Sinh ra tại mảnh đất Nam Định, thi đỗ khoa luật trường Đại học Kinh tế Quốc dân, anh Phạm Đức Cường tưởng như đã tìm được hướng đi đúng đắn của cuộc đời mình ở Thủ đô Hà Nội.
Thế nhưng, lúc ra trường, đi làm cho một công ty xuất nhập khẩu, với số lương hơn 20 triệu đồng/tháng, anh lại trở nên băn khoăn về con đường tương lai phía trước và muốn tạo dựng sự nghiệp riêng cho bản thân.
Nghĩ là làm, anh quyết định rẽ sang một hướng hoàn toàn khác, kinh doanh món ăn quê, trong đó chủ đạo là món cá quê, anh làm theo công thức của riêng mình.
Với quyết định nghỉ việc của anh, bản thân giám đốc và đồng nghiệp cũng bất ngờ. Mọi người trong gia đình cũng không đồng ý. Nhưng anh tự nhủ với bản thân đã chấp nhận bơi ra biển thì cũng chấp nhận “năm ăn năm thua”. Song, anh luôn tin sẽ thành công vì có đam mê, có khiếu nấu ăn và được trải nghiệm từ nhỏ.
Anh có quan điểm khá độc đáo, học chỉ là cơ sở lý luận cho bản thân mà thôi, chứ không nhất thiết học cái gì là phải làm cái đó.
Anh chọn khởi nghiệp với nghề bếp có thể do duyên số. Hơn nữa, nghề bếp này đã gắn liền với tuổi thơ và được mọi người trong gia đình như bà ngoại, mẹ, các cô dì đều có năng khiếu trong chế biến món ăn.
Anh chủ yếu kinh doanh chế biến các món ăn hầm khô, gác bếp hay hun khói như cá, gà, lợn, tôm… ngoài ra có các sản vật quê hương Giao Thủy và các vùng miền cả nước.
Những ngày đầu, anh cũng gặp khó khăn vì điều kiện chế biến các món ăn quê không cho phép. Anh Cường phải kho cá trên nóc nhà mặc gia đình phản đối nhưng vẫn quyết tâm theo đến cùng. Làm món ăn kiểu này cũng rất tỉ mỉ, phải canh thời gian, củi lửa nếu không sẽ làm cá, và các món khác bị cháy, hỏng. Anh thường phải thức đêm canh nhiệt, lo trời mưa gió ảnh hưởng đến bếp.
Khó khăn nhất là phải tìm ra khẩu vị hợp nhất của khách hàng và tự thân đi giao hàng… Khi bắt đầu ai cũng bỡ ngỡ, khó khăn, quan trọng là sự quyết tâm vượt qua như nào. Hiểu được điều đó, anh Cường vẫn kiên trì, quyết tâm theo cách nấu cổ truyền ấy, dù có khó khăn đến thế nào.
Trong khó khăn và lòng đam mê với nghề, anh đã sáng tạo ra lò ủ cá, chất lượng đảm bảo và ổn định hơn, ít khi phải lo bị cháy.
Làm ra lò ủ cá này không hề đơn giản. Giai đoạn đầu anh Cường mang ý tưởng đi đâu cũng bị mấy công ty chế tạo thép từ chối vì không có bản vẽ ai dám làm. Rất may trong lúc chán nản thì gặp một giám đốc công ty thiết bị bếp đã kết hợp với anh, làm đến cái thứ 8 thì mới hoàn thiện được 90% và đưa vào chạy thử. Kết quả, đã cho ra sản phẩm hiệu quả, tiết kiệm nguyên liệu, thuận tiện khi sử dụng, có thể sử dụng trong mọi điều kiện hoàn cảnh kể cả ngoài trời mưa…
Anh Cường cho rằng quan trọng nhất là phải có tình yêu mãnh liệt và đam mê với cái nghề của mình, với món ăn mình nấu ra. Ví như một trưa hè nắng chang chang, nóng bức mà không yêu, không kiên trì, vội vàng là món ăn sẽ bị hỏng, vì thời gian làm các món gác bếp hay hầm khô rất lâu.
Nói về lựa chọn nghề bếp, đặc biệt là món cá kho để gắn bó, anh cho rằng ngành nào cũng gặp khó khăn mà thôi, quan trọng là phải kiên trì theo đuổi, phải hiểu sâu, rõ về con đường mình đi, mặt hàng mình kinh doanh để có những điều chỉnh phù hợp. Xã hội ngày càng phát triển, dù có nhiều món ăn lạ nhưng người Việt không bao giờ bỏ được cơm canh thịt cá dưa cà…
Anh giữ hương vị cổ truyền nhưng không phải là bảo thủ mà chỉ dựa trên hương vị cổ đó để mình có thể đưa ra cách chế biến cho phù hợp với lứa tuổi… Ví dụ cùng một khúc cá gác bếp hay hầm khô, mình có thể kho riềng, kho tương, kho nghệ… cho những lứa tuổi già. Cũng có thể sốt xì dầu, sốt chanh leo, sốt nước dừa cho các bạn trẻ…
Với niềm đam mê và hết mình với nghề, anh Cường đã tạo được sự nghiệp riêng cho mình và nỗ lực đưa món ăn cổ truyền đến với nhiều người hơn nữa.