoặc đang ở trong nhà người ta mà không chịu tìm xem cái số nhà nó gắn chỗ nào?

Đừng lười đọc, lười học, lười suy nghĩ, lười tìm hiểu và cả lười nhấc người vận động. Cuộc sống bạn sẽ khó mà thay đổi được.

Hành trình đi tìm bí mật của “phở gia truyền”
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here