Sau gần 2 thập kỷ từ khi quy định mới được ban hành, vấn đề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam dù đã nhiều bước tiến mới nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra của một nền kinh tế tri thức năng động.
Mừng vì nước tới chân… kịp nhảy
Những năm cuối thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21, vấn đề bản quyền bắt đầu được bàn tán sâu rộng, ban đầu ở lĩnh vực đại chúng, xưa nay vốn “ồn ào” như văn hóa – văn nghệ, sau đó lan ra mọi lĩnh vực và trở thành vấn đề “đau đầu” không của riêng ai.
Trong lĩnh vực nghệ thuật, người có hành vi vi phạm bản quyền có thể là bất cứ ai, nghệ sĩ vô danh hay thậm chí người đã có tên tuổi như nhạc sĩ Bảo Chấn cũng từng vướng vào đạo nhạc khi viết bài ‘Tình thôi xót xa’, hay sĩ Quốc Bảo với bài ‘Tuổi 16’.
Và khi không còn là chuyện “trà dư tửu hậu”, bất cập về sở hữu trí tuệ tác động đến cả những lĩnh vực khác như kinh doanh, thương mại. Cà phê Trung Nguyên, bánh phồng tôm Sa Giang, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi là vài trong số nhiều “nạn nhân” bị xâm phạm thương hiệu trong những ngày đầu hội nhập với thế giới.
Những thiệt hại gia tăng xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khiến yêu cầu đặt ra về một nền tảng pháp lý thuộc phạm vi sở hữu trí tuệ chính thức được quan tâm như một vấn đề chung. Tính cấp thiết của vấn đề đã dẫn đến sự ra đời của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005. Nhờ đó, một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn được kiến tạo, hệ sinh thái người tiêu dùng thông minh bắt đầu được hình thành trong khi các chủ thể sáng tạo trong nước (doanh nghiệp, tác giả…) được chủ động hơn trong việc tạo ra những sản phẩm mới và dễ dàng thu hút nguồn lực ngoại.
Năm 2018, Spotify – ứng dụng nghe nhạc có bản quyền lớn nhất trên thế giới, bước vào một thị trường còn xa lạ với việc nghe nhạc trả phí như Việt Nam, ít nhiều đã cho thấy cái nhìn lạc quan hơn của doanh nghiệp ngoại đến thị trường nội địa.
Tuy nhiên, sự lành mạnh của một thị trường được bảo đảm về bản quyền mới chỉ dừng ở mức độ… tín hiệu như vậy.
Chưa vui vì còn nhiều tiếng kêu cứu về bản quyền
Có cầu ắt có cung, hành vi của các đối tượng vi phạm sở hữu trí tuệ khả năng cao là kết quả của những hậu thuẫn “vô ý” của một cộng đồng tiêu dùng nhất định. Vẫn còn cơ số những người tiêu dùng hiện nay chuộng các sản phẩm “hợp túi tiền” và bỏ ngoài các yếu tố khác như chất lượng (nội dung) hoặc tính pháp lý (bản quyền) – một hệ quả từ những yếu kém trong giáo dục về bản quyền ở Việt Nam.
Không tính đến lý do chủ quan như hoàn cảnh đặc biệt của một số người, việc sao chép (photocopy) tài liệu của sinh viên, hay việc in “chùa” giáo trình đã và đang diễn ra như chuyện thường ngày. Hệ quả là sự thờ ơ về bản quyền và mức độ thiếu trân trọng những thành quả sáng tạo của một số lượng người không nhỏ.
Gần đây nhất, chiến thắng của hoạ sĩ Lê Linh với quyền sở hữu nhân vật Thần Đồng Đất Việt được ví như một tín hiệu vui cho cả cộng đồng sáng tạo và cả nhận thức về bản quyền nói chung trong dư luận. Song, nhìn chung sự kiện này vẫn chỉ mang tính cục bộ, hành trình tìm công bằng về bản quyền vẫn là tự thân và thực tế ngoài kia vẫn còn rất nhiều Lê Linh đã và đang tìm kiếm sự công nhận về mặt tác quyền nhưng chưa được dư luận ghi nhận.
Bản quyền trong giáo dục
Tương tự, một đại diện khác thuộc lĩnh vực giáo dục, trường doanh nhân Đắc Nhân Tâm (Dale Carnegie Việt Nam) cũng gặp phải những khó khăn trong quá trình triển khai mô hình giáo dục cao cấp và chuyên sâu cho các nhà lãnh đạo, doanh nhân của mình tại Việt Nam.
Là một trong những tài liệu đào tạo có giá trị nhất trên thế giới về doanh nhân và quản trị, “di sản” Dale Carnegie (các công trình nghiên cứu, tài liệu giảng dạy, hệ thống đào tạo chuyên sâu…) không dễ nhượng quyền.
Với bề dày tri thức hơn 100 năm phát triển dựa trên nền tảng của nghệ thuật Đắc Nhân Tâm, di sản Dale Carnegie trên toàn cầu có giá trị như một phát minh vĩ đại về lĩnh vực quản trị, đặc biệt là quản trị về con người. Trước đó, nhà sáng lập tổ chức, ông Dale Carnegie, cũng là cha đẻ của cuốn sách huyền thoại “Đắc Nhân Tâm” cũng được vinh danh là ‘mega guru’ về nghệ thuật sống đẹp danh giá mọi thời đại.
Vì lí do trên, ngoài nguồn tài chính lớn, đơn vị được chọn nhượng quyền phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về giảng dạy và nghiên cứu giáo trình, đồng thời được kiểm tra định kỳ hàng năm từ chính chuyên gia Dale Carnegie (Mỹ).
Tiếp nhận đã khó, phát triển mô hình như Dale Carnegie trong nước lại vất vả hơn, phần vì làm sao để những tri thức này phù hợp với thực tế tại Việt Nam mà vẫn giữ trọn tinh thần di sản Dale Carnegie, phần còn lại là nguy cơ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã và đang phổ biến tại thị trường này.
Những năm đầu hoạt động, một chuyên gia huấn luyện tại Dale Carnegie Việt Nam đã tiến hành làm việc với một số khách hàng của trường và sử dụng các sản phẩm của trường để tổ chức giảng dạy bên ngoài.
Khác với nhiều dự đoán trước đó về sự việc, vụ lùm xùm được khép lại với lời yêu cầu trả lại những di sản của Dale Carnegie cho đơn vị sở hữu hợp pháp tại Việt Nam (trường doanh nhân Đắc Nhân Tâm) mà không cần một khoản bồi thường nào về mặt tài chính.
Theo bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Dale Carnegie Việt Nam, quan điểm của đơn vị giáo dục không phải là vấn đề tranh chấp mà là sự giáo dục sâu rộng nhận thức của xã hội về vấn đề bản quyền hay rộng hơn là công lý trí tuệ. Cụ thể, Dale Carnegie Việt Nam cũng như Dale Carnegie toàn cầu mong muốn nhiều người Việt Nam quan tâm, trân trọng nhiều hơn đến quá trình tạo ra sản phẩm tri thức so với kết quả đơn giản cuối cùng mà họ được nhận – một quyển sách hay một tập tài liệu, từ đó có cái nhìn đúng mực với giá trị thực của sản phẩm sáng tạo mà với riêng trường hợp Dale Carnegie Việt Nam còn là di sản tri thức.
Thế khó của pháp lý
Đứng trên quan điểm chuyên môn, Luật sư Lữ Bạch Linh, Văn phòng luật sư Đông Du (Đoàn luật sư TP. HCM) cho biết, trong các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực sản phẩm tri thức như quyền tác giả, việc xác định thiệt hại thường rất rắc rối, phức tạp.
“Không thể quy tất cả ra bằng tiền, vì thiệt hại nhiều khi là những giá trị không thể tính bằng tiền như danh dự, quyền nhân thân… Việc áp dụng các quy định pháp luật để tính toán thiệt hại quy ra thành tiền hiện nay có nhiều bất cập và làm đau đầu những người không am hiểu pháp luật, ví dụ như pháp luật chưa cho phép tính chi phí thuê luật sư vào thiệt hại. Đây là khâu chính gây kéo dài vụ kiện, từ việc nguyên đơn tự xác định thiệt hại đến việc giám định thiệt hại (nếu có) của tòa án”, luật sư chia sẻ.
Ngoài ra, việc xử lý các vụ vi phạm tác quyền ở Việt Nam không bao giờ được rốt ráo, và hình thức xử phạt, chế tài vẫn còn nhẹ khiến người ta không sợ.
Sở hữu trí tuệ, cần nhìn rộng hơn
Một quá trình nghiên cứu lâu dài luôn là tiền đề cho một sản phẩm sáng tạo bất kỳ, và khi xem chúng như một đơn thể (không phải tổng thể cả quá trình) sẽ khiến nhiều người xem nhẹ và thờ ơ với khối lượng chất xám bỏ ra. Một tác phẩm sách, một tập giáo trình cho đến những phát minh vĩ đại, tất cả đều cần sự trân trọng như nhau.
Thực tế, giáo dục nhận thức – nhất là ở phạm vi cộng đồng, cần có quá trình tác động liên tục và việc đòi hỏi những thay đổi tức thời là điều bất khả thi. Do đó, chỉ gây chú ý và tạo hiệu ứng như vụ kiện của họa sĩ Lê Linh thôi là chưa đủ.
Lạc quan mà nói, cộng đồng tri thức – bao gồm giáo viên, học viên, nhân viên văn phòng và cả doanh nhân, hiện nay đã có tiếng nói riêng và gây được ảnh hưởng nhất định trong dư luận, chính là cơ sở cho những thay đổi tích cực về nhận thức sở hữu trí tuệ trong tương lai.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) cho rằng, chỉ pháp luật có sự thay đổi thôi là chưa đủ, để thực sự tạo ra cái gọi là “hành lang pháp lý” đòi hỏi nhiều hơn ở tiếng nói chung, ý thức chung của mọi người,mọi đối tượng trong xã hội.
“Phẩm cách quốc gia không nằm đâu xa mà chính là ở sự tôn trọng và đề cao bản quyền. Đây chính là một trong những đặc trưng thị trường, đồng thời là nền tảng quan trọng cho các nước tiên tiến trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc… phát triển”, ông Phước chia sẻ thêm.
Thời gian vừa qua, những hiệu ứng lan tỏa như chuyện bảo vệ môi trường hay bảo tồn văn hóa ít nhiều đã mở ra những khuynh hướng “nghĩ về một xã hội văn minh hơn”. Như vậy, với chuyện bản quyền cũng không phải không thể có lời kết đẹp.
Còn quá sớm để nói về những thay đổi lớn, nhưng ít nhất, nếu mỗi người trong chúng ta tự nhìn nhận và có ý thức thay đổi nhận thức, xã hội đã may mắn bớt đi một “Lê Linh”, một “Dale Carnegie” cô độc trên hành trình tìm kiếm công lý cho tri thức và sáng tạo.