Tan Le là nhà sáng lập công ty nghiên cứu trí tuệ Emotiv, chuyên phát triển công nghệ tự lái giúp người tàn tật có thể lái xe thông qua ý nghĩ.
- 06-08-2018 Nhiều tỷ phú công nghệ Mỹ đang trốn thuế bằng vỏ bọc từ thiện tinh vi như…
- 30-07-2018 Thiếu hụt nhân lực “làm khó” doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
- 30-07-2018 Công nghệ AI của Trung Quốc sẽ nhanh chóng cho Mỹ “hít bụi”
- 09-07-2018 Không phải thâm hụt thương mại, thứ công nghệ trị giá 12.000 tỷ USD mới là…
Rời Việt Nam từ năm 4 tuổi, Tan Le có một khởi đầu khá khó khăn khi cùng gia đình tới Australia định cư. Mặc dù tại nền kinh tế phát triển này, Tan Le có nhiều cơ hội hơn để thành công nhưng cô cũng gặp không ít khó khăn lúc ban đầu do khác biệt về văn hóa.
“Cuộc sống khá thách thức khi bạn được nuôi dạy trong môi trường mà bản thân trông khác hoàn toàn với mọi người. Bạn có lý lịch khác, cách ăn khác và thậm chí ngôn ngữ khi nói ở nhà cũng khác”, Tan Le trần tình.
Theo Tan Le, cuộc sống thời học sinh của cô rất khó khăn khi người mẹ phải làm rất nhiều việc cùng lúc để 2 chị em cô có thể đến trường. Dẫu vậy cô rất biết ơn bà khi vẫn kiên trì nói chuyện bằng tiếng Việt tại nhà để các con không quên nguồn gốc cũng như cho cô được đi học đầy đủ.
Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng chính những thách thức này khiến Tan Le sẵn sàng vươn ra khỏi vùng “an toàn” của mình để tìm kiếm cơ hội mới. Dù khó nhưng những người có hoàn cảnh nghèo khổ sẽ dễ dàng chấp nhận các thử thách hơn người bình thường.
Thành công nên đi cùng đam mê
Từ khi còn bé, Tan Le đã mơ ước dịch chuyển đồ vật bằng suy nghĩ, một ước mơ trẻ con như bao đứa trẻ thời đó.
“Khi còn bé tôi như một con mọt sách, hiếu kỳ với mọi thứ và rất thích đọc sách. Trong khi đó mẹ của tôi lại dạy cho tôi hiểu tầm quan trọng của học hành, bởi vậy mà tôi khá giỏi trong học tập”, cô Tan Le tự hào nói.
Thời niên thiếu, Tan Le học giỏi, thân thiện nhưng khá trầm tính nên không mấy ai để ý đến cô. Khi hoàn thành cấp 3 để lên đại học, Tan Le chọn ngành luật, một quyết định không được sự ủng hộ từ người mẹ, bà muốn cô đi theo ngành dược hơn.
Trong khoảng thời gian này, Tan Le cũng thường xuyên tham gia hỗ trợ các tổ chức tình nguyện, từ thiện cũng như các hoạt động xã hội. Cô giúp những người nhập cư vào Australia trong vấn để thủ tục pháp lý cũng như đào tạo, kiếm việc làm cho họ.
Chuyện đời nhà sáng lập Tan Le
Đến năm 1998, Tan Le đoạt giải thưởng “Yuong Australian of the Year” khi mới tròn 20 tuổi nhờ những đóng góp tích cực của cô với cộng đồng.
“Tôi thấy rằng việc bạn tìm kiếm cách đóng góp tốt nhất cho cộng đồng là điều quan trọng. Mọi người có cuộc sống khác nhau, những gì bạn được nhận, những thứ mà bạn làm cũng đều khác so với mọi người. Bởi vậy bạn cần tìm ra công thức để định hình mình là ai và có thể làm được gì cho xã hội”, cô Tan Le nói.
Mặc dù việc học luật ở trường Melbourne khiến cô nhận được nhiều kiến thức và kinh nghiệm nhưng chừng đó là chưa đủ với Tan Le. Phần lớn những người cô gặp đều có niềm đam mê với thứ họ đang làm, thúc đẩy họ tiến xa hơn nữa đến thành công, bất kể là khoa học, kinh doanh hay thể thao.
Trong khi người mẹ của Tan Le kỳ vọng cô trở thành bác sĩ hay luật sư thành đạt thì bản thân Tan Le lại cảm giác mình đang thiếu đi thứ gì đó và cô không thể tiếp tục theo đuổi ngành luật được nữa.
“Tôi nhận ra rằng mình đang sống trong một thế hệ mà công nghệ sẽ định hướng tương lai, và tương lai sẽ nằm trong tay những người tạo ra công nghệ mới. Tôi muốn trở thành một phần của sự sáng tạo, đổi mới đó. Tôi không muốn chỉ đi bên lề của xu thế này mà tham gia vào đó, sáng tạo những cái mới”, cô Tan Le nhớ lại.
Kể từ đây, một cô học sinh không đáng chú ý, một sinh viên mẫu mực của trường luật chuyển ngang sang xây dựng công ty công nghệ. Sau khi làm một quãng thời gian cho hãng luật Freehills, Tan Le bắt đầu dịch chuyển dần sang mảng công nghệ, một điều hiếm thấy đối với những sinh viên ngành luật.
Ban đầu, Tan Le chỉ xây dựng những mô hình kinh doanh công nghệ nhỏ như công ty giảng dạy trực tuyến cho trẻ em, rồi lắp ráp máy quét mã vạch. Dần dần, mảng kinh doanh lắp ráp máy quét mã vạch được phát triển thành một hệ thống dịch vụ cho phép các công ty giao tiếp với khách hàng của mình thông qua các tin nhắn, một công nghệ tiên phong đầu thập niên 2000.
Nhà sáng lập Tan Le cùng đồng sáng lập Nam Do thu mỗi công ty 0,037 USD cho mỗi tin nhắn đến khách hàng của họ và thành công dần đến với hãng. Mỗi tháng, công ty của Tan Le xử lý khoảng 150 triệu tin nhắn.
Lái xe bằng ý nghĩ
Năm 2003, Tan Le bán công ty của mình khi mới 26 tuổi và muốn đầu tư tiếp vào khoa học cũng như khám phá những mảng mới đầy tiềm năng trong tương lai. Trong một bữa tối cùng Nam Do và Allan Snyder, một nhà đầu tư công nghệ, cả 3 đã nói chuyện về khả năng thấu hiểu giữa máy móc với cảm xúc con người.
“Ý tưởng của chúng tôi khi đó là làm thế nào để máy móc tương tác tốt hơn với con người trong tương lai, để chúng không chỉ hiểu những chỉ lệnh nhận được mà còn thấu hiểu cảm xúc của con người nhằm phản ứng lại, để các trí thông minh nhân tạo trở nên thông minh hơn”, Tan Le nói cho tờ Wired năm 2010.
Thế rồi cả 3 sáng lập nên Emotiv cùng nhà khởi nghiệp Neil Weste, người đã bán startup của mình cho Cisco với giá gần 300 triệu USD. Emotiv tập trung phát triển thuật toán giúp máy móc nhận dạng được cảm xúc của con người từ những tín hiệu thần kinh. Đây là một tham vọng rất lớn bởi não bộ con người có tới hơn 160.934 km đường dây thần kinh nơ ron.
Emotiv phát triển sản phẩm Epoc
Những phản ứng hóa học tạo ra điện tích giữa các nơ ron có thể đo đếm được nhưng bộ não người có nếp gấp và rất khó để xác định chính xác những phản ứng nào là cho cảm xúc gì. Thậm chí, não bộ của mỗi cá nhân đều khác nhau, tương tự như vân tay vậy.
Do đó dù có cùng nếp gấp, tín hiệu được phát đi từ cùng một vị trí nhưng kết quả lại cho ra rất khác nhau.
Bất chấp những khó khăn đó, Emotiv cho ra đời Epoc, một máy đeo cá nhân đọc sóng não và kết nối Wifi giúp thay thế được những chiếc máy trị giá hàng chục nghìn USD trong bệnh viện. Sản phẩm này cũng có khả năng giúp người dùng di chuyển được vật thể thông qua một bảng điều khiển. Nói ngắn gọn, trước đây con người dùng tay hoặc giọng nói để điều khiển các thiết bị được kết nối wifi thì nay họ có thể dùng sóng não.
Hơn thế nữa, thiết bị này còn phân tích biểu cảm khuôn mặt để cho ra các kết luận chỉ lệnh chính xác. Chỉ vài tháng sau khi Epoc ra đời, công ty đã có 10.000 khách hàng bao gồm cả các ông lớn như Boeing.
Năm 2017, một thử nghiệm với sản phẩm của Emotiv đã thu hút sự quan tâm của giới truyền thông khi Rodrigo Hubner Mendes, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Rodrigo Mendes Institute, đồng thời là một người tàn tật lái xe công thức 1 chỉ bằng ý nghĩ.
Anh Mendes lái xe công thức 1 bằng ý nghĩ
Anh Mendes bị tai nạn khi lái xe năm 18 tuổi và liệt toàn bộ cơ thể từ cổ trở xuống. Sau 27 năm, anh đã có thể tự lái một chiếc xe hơi công thức 1 với cảm giác chưa từng có. Mendes và nhóm của mình đã làm việc với nhau trong nhiều tháng để giúp máy móc hiểu được sóng điện não của anh thông qua sản phẩm Epoc.
“Để tăng tốc, tôi tưởng tượng mình đang ăn mừng một bàn thắng bóng đá. Để rẽ phải, tôi nghĩ mình đang ăn thứ gì đó thật ngon lành. Để rẽ trái, tôi nghĩ mình đang nắm tay lái một chiếc xe đạp”, anh Mendes nói.
Trùng hợp hơn, Mendes đã gặp Tan Le trong hội nghị Young Global Leaders, một phần của Diễn đàn kinh tế quốc tế (WEF). Tan Le ngồi đối diện với Mendes mà không hề biết rằng anh đã sử dụng công nghệ của Emotiv để thử nghiệm lái xe công thức 1.
“Thật thú vị khi nhìn vào một tương lai do chúng ta xây dựng nên, cách mà chúng ta khiến cuộc sống trở nên tinh giản hơn, cách chúng ta tương tác với nhau và cách con người vượt qua được những giới hạn của tạo hóa”, Tan Le tự hào nói.
Cô Tan Le cùng sản phẩm Epoc
AB
Theo Thời Đại