Bài viết của chị Nguyễn Thục Đoan (JD ASIA) đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.
Dẹp bỏ sự lịch thiệp công sở và làm khó đồng nghiệp đến cùng, bạn dám không?
Công ty của tôi là một Advertising & Media Agency, chúng tôi thường xuyên có những buổi họp đưa ra chiến lược triển khai dự án để propose lên khách hàng hoặc cải thiện kết quả công việc đang làm cho khách. Như các công ty khác trong ngành, chúng tôi có những bạn rất giỏi, trẻ và cá tính.
Trong một lần kia, chúng tôi tranh luận ý tưởng cho dự án mới, cô gái Planner giỏi nhất công ty tôi – người luôn được team nể nang vì khả năng triển khai ý tưởng tốt và logic, đồng thời cũng là người vô cùng bảo thủ, được giao lead buổi họp. Cô ấy vô cùng hào hứng trình bày ý tưởng mà cô ấy thích thú đến mức cả đêm mất ngủ để viết nó ra giấy.
Ý tưởng của cô ấy rất hay, rất đặc biệt, tuy nhiên có một số điểm chưa phù hợp. Và tôi – người uy quyền nhất ở công ty đã phản đối một phần ý tưởng của cô ấy. Tôi và cô ấy đều muốn bảo vệ quan điểm của mình, đồng thời lôi tất cả mọi người vào cuộc tranh luận. Khoảng khắc ấy, tôi nhận ra tất cả những người còn lại rất bối rối vì chúng tôi đỏ mặt tía tai như sắp đánh nhau.
Đỉnh điểm, cô ấy đuối lý và đập mạnh tay lên bàn, chồm người về phía tôi và nói rất kích động: “Chị phản đối vậy chị có giải pháp gì không? Chị phản đối là phải có giải pháp”.
Đến lượt tôi bị đẩy vào thế khó, tôi im lặng mỉm cười để tranh thủ thời gian suy nghĩ. Áp lực trong ánh mắt mạnh mẽ và tức giận của cô nhân viên cùng sự im lặng chờ đợi của mọi người dường như khiến não tôi căng ra và hoạt động mạnh mẽ hơn. Tôi đưa ra giải pháp thay thế.
Ngay lúc ấy, tôi nhận thấy mặt cô ấy bỗng giãn ra, cô nàng đập tay lên bàn lần nữa và nói: Đúng rồi, rất hợp lý. Tất cả mọi người cũng cảm thấy phù hợp và mỗi người một ý hoàn thiện hơn ý tưởng của tôi.
Buổi họp tiếp tục ồn ào tranh luận, mọi ý kiến đều mạnh mẽ và cuối cùng chúng tôi kết thúc với một kết quả làm tất cả mọi người hứng khởi. Tất cả chúng tôi như vừa được uống một liều moocphin. Mở cửa phòng họp bước ra ngoài, tất cả ánh mắt trong công ty hướng vào chúng tôi, cô nhân sự tiến đến hỏi nhỏ: “Sao vậy chị, có chuyện gì ạ? Em tưởng có đánh nhau luôn rồi”.
Những cuộc họp sau đó đều diễn ra trong không khí tương tự, chúng tôi như vừa thoát ra khỏi vùng an toàn của mình và cởi mở hơn với nhau. Thậm chí những cô cậu intern vừa mới ra trường, tham gia buổi họp chỉ để tham khảo, cũng mạnh mẽ tranh luận vì bị cuốn vào không khí sôi nổi ấy.
Cả tôi và cô Planner ngày càng bị thử thách nhiều hơn. Chúng tôi chính thức bổ sung văn hoá công ty: Tranh luận hết mình, mọi ý kiến và sự manh động vì mục đích đưa ra ý tưởng tốt nhất được cổ vũ và không được vì vậy mang hiềm khích cá nhân, nói xấu lẫn nhau. Và hiển nhiên chúng tôi có được kết quả tốt hơn.
Sau đó không lâu, tôi lại tình cờ đọc được cuốn “Quốc Gia Khởi Nghiệp”, trong đó có kể đến văn hoá công sở của Israel.
Minh chứng bằng câu chuyện những nhân viên kỹ thuật của Intel tại văn phòng Haifa – Israel quyết liệt hết lần này đến lền khác bay đến Mỹ để thuyết phục các CEO về ý tưởng của họ. Họ chặn các CEO trong thang máy, toilet, phòng họp, hành lang… và mỗi lần xuất hiện, họ lại mang theo những chứng cứ thuyết phục hơn.
Cuối cùng, vượt qua mọi sự bác bỏ, ý tưởng của họ được chấp nhận và làm nên một bước ngoặc thông minh được đánh giá là “cứu sống tập đoàn Intel”.
Điều làm tôi ấn tượng không chỉ là quyết tâm bảo vệ ý tưởng của mình, mà còn là hình ảnh các nhân viên kỹ thuật tại một chi nhánh nhỏ, vốn chỉ hưởng lương cứng lại đã/dám hết mình và kiên quyết tác động đến định hướng doanh nghiệp, vốn là trách nhiệm của các CEO.
Tôi kể cho nhân viên của mình nghe câu chuyện ấy trong buổi họp đầu tuần, khuyến khích họ mạnh mẽ hơn và nói với những bạn trẻ nhất công ty: “Hãy chứng tỏ cho những kẻ đầy quán tính như tụi chị thấy các bạn vô cùng sáng tạo và các bạn sẽ làm nên những giá trị không tưởng và các bạn sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển của công ty. Chúng ta sẽ cùng học hỏi và phát triển JD”.
Từ đó, nhiều hôm tôi bị các bạn ào vô phòng làm việc bắt bẻ về “sự hướng dẫn” của tôi. Các bạn trưng ra các bằng chứng và đòi hỏi tôi phải chứng minh tôi đúng. Và tôi lại phải lụi cụi bổ sung luận cứ cho mình bằng cách tìm thêm tài liệu. Chúng tôi cứ thế buộc phải lớn lên và hiểu biết hơn.
Một câu chuyện nhỏ từ công ty của tôi, về cách tôi đã thay đổi quan điểm quản trị của mình cũng như văn hoá doanh nghiệp mình.
Còn bạn, nếu đã đọc hết bài viết, hãy dành chút thời gian suy ngẫm và lựa chọn cho riêng mình.