Chuyện những nhà sáng lập đã ‘bay màu’ khỏi startup do chính mình ‘thai nghén’ sau khi gia nhập Seedcom

0
462

Trong các công ty thành viên của Seedcom, đã có rất nhiều nhà sáng lập rời khỏi startup do mình sáng lập. Thương hiệu càng nổi tiếng, nhà sáng lập ‘bay màu’ càng nhiều. 3 nhà sáng lập của Juno đã rời khỏi, các founder của The Coffee House cũng không còn, 1 founder của Giao Hàng Nhanh đã rời đi. Nay còn founder của Hnoss, Haravan và 1 của Giao Hàng Nhanh.

Chuyện những nhà sáng lập đã ‘bay màu’ khỏi startup do chính mình 'thai nghén' sau khi gia nhập Seedcom

Nhiều thương hiệu trong hệ sinh thái của Seedcom đã không còn founder nữa.

Hiện tại, Seedcom đang có 7 thành viên là The Coffee House, Cầu Đất Farm, Haravan, Juno, Hnoss, King Food Market và Scommerce – Giao Hàng Nhanh. Trong quá khứ, họ từng đầu tư nhượng quyền trà sữa Tenren từ Đài Loan và đầu tư vào thương hiệu thời trang nữ Eva de Eva, nhưng cả hai thương vụ đều không thành công, nên Seedcom đã rút vốn.

Trong 7 thành viên hiện hữu của Seedcom, Cầu Đất Farm vốn là một nông trại lâu đời nên không có Nhà sáng lập, King Food Market là dự án họ tự gầy dựng; còn 5 công ty còn lại, hoặc Seedcom tham gia vào đầu tư và cùng phát triển trong thời gian đầu hoặc mua lại khi dự án đã có tiếng tăm.

Đầu tiên, chúng ta hãy nói về những co-founder của The Coffee House – thương hiệu đang nổi nhất trong hệ sinh thái của Seedcom.

The Coffee House được sáng lập bởi Nguyễn Hải Ninh vào năm 2014. Nguyễn Hải Ninh là một nhà khởi nghiệp chuyên nghiệp trong thị trường F&B của Việt Nam, khi trước đó đã cùng người bạn Đinh Nhật Nam ra mắt thương hiệu cà phê Urban Station. Seedcom đã gia nhập The Coffee House và cùng Nguyễn Hải Ninh gầy dựng thương hiệu này trong những ngày đầu.

Tháng 7/2019, có thông tin Nguyễn Hải Ninh đã rời vị trí CEO, để giữ chức vụ Phó Chủ tịch phụ trách chiến lược. Thay thế Nguyễn Hải Ninh là ông Mai Hoàng Phương đến từ công ty mẹ Seedcom. Đến tháng 5/2020, Nguyễn Hải Ninh tiết lộ anh đã trở thành thành viên Ban Giám đốc của Pasteur Street Brewing – một hãng bia Việt do người Mỹ sáng lập. Tuy nhiên, anh không tham gia vào các công việc điều hành của Pasteur Street Brewing, mà chỉ đóng góp về mặt chiến lược phát triển.

Tháng 2/2021, Nguyễn Hải Ninh viết trên Facbook cá nhân cho biết đã chính thức rời The Coffee House. “6 năm cho một hành trình, có buồn có vui có hoan ca có thất bại. Còn đó những ước mơ, những trăn trở lẫn kỳ vọng. Cảm ơn tất cả vì đã làm nên phần đẹp nhất của tuổi thanh xuân của mình. Tạm biệt The Coffee House – The House of Inspiration“. Với Nguyễn Hải Ninh, xem như anh đã exit thành công trong dự án khởi nghiệp thứ hai đời mình.

Chuyện những nhà sáng lập đã ‘bay màu’ khỏi startup do chính mình thai nghén sau khi gia nhập Seedcom - Ảnh 1.

Sự rời đi của Nguyễn Hải Ninh gây ra rất nhiều hối tiếc cho những người yêu thích thương hiệu The Coffee House.

Tháng 3/2021, Citics – một nền tảng công nghệ bất động sản của Việt Nam cho biết đã huy động được 1 triệu USD trong vòng pre-series A từ một nhóm các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đáng lưu ý, dàn lãnh đạo Citics quy tụ nhiều “người quen” của làng startup Việt. Một trong số đó là Nguyễn Hải Ninh – Founder và cựu CEO của chuỗi cà phê The Coffee House. Dường như, Nguyễn Hải Ninh đã từ bỏ F&B để theo đuổi bất động sản.

Dữ liệu của chúng tôi về kết quả kinh doanh năm 2019 của các chuỗi cà phê lớn cũng cho thấy The Coffee House xếp thứ hai với doanh thu 863 tỷ đồng, sau Highlands Coffee dẫn đầu đạt 2.199 tỷ đồng. The Coffee House nhỉnh hơn một chút nếu so với Starbucks Việt Nam và Phúc Long.

Trong khi lợi nhuận của những Starbucks, Phúc Long tăng dần theo quy mô; The Coffee House lại báo khoản lỗ năm 2019 lên đến 81 tỷ đồng. Biên lãi gộp của The Coffee House là 72%, thuộc hàng cao nhất thị trường. Việc tăng trưởng nóng và chấp nhận lỗ lớn nằm trong dự định của dàn lãnh đạo công ty. Theo chia sẻ của ông Đinh Anh Huân, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Seedcom, mục tiêu của họ đến năm 2025 là ít nhất mỗi năm tăng trưởng 50%. Khi đó, họ có thể điều chỉnh tốc độ tăng trưởng để có lãi.

“Nếu muốn có lợi nhuận, chúng tôi chỉ cần phát triển chậm lại, mỗi năm tăng trưởng từ 10 – 20% là đạt được. Hiện nay chúng tôi đã có lãi vài chục phần trăm trên một cửa hàng. Nhưng làm việc đó để trả lời câu hỏi gì?”, ông Huân chia sẻ trong buổi phỏng vấn mới nhất trên Trí thức trẻ.

Mới đây, một nhân sự chủ chốt khác của The Coffee House là Phú Võ cũng đã rời The Coffee House. Trước khi gia nhập One Mount Group, Phú Võ từng là Giám đốc Thương mại và Marketing, kiêm Phó Chủ tịch của The Coffee House và anh cũng chính là một trong những người đã sát cánh cùng Nguyễn Hải Ninh trong những ngày đầu thành lập thương hiệu này. Bây giờ, dường như The Coffee House đã thay máu cả giàn lãnh đạo quan trọng của mình.

One Mount Group – startup được hậu thuẫn bởi 3 ông lớn là Masan – VinGroup – Techcombank và sở hữu 2 thương hiệu VinID cộng VinShop, không chỉ là bến đỗ của Phú Võ mà còn của một người cũ Seedcom khác Nguyễn Trần Thi.

Nguyễn Trần Thi cùng Lương Duy Hoài sáng lập Giao Hàng Nhanh vào năm 2012. Sau nhiều bị điều chuyển đến những vị trí khác nhau trong Ban Giám đốc, tháng 6/2019, Nguyễn Trần Thi thông báo sẽ rời bỏ Giao Hàng Nhanh sau 7 năm gắn bó. Tháng 10/2019, cựu co-founder của Giao Hàng Nhanh thông báo đã gia nhập One Mount Group với vị trí Giám đốc logistic.

Trong bài phỏng vấn với chúng tôi năm 2019, Lương Duy Hoài – CEO của Giao Hàng Nhanh tiết lộ: “Tại Giao Hàng Nhanh, các lãnh đạo chủ chốt có 2 việc phải làm hằng này đó là quản lý công ty và phát triển bản thân. Đây đều là những nhiệm vụ bắt buộc, anh không thể nói ‘tôi bận quản lý công ty nên tôi không có thời gian phát triển bản thân’. Anh không phát triển bản thân cũng được, nhưng khi công ty lên quy mô tiếp theo, thì anh sẽ đứng im ở đấy và có thể bị ‘đào thải’“.

Phần Juno, thương hiệu này thành lập bởi 3 chàng trai trẻ trong năm 2005, tuy nhiên chỉ sau khi về tay Seedcom năm 2015, cái tên Juno mới được biết đến rộng rãi. Sau thời gian ngắn về tay Seedcom, dường như 2/3 đồng sáng lập Juno cũng rời đi, đến khoảng năm 2017, co-founder còn lại là Nguyễn Quốc Tuấn được cất nhắc lên vị trí CEO. Ông Nguyễn Quốc Tuấn từng phát biểu rằng: “Khi Seedcom đầu tư, công ty gần như làm lại từ đầu, chỉ giữ lại đúng thương hiệu Juno. Từ đây, Juno bắt đầu hành trình phát triển mới“.

Tuy nhiên, có vẻ ‘Samurai cuối cùng’ này cũng không còn phù hợp trên cương vị mới, ông Tuấn đã từ nhiệm từ đầu năm 2020. Sau đó, thông tin đăng ký doanh nghiệp mới nhất, người đại diện theo pháp luật của công ty Juno cũng đã được chuyển từ ông Nguyễn Quốc Tuấn sang ông Nguyễn Duy Linh. Ông Linh giữ chức vụ tổng giám đốc Juno từ tháng 12/2019 và cũng là một trong những nhân sự điều hành cấp cao của Seedcom.

Sau khi rời Juno, ông Nguyễn Quốc Tuấn chuyển sang làm CEO của Hoang Phuc International. Như thế, hiện tại Juno không còn bất cứ người sáng lập nào trong Ban lãnh đạo.

Chuyện những nhà sáng lập đã ‘bay màu’ khỏi startup do chính mình thai nghén sau khi gia nhập Seedcom - Ảnh 2.

Các nhân sự chủ chốt của Seedcom.

Hiện tại, Hnoss và Haravan vẫn được lèo lái bởi các founder của mình.

Thành lập vào tháng 03/2014, Haravan là platform công nghệ cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh cho doanh nghiêp vừa và nhỏ và người kinh doanh online. Dự án khởi nghiệp này được khởi xướng bởi ông Huỳnh Lâm Hồ. Cũng như The Coffee House, Seedcom tham gia vào Haravan từ những ngày đầu, cũng như cùng gầy dựng doanh nghiệp với ông Huỳnh Lâm Hồ.

Không như Haravan, Hnoss gia nhập Seedcom từ năm 2018, như founder của Hnoss – Cổ Huệ Anh tiết lộ: “Các thương hiệu thời trang tầm trung, có đâu đó vài chục cửa hàng, nếu không bán thì sẽ chết. Đó là lý do Hnoss nhận đầu tư để làm một cách bài bản và lớn hẳn lên”. Sau khi gia nhập ngôi nhà Seedcom, bà Cổ Huệ Anh vẫn được lãnh đạo hệ sinh thái này tin tưởng giao vị trí CEO và tiếp tục lãnh đạo thương hiệu tiến về phía trước.

Ở Seedcom chúng tôi có một hệ thống giá trị và văn hóa riêng là thúc đẩy tinh thần doanh nhân; chúng tôi đẩy mạnh tăng trưởng quy mô thông qua mô hình New Retail; và chúng tôi có khát vọng đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới. Đó là ba thứ cốt lõi và quan trọng.

Khi làm đương nhiên sẽ gặp khó khăn, chúng tôi có 4 câu hỏi luôn đặt ra để tìm cách giải quyết.

Thứ nhất, làm sao để đội ngũ quản lý của công ty có thể học hỏi và phát triển bản thân nhanh hơn tốc độ phát triển của công ty, để mỗi người quản lý không phải là cổ chai cho sự phát triển.

Thứ hai, trong một thế giới phẳng và thị trường có sự thay đổi giữa các mô hình kinh doanh khác nhau, làm sao chúng tôi có thể đầu tư linh hoạt, thay đổi để phát triển và đón đầu xu hướng, từ đó điều chỉnh mô hình kinh doanh. Chúng tôi không để tụt lại phía sau, không để mô hình kinh doanh lạc hậu, và lỗi thời trong việc cung cấp sản phẩm – dịch vụ cho khách hàng.

Thứ ba, làm sao có được kỷ luật trong thực thi để có thể thực hiện nhanh và hiệu quả các định hướng đã được vạch ra. Từ đó chúng tôi có được sự linh hoạt, thử và sai nhanh, không ù lì chậm chạp. Nếu chậm chạp chúng tôi tin mình sẽ bị đào thải“, ông Đinh Anh Huân – Chủ tịch Seedcom nêu nguyên tắc dùng người của doanh nghiệp này.

Seedcom và các founder thành viên không bao giờ tiết lộ lý do chia tay, bởi vậy người ngoài rất khó để biết chính xác tại sao tỷ lệ ‘đào thải’ founder lại cao như vậy. Nhưng thực tế này vẫn luôn là một phần của cuộc chơi startup: không phải founder nào cũng sẽ theo dự án suốt đời, exit và nhận về một khoản tiền đủ lớn để bắt đầu dự án khác cũng rất tuyệt vời.

Đông Quân

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Chuyện những nhà sáng lập đã ‘bay màu’ khỏi startup do chính mình ‘thai nghén’ sau khi gia nhập Seedcom
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here