Trong những năm gần đây, khởi nghiệp xã hội không chỉ là một khái niệm mới mà trở thành một xu hướng được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm. Xu hướng này không chỉ ở các nước phát triển và đang dần lan rộng đến các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Những bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ gen Z và gen Alpha sắp tới lại càng quan tâm hơn đến xu hướng vừa kinh doanh nhưng cũng vừa tạo ra giá trị cho xã hội.
Chính vì thế, nhiều cuộc thi, cộng đồng ra đời để bắt kịp xu hướng mới của thời đại và trang bị cho các bạn trẻ một vốn kiến thức để “chân cứng đá mềm” trong thời đại mới.
Không chỉ vậy, đã có nhiều đấu trường quốc tế đang đón chờ các bạn trẻ tham gia và nhập cuộc để cùng kiến tạo xã hội.
Tuy nhiên, đi cùng với xu hướng đang lên là những thách thức tiềm ẩn với các doanh nghiệp khi đồng thời vừa phải cân bằng lợi nhuận kinh tế và trách nhiệm xã hội. Trước những khó khăn ấy, đã có nhiều doanh nghiệp đang loay hoay đi tìm giải pháp và gặp nhiều trở ngại cho việc phát triển trên thị trường. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra rằng: “Liệu có giải pháp nào giúp các doanh nghiệp trẻ thực hiện được những mong ước bản thân và đồng thời, góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng và xã hội?”
Đứng trước thách thức đó, Trường Đại học Ngoại thương và Trung tâm Ươm tạo và Sáng tạo FTU đã thực hiện công tác tổ chức Chương trình Ươm tạo SIP100.
“SIP100 2023” là chương trình ươm tạo khởi nghiệp tập trung trong 100 ngày, thời gian đồng hành và kết nối đầu tư lên tới 1 năm được tổ chức bởi Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS) dành cho các startup đang ở giai đoạn seed round và early stage với cơ hội nhận đầu tư từ 72.000USD. Các module ươm tạo bao phủ các giai đoạn của toàn quá trình khởi nghiệp, cùng với các buổi tư vấn 1-1 đi sâu vào tình trạng cụ thể của từng Start-up.
Ra đời vào năm 2018, SIP100 đã trải qua những mùa giải thành công với sự góp mặt của nhiều tổ chức quốc tế lớn trên toàn cầu.
Đến với năm 2023, được đồng tổ chức với Chương trình khởi nghiệp Thụy Sĩ tại Việt Nam (Swiss EP:), Chương trình Ươm tạo SIP100 đang ngày càng chứng tỏ sức hút khi nhận được đơn đăng ký trền toàn cầu. Bước vào vòng đầu tiên, Chương trình đã lựa chọn được 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đầy tiềm năng với 8 doanh nghiệp Việt Nam và 2 doanh nghiệp đến tử Hàn Quốc bao gồm:
- MyLeague – Nền tảng phần mềm tích hợp đầy đủ các công cụ quản lý giải đấu, đội chơi và mua sắm thể thao
- Salework – Hệ sinh thái quản trị kinh doanh thương mại điện tử toàn diện sử dụng ứng dụng điện toán đám mây tại Việt Nam
- Rhodi Technology – startup thúc đẩy khoa học công nghệ nông nghiệp, nâng tầm nông sản Việt
- Weshare – Ứng dụng gây quỹ cho các tổ chức xã hội từ mua sắm online trên sàn thương mại điện tử
- Nanosalts – Muối ăn ít mặn đa khoáng
- MeticWorks – công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo máy in 3D, thiết bị điện tử…
- EDUMAP – nền tảng tự động phân tích dữ liệu cho người học
- DeepSales – dịch vụ bán hàng dành cho nhân viên bán hàng muốn bán sản phẩm của họ sang các quốc gia khác.
- AGRITAGE – Tổ hợp tiên phong xây dựng và nhân rộng hệ sinh thái Nông nghiệp di sản Việt Nam
- Chợ Deli – nền tảng chợ đầu mối cung cấp giải pháp nguồn cung thực phẩm
Ngọc Diệp