Doanh nhân Vương Quang Long. |
Hành trình khởi nghiệp muộn màng
Trong giới start-up, anh Long khởi nghiệp khá muộn. Trước đó, anh dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế. Anh có 2 năm học thạc sỹ tại Hà Lan và 8 năm nghiên cứu, làm việc và lấy bằng tiến sỹ kinh tế ở Mỹ. Năm 2014, khi đang hoàn thành luận văn tốt nghiệp, anh cùng một số bạn bè quốc tế lên ý tưởng và triển khai Dự án NEM blockchain. NEM blockchain đang đứng trong top 20 blockchain hàng đầu thế giới với vốn hoá thị trường trên 500 triệu USD.
Anh cho biết, blockchain, công nghệ chuỗi khối, hay còn gọi là “cỗ máy của sự tin tưởng” là nền tảng lý tưởng trong giao dịch giữa các bên không quen biết nhau. Các vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hoá và khả năng thanh toán được giải quyết qua công nghệ này do tính minh bạch, không thể làm giả các thông tin lưu trữ trên blockchain.
Đầu năm 2015, bỏ lại các thành công ở nước ngoài, anh quyết định trở về Việt Nam. Anh chọn lĩnh vực thương mại điện tử để phát triển dự án đầu tiên, song không đạt các mục tiêu đề ra sau gần 1 năm rưỡi hoạt động. Sau đó, nhận ra cơ hội mới từ công nghệ blockchain và tiền thuật toán, anh đã xây dựng Tomochain để khai thác cơ hội này.
Anh định hướng Tomochain là nền tảng công nghệ để viết các ứng dụng phân tán, hợp đồng thông minh phát triển trên đồng tiền ảo Ethereum, nhưng tốc độ giao dịch nhanh hơn và phí giao dịch thấp hơn. Trong quá trình xử lý với Ethereum, anh nhận thấy nền tảng này không đủ các điều kiện kỹ thuật (như tốc độ chậm, chi phí cao) để xử lý những giao dịch liên quan tới hàng chục ngàn người dùng.
Bởi vậy, anh và đội ngũ Tomochain tập trung vào xây dựng một hạ tầng blockchain mới cho phép người dùng thực hiện 2 mục tiêu: phát hành các token (tiền điện tử) và xây dựng ứng dụng phi tập trung cho các doanh nghiệp. “Người ta có thể phát hành những token có giá trị ổn định, như mặc định giá trị một token tương đương một gram vàng, một USD hay một thùng dầu. Khi token lưu hành trên nền tảng của Tomochain, chúng sẽ có tính thanh khoản cao và mọi người có thể giao dịch, trở thành dạng token được bảo đảm bằng tài sản”, CEO Vương Quang Long phân tích.
Nhà sáng lập kiêm CEO Tomochain Vương Quang Long cho rằng, bằng việc sử dụng công nghệ blockchain, các ứng dụng phi tập trung mà Tomochain xây dựng cho các doanh nghiệp giúp họ bảo mật thông tin cho người dùng và toàn hệ thống. Ứng dụng phù hợp cho những lĩnh vực cần tính minh bạch cao, như truy xuất nguồn gốc nông sản, tài chính, y tế… Ngoài ra, ứng dụng cũng có thể xây dựng được những cổng thanh toán rẻ hơn và tốt hơn cả AliPay dành cho Việt Nam và cho toàn khu vực Đông Nam Á.
Hiện Tomochain đã cung cấp hạ tầng blockchain cho nhiều đối tác là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác. Một vài dự án đang triển khai thử nghiệm trên hệ thống của Tomochain là Triip Protocol – nền tảng tích điểm và thanh toán phục vụ khách du lịch; BigBom – nền tảng quảng cáo phi tập trung tại Đông Nam Á, TE-Food – công ty cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm…
Khi được Tomochian cung cấp hạ tầng, các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng nền tảng của Tomochain để phát hành trái phiếu dưới dạng token. Sau đó, các nhà đầu tư có thể giao dịch, trao đổi trái phiếu ở thị trường thứ cấp, tạo nên tính thanh khoản. Khi mọi người có thể trao đổi token dễ dàng, việc doanh nghiệp huy động vốn sẽ trở nên đơn giản.
Trong năm qua, Tomochain đã ký kết hợp tác và cung cấp nền tảng cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có Binkabi. Đây là công ty công nghệ tài chính ứng dụng công nghệ blockchain để giải quyết các vấn đề trong chuỗi giá trị nông nghiệp tại các nước đang phát triển.
“Binkabi hợp tác với Tomochain trong việc tích hợp công nghệ blockchain vào sàn giao dịch nông sản. Với thế mạnh là một trong những nhà công nghệ tiên phong với các giải pháp blockchain cho doanh nghiệp, đơn vị này sẽ giúp các giao dịch trên sàn được thực hiện nhanh chóng, chi phí thấp, có tính an toàn và bảo mật cao”, CEO Quân Lê của Binkabi chia sẻ.
Hướng đến nền tảng toàn cầu
Song song với việc thiết lập các ứng dụng cho doanh nghiệp, đầu năm 2018, Tomochain đã phát hành 50 triệu đồng Tomo trên toàn thế giới, thu hút 8,5 triệu USD từ 50 tổ chức trong và ngoài nước. Tới tháng 5, tổng giá trị của 50 triệu đồng Tomo đã lên tới hơn 100 triệu USD. Nhưng do đà lao dốc liên tục của thị trường tiền mã hóa, ước tính giá trị của chúng hiện chỉ còn khoảng 15 triệu USD, vẫn là mức khá lớn so với con số 8,5 triệu USD ban đầu.
Chia sẻ về mức độ thành công của đợt ICO (hình thức huy động vốn bằng tiền thuật toán) đầu tiên, anh Long cho biết, khoản đầu tư thu về đáp ứng được mức kỳ vọng của start-up. Số tiền này phù hợp và tương ứng với các kế hoạch phát triển sản phẩm trong tương lai, trong đó có việc mở rộng tại thị trường Nhật Bản.
Nhận định về thị trường này, CEO Tomochain cho biết, đây là thị trường khá riêng biệt, bởi giới đầu tư công nghệ blockchain Nhật Bản không có nhiều kết nối, giao lưu với cộng đồng bên ngoài. Tomochain có một kế hoạch lớn cho Nhật Bản, vì đây có thể là một thị trường chiến lược và Tomochain có thể giành được thị phần lớn. Hiện Tomochain có quan hệ đối tác với Vnext, một công ty phần mềm danh tiếng tại Việt Nam. Đối tác này nắm rất rõ về thị trường Nhật Bản và có 200 kỹ sư đang làm việc cho thị trường Nhật.
Huy động được vốn, tìm hiểu sâu thị trường, thiết lập mối quan hệ vững chắc, Tomochain tích hợp đủ tiềm lực để “tấn công” thị trường Nhật Bản. Đầu tháng 11/2018, Tomochain đã chính thức khai trương văn phòng tại Nhật Bản. Đây là bước ngoặt lớn trong kế hoạch đi ra thế giới. Văn phòng được kỳ vọng sẽ mang Tomochain đến gần hơn với mục tiêu trở thành công ty cung cấp giải pháp blockchain trên phạm vi toàn cầu.
“Chúng tôi mong muốn mang tới người dùng tại Nhật Bản một hệ thống tài chính xây dựng trên nền tảng Tomochain. Bên cạnh đó, Công ty hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng những lợi thế mà công nghệ blockchain mang lại như sàn giao dịch, số hoá tài sản và các dịch vụ tài chính khác”, anh Long nói.
Cùng với Nhật Bản, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của Tomochain khi những thành viên chủ chốt đang làm việc tại Hà Nội, nhưng Tomochain vẫn là một dự án toàn cầu phục vụ người dùng trên khắp thế giới. Bản thân công nghệ blockchain cũng mang tính toàn cầu hoá, không phân biệt quốc gia.
“Hiện số lượng người sử dụng thường xuyên của Tomochain dao động từ 10.000 tới 20.000 người. Mục tiêu của chúng tôi trong năm 2019 là gia tăng số lượng người dùng trên toàn cầu và lọt vào top 100 đồng tiền điện tử có vốn hóa lớn nhất của Coinmarketcap (trang web thống kê về giá trị tài sản số trên toàn thế giới) vào cuối năm nay”, anh Long chia sẻ.
Hãy luôn sẵn sàng học hỏi, đổi mới bản thân Nguyên tắc kinh doanh và quản lý của anh là gì? Với kinh doanh và hợp tác, tôi đặt sự tin tưởng và tôn trọng nhau lên hàng đầu. Đó là những nguyên tắc cần thiết để tạo được mối quan hệ hỗ trợ nhau lâu dài. Quản lý con người trong lĩnh vực công nghệ chính là tạo ra các điều kiện tốt nhất cho mọi người trong đội ngũ có thể phát huy hết năng lực của mình. Hình mẫu lãnh đạo của anh là ai? Steve Jobs trong tầm nhìn và sự tập trung. Elon Musk trong cách tư duy về các vấn đề từ cơ bản. Ben Horowitz về sự cân bằng và logic trong quản lý. Với công ty công nghệ, một việc quan trọng bậc nhất là định hướng đúng chiến lược sản phẩm. Anh có lời khuyên gì các bạn trẻ khi khởi nghiệp với blockchain? Hãy luôn sẵn sàng học hỏi, đổi mới bản thân. Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng, họ có thể tạo nên thành tựu nào đó, nhưng chỉ đến khi bước vào một môi trường nhiều thử thách, họ mới nhận ra là chưa thể đạt thành tựu, mà cần phải học hỏi nhiều thứ. Khi còn trẻ, hãy vào làm việc ở môi trường thử thách nhất có thể. |
Đào Phương
Báo Đầu tư