Chia sẻ rất hữu ích và thân tình của cô Mai Dung trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.
Một số bạn gửi tin nhắn mong muốn tôi chia sẻ điều các bạn thắc mắc:- tại sao cô nói cô đi quảng cáo sản phẩm của mình mà khách hàng trả tiền cho cô thì cô đã chia sẻ nhưng quảng cáo mà lại có người thanh toán tiền cho mình mọi chi phí thì lạ quá cô bật mí đi ạ.
Thực lòng tôi cũng rất bận lên mọi chia sẻ chỉ có thể viết vào lúc đêm khuya như thế này.
Mong các bạn trẻ thông cảm tôi đã nói là không giấu điều gì cả từ từ các bạn sẽ được nghe hết những bí mật của tôi chỉ có điều các bạn có thể rút ra được gì cho công việc của mỗi người và dám làm như vậy khi có cơ hội mới là quan trọng nhé.
Các bạn biết đấy khi tôi chọn Phở để kinh doanh thì tôi đã là người sinh sau đẻ muộn so với các đại gia phở nổi tiếng rồi. Tôi khó có thể cạnh tranh với họ. Để tồn tại với một vị thế nhất định tôi buộc phải tạo ra một sự khác biệt thật độc đáo mà thôi. (Hành trình đi tìm ra sự khác biệt này tôi sẽ chia sẻ sau để giúp cho các bạn củng cố niềm đam mê với công việc các bạn đang theo đuổi). Hôm nay chia sẻ chủ đề bài học này thôi nhé.
Sau hành trình dài thử nghiệm trên thực tế tôi đã thành công với các món Phở được nấu bằng một số loại rau hay nước cốt một số trái cây. Nước súp phở nấu theo công thức này hoàn toàn cho ra hương vị khá đặc biệt và vô tình các vitamin có trong rau và trái cây làm cho nước súp có độ ngọt đậm đà không cần dùng đến các phụ gia thực phẩm như bột ngọt. Khách hàng của tôi rất thích thú với sự trải nghiệm này vì nó lành cho sức khỏe và cũng rất ngon.
Họ ăn quen rồi họ khó có thể tìm thấy ở quán phở khác hương vị này. Khách hàng chấp nhận nhưng tôi không biết làm cách nào để có thể quảng bá rộng rãi hơn cho mọi người biết rằng phở có thể nấu bằng rất nhiều loại thảo dược và chúng có nhiều hương vị khác nhau nhưng chúng vẫn là phở chẳng lẫn vào đâu được. Giống như 1 loại bánh nhưng có thể có nhiều loại nhân khác nhau mà thôi.
Đang loay hoay nghĩ mãi chợt nhớ bài chia sẻ của anh Tạ Minh Tuấn: HÃY TRỞ THÀNH CON DÊ ĐEN TRONG ĐÀN DÊ TRẮNG. Và một lần anh để tôi chia sẻ: Bạn định nghĩa thế nào là thành công! Ngay khi đang chia sẻ tôi đã nghĩ ngay ra cách giải quyết vấn đề.
Sau khi chia sẻ xong tôi hỏi mọi người: có ai muốn cùng tôi trải nghiệm một cuộc thi không? Có một người hào hứng lên tiếng nhưng sau đó đã sợ hãi rút lui sau 3 ngày tìm hiểu vì thấy cuộc thi đòi hỏi gắt gao, quy mô hoành tráng vả lại bạn ấy cũng không tự tin vào tôi và tin vào chính bạn nên đã tìm lí do thoái thác. Còn tôi đã quyết định thì không bỏ cuộc.
Tôi nộp đơn đăng kí tham gia cuộc thi Chiếc Thìa Vàng. Một cuộc thi nấu ăn có quy mô lớn trong cả nước để quảng bá cho dòng sản phẩm cao cấp Ly’s Horeca của công ty gốm sứ Minh Long.
Tôi là người nộp hồ sơ cuối cùng tham gia cuộc thi và tôi chỉ có 5 ngày để chuẩn bị. Mọi người lại bảo tôi dở hơi khi đem phở đi thi. Xưa nay không một đầu bếp nào dám đưa phở vào các cuộc thi vì nó là một món phải ngay ngay và ăn liền đồng thời phải ăn cả tô tô mới cảm nhận được. Đằng này nấu xong chờ cả tiếng ban giám khảo mới chấm đến và chỉ ăn tượng trưng 1 chút xíu thôi làm sao có hy vọng được chứ chỉ mất công mà thôi. Có người đã khuyên tôi như vậy.
Nhưng tôi thì lại nghĩ khác, tôi đến cuộc thi với một mục đích khác. Tôi không thi để được giải thưởng. Vì nếu được giải tôi sẽ bị lỗ nặng. Vì ban tổ chức buộc những người được giải phải đồng ý trao công thức và quyền sở hữu món ăn cho Minh Long in thành sách và đăng kí quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi tôi có thể bán công thức món phở của tôi với giá cao hơn nhiều so với giải thưởng thì tại sao tôi phải thi để lấy giải thưởng chứ. Tôi chỉ làm tất cả để thực hiện mục tiêu của mình mà thôi.
Ban tổ chức cho thuyết trình về món ăn của mình. Tôi phát huy thế mạnh của mình với bản thuyết trình được đánh giá là vô cùng ấn tượng và tôi đã thu hút toàn bộ ban giám khảo và các ống kính của giới truyền thông về phía bàn tiệc toàn các món phở của tôi. Trước ống kính truyền hình và các báo đài mọi người vô cùng ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến tôi nấu phở bằng các loại rau và trái cây. Và chương trình phát sóng này đã dành khá nhiều thời lượng cho món phở của tôi. Bàn tiệc phở của tôi trở thành bàn tiệc độc đáo nhất cuộc thi.
Sau cuộc thi tôi nhận được rất nhiều cuộc phỏng vấn báo chí và đài truyền hình đã giới thiệu cho món Phở của mình trong chương trình “Nhịp Sống Sài Gòn” và cũng từ đó rất nhiều người nước ngoài biết đến một quán phở bình dân. Và bà chủ quán trở thành người đi hướng dẫn cho một số các nhà hàng, khách sạn.
Các mối quan hệ được mở rộng nhiều hơn.
Có người bảo tôi: Chị mới là người được giải thưởng lớn đấy. Tôi cũng nghĩ vậy vì tôi đã đạt được mục tiêu mà mình hướng tới: TRỞ THÀNH CON DÊ ĐEN GIỮA ĐÀN DÊ TRẮNG. Và sau cuộc thi theo thể lệ tất cả các thí sinh đều được thanh toán toàn bộ chi chí cả cả chi phí đi lại. Thế chẳng phải là tôi đi quảng cáo cho sản phẩm của tôi mà được người khác thanh toán chi phí đó sao?
Chưa nói tới chuyện cái hậu của chính cuộc thi này giúp cho tôi thắng trong một cuộc thi khác tiếp theo ngay sau đó do báo Tuổi trẻ tổ chức cùng công ty Gốm sứ Minh Long. Bước lên nhận giải tôi lại có luôn một giải đúp cho câu trả lời xuất sắc nữa.
Các bạn hãy tự tin lên và nắm bắt lấy cơ hội khi nó tới bạn sẽ thấy nó không có gì là khó khăn cả. Chỉ sợ bạn không dám làm mà thôi. Nưu G7 phải trang bị cho mình nghề nghiệp vả kỹ năng cho tốt nhé. Tôi luôn nhớ lời thầy tôi dạy: Muốn lấy được tiền từ cái gì thì phải trở thành chuyên gia trong vấn đề đó nhé.
Để có được món Phở này mang tới cuộc thi và phục vụ mọi người tôi đã phải trải qua một quá trình học nghề không giống ai trong hành trình đi tìm bí mật của “PHỞ GIA TRUYỀN” thấm đẫm mồ hôi và có cả nước mắt. Nhưng tôi chưa hề nản. Vì còn nhiều điều tôi chưa biết. Hãy giúp tôi nhé.
VỪNG ƠI XIN HÃY MỞ RA!