Khi robot ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của doanh nghiệp, quản trị cảm xúc trong doanh nghiệp sẽ là lối đi tắt hay chiến lược lâu dài?
Những mối nguy ẩn mình từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang chuyển đổi nền kinh tế sang một giai đoạn mới, trong đó trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành công cụ chiến lược khi len lỏi vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực mà AI mang lại cho các doanh nghiệp, những bước tiến vượt bậc của công nghệ này cũng hé lộ những mối nguy khôn lường.
Báo cáo “Toàn cảnh AI tại Việt Nam năm 2018” của Nexus FrontierTech, rubikAI và G&H Ventures chỉ ra rằng, sự phát triển AI tại Việt Nam phải đối mặt với những thách thức chung trên thế giới mà lớn nhất chính là vấn đề thiếu hụt nhân tài (59%), khả năng truy cập dữ liệu (47%) và gọi vốn (35%).
Tuy nhiên, “cú sốc công nghệ” đáng chú ý là sự tác động của AI tới văn hóa doanh nghiệp. Năm 2018, tổ chức Dale Carnegie toàn cầu đã thực hiện một khảo sát trực tuyến về tầm ảnh hưởng của AI đến môi trường làm việc.
Kết quả cho thấy, 75% phản hồi tin rằng AI sẽ “thay đổi cơ bản cách chúng ta sống và làm việc trong 10 năm tới” và phần lớn mong đợi những thay đổi tích cực.
Tuy nhiên, cũng có gần 30% phản hồi từ những người ở cấp điều hành trở lên cho rằng, họ rất lo lắng về tầm ảnh hưởng tiềm tàng của AI đến văn hóa tổ chức của họ. Trong đó, vấn đề trọng yếu nhất là dữ liệu đầu vào, tiếp đến là mối nguy về cấu trúc nhân sự. Những công việc thao tác thủ công được xem là một trong những hình thức dễ tự động hóa nhất bởi AI.
Trí tuệ cảm xúc lên ngôi
Trí tuệ cảm xúc là một trong những điều mà AI không thể thay thế con người cho đến thời điểm hiện tại. Con người sử dụng cảm giác để nhận thức sự việc, giải quyết các vấn đề mới. Trước một tình huống phát sinh, con người sẽ dùng trực giác của mình để xem xét các tình huống và áp dụng kiến thức sẵn có để hiểu và xử lý tình huống.
Ngược lại, các chương trình máy tính thì không thể dự đoán được điều này. Chúng đòi hỏi kỹ thuật lập trình chính xác ở tất cả các tình huống có thể xảy ra, chứ không thể dựa trên một tình huống “mơ hồ” để dự đoán các trường hợp tương tự.
Tiếp đến, con người có cảm xúc và hiểu được cảm xúc của người khác. Theo Yann LeCunn – Giám đốc nghiên cứu AI của Facebook, robot không có khả năng phát triển bất cứ loại cảm xúc nào, chúng chỉ có thể được lập trình sẵn.
“Chúng tôi có thể đưa lòng vị tha vào bộ nhớ của robot, điều đó sẽ khiến chúng trở nên dễ chịu hơn khi tương tác với con người”, Yann Lecun nói.
Cuối cùng, một thứ mà robot không có là sự sáng tạo. Trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra những hình ảnh đẹp mắt, hoặc bắt chước phong cách của một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, độc đáo thì chỉ có con người mới làm được, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Theo Doctor Travis Bradberry, trí tuệ cảm xúc chiếm 58% các yếu tố dẫn đến kết quả thành công trong công việc của một người nhân viên, 90% những người xuất sắc trong công việc có trí tuệ cảm xúc rất cao. Biết quản lý cảm xúc của mình chiếm phần cực kỳ quan trọng cho thành công trong công việc.
Trí tuệ cảm xúc tốt giúp lãnh đạo kết nối với nhân viên và đồng nghiệp tốt hơn – “hiểu mình, hiểu người” cùng nhau tạo ra một đội ngũ tuyệt vời và hướng đến một giá trị đích thực.
Quản trị cảm xúc – Thế khó của doanh nghiệp
Thực tế, hiện nay vẫn còn nhiều nhà lãnh đạo mang phong cách “độc đoán” và không làm chủ được cảm xúc của mình. Họ thường đưa ra những quyết định dựa trên trực giác và cảm nhận thực tế của bản thân trong khi chưa có đầy đủ dữ liệu chắc chắn.
Đây là một sai lầm nghiêm trọng vì trực giác có xác suất sai là rất lớn. Một nhà lãnh đạo giỏi là người biết hạn chế cảm xúc tiêu cực của mình và truyền tải những cảm xúc tích cực đến nhân viên. Đồng thời, lan tỏa giá trị này cho toàn thể nhân viên của mình như một giá trị cốt lõi của công ty.
Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp chính là chuỗi giá trị vô hình bao gồm sự yêu thương lẫn nhau, những giá trị sống và cống hiến, từ đó biểu hiện ra bên ngoài là hành vi ứng xử, tương tác giữa con người với nhau. “Giá trị sống” của một doanh nghiệp được khơi nguồn từ tư tưởng và tầm nhìn của người lãnh đạo vì nó đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong quản trị doanh nghiệp, quyết định vận mệnh của doanh nghiệp.
Tiếp đến là giá trị về niềm tin: Người lãnh đạo tốt là người tạo được niềm tin cho nhân viên của mình và cho họ thấy được những lợi ích mà công ty sẽ đem lại trong tương lai.
Cuối cùng, là việc áp dụng mô hình quản lý trong doanh nghiệp bởi thương hiệu của một doanh nghiệp được tạo dựng từ nhiều giá trị khác nhau trong đó, văn hóa ứng xử và phương pháp quản trị nhân sự chính là xương sống của doanh nghiệp. Quản trị bằng yêu thương là cách nhân viên trao gửi niềm tin, gắn bó, cống hiến và luôn sẵn sàng chia sẻ với người lãnh đạo của mình.
Bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Phó tổng giám đốc cấp cao phụ trách marketing của PepsiCo Vietnam nhận định: “Chúng ta nên quản lý nhân viên với lòng kiên quyết trong sự mềm mại. Khi tuyển hoặc sa thải nhân viên phải bằng tình yêu thương. Mọi sự việc đều sẽ quay lại là mối quan hệ giữa con người với con người nên cái gì xuất phát từ trái tim sẽ dẫn đến trái tim”.
Trên nền tảng đó, để yêu thương trở thành phương thức quản trị hiệu quả, mỗi nhà lãnh đạo cần phải “làm gương” và đảm bảo được các yếu tố: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn kết, nêu cao tinh thần đồng đội và tôn trọng từng cá nhân trong tổ chức, xây dựng môi trường làm việc mà ở đó các nhân viên tích cực hỗ trợ nhau, thiết lập đánh giá và khen thưởng rõ ràng, minh bạch trong tổ chức.
Quản trị bằng yêu thương – Bí quyết thành công của các doanh nghiệp hàng đầu
Tiên phong trên thị trường về phong cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhiều khác biệt, chủ đề “yêu thương” đã được ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động trình bày ở nhiều hội thảo với những thông điệp khác nhau, gây được tiếng vang và sự chú ý của cộng đồng doanh nhân. Ông cũng là một trong những người tiên phong trong việc đưa “yêu thương” trở thành một trong 6 giá trị cốt lõi vào việc quản trị đội ngũ nhân sự.
6 giá trị cốt lõi của Thế giới Di động bao gồm “Tận tâm – Trung thực – Chữ tín – Nhận trách nhiệm – Yêu thương đồng đội và Máu lửa trong công việc”.
Với quan niệm “CEO giỏi cần có chữ Tín và sự thành tâm”, ông Nguyễn Đức Tài đã xây dựng được một đội ngũ vững mạnh, gắn kết cao, một văn hoá “không thể trộn lẫn” và sao chép, từng bước đưa Thế Giới Di Động trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Câu chuyện thành công về thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp của Thế Giới Di Động đã trở thành biểu tượng và mô hình tiêu biểu của ngành bán lẻ nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Năm 2015, Thế Giới Di Động cũng là doanh nghiệp đạt chỉ số gắn kết đội ngũ cao nhất theo báo cáo khảo sát về gắn kết đội ngũ do Dale Carnegie Việt Nam thực hiện.
Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, là đại diện duy nhất của Dale Carnegie tại Việt Nam được sự nhìn nhận và tin tưởng cao của Dale Carnegie toàn cầu về tầm nhìn, tâm huyết và năng lực cho việc phát triển thị trường và giúp lan tỏa những giá trị không tuổi của “Đắc Nhân Tâm” đến Việt Nam.
Trong suốt hành trình phát triển 12 năm, Dale Carnegie Việt Nam đã hợp tác với hơn 900 tập đoàn và công ty lớn tại Việt Nam, tư vấn phát triển năng lực cho hơn 53.000 học viên, hầu hết giữ vị trí lãnh đạo cấp cao, quản lý cấp trung và trưởng nhóm giúp họ biến đổi tư duy và cảm xúc, hoàn thiện năng lực cá nhân và tổ chức, từ đó tạo ra những kết quả kinh doanh vượt bậc trên thị trường.
Đội ngũ nhân viên Dale Carnegie Việt Nam sống và làm việc dựa trên hệ thống nền tảng của các nguyên tắc vàng Đắc Nhân Tâm và hướng đến việc xây dựng “một cộng đồng Đắc Nhân Tâm” tại Việt Nam, luôn sống và lan tỏa giá trị yêu thương trong đội ngũ, trong các mối quan hệ với khách hàng, đối tác và cộng đồng xung quanh.
Hệ thống nền tảng Đắc Nhân Tâm là di sản toàn cầu mà thương hiệu Dale Carnegie đã gầy dựng hơn 100 năm.
Hai nhà lãnh đạo đại diện tiêu biểu cho hai doanh nghiệp hàng đầu sẽ có những chia sẻ thực tiễn và toàn diện tại hội thảo “yêu thương trong doanh nghiệp” nhằm giúp người tham dự đi tìm lời giải: “Làm thế nào để biến yêu thương trở thành nguồn sức mạnh trong văn hóa đội ngũ tạo nên những biến đổi đột phá cho sự phát triển của doanh nghiệp?”
Đến với sự kiện lần này, khi đối thoại với chuyên gia tư vấn về phát triển năng lực và xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp, tuy với chủ đề quen thuộc nhưng ông Tài sẽ mang đến nhiều góc nhìn khác nhau về tầm quan trọng của yêu thương trong quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, mang đến những ý tưởng mới trong việc quản trị nhân sự bằng yêu thương áp dụng cho từng doanh nghiệp cụ thể.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cấp cao và các chuyên gia nhân sự sẽ được cập nhật các dạng văn hóa doanh nghiệp mới nhất dựa trên nghiên cứu của Harvard Business Review.
Sự kiện “Quản trị bằng yêu thương” đặc biệt dành riêng cho lãnh đạo cấp cao (chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc) của các công ty có quy mô trên 100 nhân viên. Mỗi công ty đại diện 1 người tham dự. Đăng ký tham dự tại đây.
Chương trình được tài trợ 100% bởi Dale Carnegie Việt Nam, diễn ra từ 8h30 – 11h30 ngày 12/9, tại tòa nhà số 69 – 71 Huỳnh Tịnh Của, P.8, Q.3, TP. HCM.