Không chỉ dừng lại ở gameshow, những cá nhân này là minh chứng cho nỗ lực không mệt mỏi của nhiều startup để tiếp tục con đường khởi nghiệp gian nan sau khi lên sóng.
- 28-08-2018 Chàng trai lên Shark Tank bán dừa bật nắp: Sang Mỹ du học nửa năm thì phụ…
- 27-08-2018 Cặp vợ chồng của startup Abivin nhận được 200.000 USD trên Shark Tank Việt…
- 26-08-2018 Tiết lộ “khẩu vị” đầu tư của dàn “cá mập” trong Shark Tank Việt Nam: Shark…
Ngày 27/8 tại Hà Nội, Lễ trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2018 chính thức diễn ra. Theo ban tổ chức chương trình, đây là cơ hội để ghi nhận, biểu dương động viên những thanh niên, doanh nhân trẻ có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khởi nghiệp.
Trải qua 3 vòng bình chọn, đã có 68 ứng viên tiêu biểu được trao Danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc, mà trong số đó có thể điểm tên những cá nhân đã bước ra từ gameshow truyền hình Shark Tank Việt Nam.
1. Lê Thanh Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vận chuyển Dấu Chân Việt
Sinh năm 1992 nhưng Lê Thanh Hoài đã là người sáng lập kiêm giám đốc điều hành startup vận chuyển với tên gọi Super Ship – Biệt đội giao hàng siêu đẳng.
Hiểu đơn giản, Super Ship là dịch vụ giao hàng, thu tiền hộ cho các shop bán hàng online. Hệ thống quản lý đơn hàng của Super Ship kết nối trực tiếp với hệ thống bán hàng của các Shop, trong trường hợp các Shop không có hệ thống quản lý vận đơn thì vẫn có thể sử dụng trực tiếp hệ thống của Super Ship để quản lý.
Xuất hiện trong tập 4 Shark Tank mùa 1, Lê Thanh Hoài kêu gọi 2 tỷ đồng để đối lấy 10% cổ phần. Điểm đặc biệt là đã có 4/5 Shark hứng thú với dự án này, ngoại trừ Shark Thái Vân Linh, người cho rằng mô hình còn non trẻ và chưa có nhiều sự khác biệt.
Sau một hồi thương lượng và kiên quyết không nhượng bộ, Lê Thanh Hoài chọn về đội Shark Vương, vì Shark Vương đã đáp ứng được mong muốn của anh là chỉ đưa ra tối đa 20% cổ phần. Khoản đầu tư chốt ở mức 2 tỷ đồng cho 20% cổ phần.
Chia sẻ trong chương trình Chìa khóa thành công, CEO Lê Thanh Hoài cho biết SuperShip đã có mặt tại TP HCM và Hà Nội, mỗi ngày xử lý khoảng 2.500 đơn, nằm trong top 10 doanh nghiệp về dịch vụ vận chuyển, tăng trưởng 10-20% mỗi tháng. Dự kiến trong năm 2019, SuperShip sẽ mở rộng ra toàn quốc với tỷ lệ 70% các điểm trên 63 tỉnh, thành.
2. Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Soya Garden
Soya Garden là mô hình kinh doanh các sản phẩm từ đậu nành chuẩn hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam. Xuất hiện trong tập 8 mùa 1 Shark Tank Việt Nam, Hoàng Anh Tuấn cùng chị gái muốn kêu gọi đầu tư 15 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần.
Trước sự non trẻ trong vấn đề quản lý và tài chính của 2 nhà sáng lập, hầu hết các Shark đều không đồng ý rót vốn. Chỉ duy nhất Shark Thuỷ, Chủ tịch HĐQT Egroup đưa ra quan điểm ngược lại vì tư duy “thích lao vào khi người khác bỏ đi”.
Shark Thủy đồng ý với khoản đầu tư 15 tỷ đồng, trong đó 4 tỷ đồng đổi lại 45% cổ phần, 11 tỷ đồng là trái phiếu doanh nghiệp với lộ trình hoàn vốn 3 năm. Sau quá trình thẩm định “thần tốc” trong vòng 1 tháng, Hoàng Anh Tuấn tiết lộ Shark Thủy đã rót vốn lên tới 20 tỷ đồng và toàn bộ đều quy ra cổ phần. Số liệu cụ thể về khoản cổ phần Shark nắm trong tay cũng như khả năng startup hoàn toàn nằm trong tay Shark đến nay vẫn bị bỏ ngỏ.
Tuy nhiên chính Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự hỗ trợ từ Shark Thủy đã giúp Soya có thêm các nhân sự cao cấp trong mạng lưới, mở rộng danh mục sản phẩm, nâng cấp không gian cũng như chất lượng dịch vụ trong của hàng.
Đến nay, Soya đã có 13 chuỗi cửa hàng, chủ yếu tập trung ở khu vực Hà Nội. Theo đúng kế hoạch, trong năm 2018, Soya sẽ mở thêm khoảng 30 – 40 cửa hàng nữa.
3. Đỗ Ngọc Hoà, Giám đốc Công ty Cổ phần Raincoffee
Cũng được tôn vinh trong danh sách Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc, cũng có mặt trên Shark Tank nhưng startup Raincofffee của anh Đỗ Ngọc Hòa có điểm khác biệt một chút so với 2 startup trên, đó là ra về tay trắng vì không có nhà đầu tư nào đồng ý rót vốn.
Mô hình Raincoffee phát triển theo 2 hướng: vừa kinh doanh cà phê và hệ thống nhượng quyền thương hiệu, vừa sản xuất, cung cấp các sản phẩm cà phê hạt rang xay nguyên chất ra thị trường.
Trong năm đầu 2015, Rain Coffee bỏ ra 500 triệu, thu về được 200 triệu. Đến năm thứ hai, công ty tiếp tục lỗ khoảng 200 triệu đồng. Trong năm gần nhất 2017, Rain Coffee thu về 800 triệu và lãi 10%.
Số liệu tài chính yếu kém, mô hình không có lợi thế rõ ràng khiến tất cả các Shark đều từ chối rót vốn. Tuy nhiên CEO Đỗ Ngọc Hòa không hề nản lòng mà coi đó là cơ hội để học hỏi và tiếp tục phấn đấu.
Kết quả là sau 5 tháng xuất hiện trên Shark Tank, số lượng quán cà phê của Rain Coffee tăng từ 10 lên 15, doanh thu tăng 20%. Nhiều đối tác, nhà đầu tư trong nước và cả nước ngoài biết đến thương hiệu Rain Coffee và mong muốn thương lượng phương án hợp tác.
Chia sẻ với báo chí về bí quyết thành công, CEO Đỗ Ngọc Hoà cho rằng quan trọng là tìm được những người đồng hành tâm huyết.
“Chiếm tới 50% thắng lợi của dự án, không phải vốn nhiều mà chính là tìm được người cộng sự tốt, người có trách nhiệm và nhiệt huyết, song hành cùng ta trên suốt chặng đường”.
Nhật Anh
Theo Trí Thức Trẻ