Trao đổi với Thương hiệu và Pháp luật, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Salonzo Trần Hoàn Sinh cho rằng, những sơ khai về một thị trường mới lạ ấy, nếu chỉ một chút hụt hơi về sự quyết tâm, thành công hay thất bại chỉ là gang tấc đó.
“Một nền kinh tế khỏe, đòi hòi những chính sách đủ khỏe và doanh nghiệp từ đó mới phát triển khỏe một cách đúng nghĩa”.
Khởi nghiệp từ một phân khúc thị trường rất “kén” khách hàng, thương hiệu mỹ phẩm Salonzo có được sự uy tín, vững mạnh bền vững ngày nay cốt lõi bởi những chiến lược đúng đắn về sự phát triển cũng như thị hiếu người tiêu dùng. Trao đổi với Thương hiệu và Pháp luật, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Salonzo Trần Hoàn Sinh cho rằng, những sơ khai về một thị trường mới lạ ấy, nếu chỉ một chút hụt hơi về sự quyết tâm, thành công hay thất bại chỉ là gang tấc đó.
– Thưa ông, khởi nghiệp từ năm 2007, đối với một lĩnh vực rất còn mới mẻ với thị trường Việt Nam, bước đi từ những nhãn hàng mỹ phầm tóc ban đầu phải chăng là sự “trải nghiệm” của kinh doanh hay là sự quyết tâm khai sáng ở một thị trường được đánh giá sẽ tiềm năng?
Tôi đến với ngành mỹ phẩm, đặc biệt với mỹ phẩm về tóc là một cơ duyên. Những năm sau 2000, tôi có đi du học ở Australia hơn 4 năm. Ở quốc gia phát triển này, tôi đã có những trải nghiệm và không khó nhận ra rằng nền kinh tế của Việt Nam đã thụt lùi sau nước bạn có lẽ nhiều thập kỷ. Thời đó, ở Việt Nam nói đến làm đẹp tóc dường như là một sự xa xỉ hay chỉ là thú chơi thời thượng, nhưng ở không chỉ Austalia, ngành làm đẹp và chăm sóc tóc đã trở thành một loại hình kinh doanh “không khói”, đem lại lợi ích vượt bậc cho khách hàng và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Có lẽ, nền kinh tế như Việt Nam liệu mãi thụt hậu? Tôi không tin điều ấy và khi sự phát triển đồng nghĩa nhu cầu làm đẹp sẽ có thị trường riêng của mình. Tôi trăn trở lắm, chính vì vậy khi trở về Việt Nam tôi bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực mỹ phẩm, đưa những sản phẩm chất lượng về tóc, những công nghệ mới nhất về làm đẹp tóc vào thị trường. Tất nhiên thời điểm đó đây là phân khúc rất “kén” khách hàng.
Nhưng ở đây, như là nghiệp quả của số phận, năm 2005, ban đầu tôi làm thành viên của Hội đồng thành viên thương mại Việt Nam – Australia, chủ yếu đầu tư thương mại song phương, ở các lĩnh vực du học, kinh tế vĩ mô, đối ngoại… Và một dịp có lẽ là sự “vô tình”, thương hiệu Alonzo có gửi thư ngỏ muốn tìm hiểu thị trường mỹ phẩm Việt Nam. Những ý tưởng thời sinh viên Australa cứ ùa về, tôi khi ấy sau khi xem xét lại thị trường giá cả và đã đi đến quyết định trở thành nhà phân phối cho nhãn hiệu này. “Nghiếp” ấy cứ thế, đeo đẳng theo tôi đến tận bây giờ.
– Một phân khúc thị trường không dễ dàng lôi cuốn và chiếm được niềm tin của khách hàng. Dường như những bước đi sơ khai ấy rất chông gai, thưa ông?
Trước khi đi du học tại Australia, tôi có kinh doanh về thép xây dựng. Bạn tôi ngày ấy hỏi vì sao đang kinh doanh về thép, một mảng rất thô và cứng, lại chuyển sang lĩnh vực mỹ phẩm tóc, một mảng mềm mại và trau chuốt? Nghiệp đấy, dẫu biết rằng khởi đầu nan là rất nhiều áp lực
Ngành mỹ phẩm, những năm 2000, khó khăn nhất chính là tìm khách hàng. Đặc biệt sản phẩm Alonzo mới về đòi hỏi một phân khúc khá cao cấp. Ý tưởng kinh doanh là sách vở tại phương trời tây, còn ở Việt Nam với tôi là sự mới mẻ hoàn toàn.
Sản phẩm đi tìm khách hàng, nhưng tôi lại chẳng quen ai để quảng bá sản phẩm trong khi nhãn hàng chưa bao giờ có giá rẻ. Đây là điểm yếu trí mạng. Nhiều thời điểm, doanh thu bán hàng không đủ trang trải cho chi phí, cho lương cho nhân viên. Áp lực đè nặng.
Lúc ấy, gia đình bảo tôi phải chấp nhận thua, là thỏa hiệp với bản thân rằng ngành mỹ phẩm tóc chỉ là những nông nổi của tuổi trẻ. Trả nợ, và chuyển nghề, đó là phương án tối ưu nhất cho một du học viên với mác thạc sĩ quản trị kinh doanh “đang hot” như tôi đi đâu chẳng có lương tháng vài ngàn đô ở một công ty nước ngoài nào đó. Song tôi không chấp nhận thất bại. Tôi tin vào những giá trị đang có.
Sau này, với những trải nghiệm bản thân, tôi thường khuyên các bạn trẻ ở những diễn đàn khởi nghiệp, rằng các bạn muốn khởi nghiệp ở lĩnh vực nào, có lẽ các bạn nên làm thuê cho lĩnh vực ấy một thời gian để đủ tích luỹ kinh nghiệm, để không bị vấp ngã, “đổ máu”. “Sách vở” hoàn toàn khác xa với thị trường thực tế. Tôi đã bước vào một thị trường như vậy, có những lúc tưởng chừng như đã phá sản.
– Thành công, phải chăng như ông chia sẻ, là những giá trị niềm tin về một thị trường tiềm năng, về nhu cầu của khách hàng, về những sản phẩm chất lượng…
Tôi luôn rèn bàn thân đã làm gì phải làm bằng được, dù dẫu biết rất gian nan, trắc trở. Tôi vững tin rằng, hãy “chiếm” thị trường bằng trên hết chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, không chỉ những bước đi sơ khai, tôi đã đề xướng công việc dù nhỏ nhất phải nghiêm túc, đúng luật.
Có cậu bạn là chủ một doanh nghiệp tầm cỡ bảo tôi, mỹ phẩm của anh thuế nhập khẩu bao nhiêu phần trăm. Tôi bảo 30%, thế anh “trốn” bao nhiêu phần trăm, tôi chẳng “trốn” đồng nào. Tôi nhập bao nhiêu, khai báo bấy nhiêu. Anh bạn cười bảo như vậy là quá vĩ đại chứ thời buổi này trốn thuế, “lách” luật là lợi nhuận và “thành công” của doanh nghiệp. Bản thân tôi nghĩ mọi người có rất nhiều tư duy về cách kinh doanh. Với tôi, là tôn chỉ sự nghiêm túc. Từ trung thực nhỏ nhất, vì nếu gian lận một lần sẽ có tiếp lần sau. Như vậy sẽ là tai họa mất tất cả niềm tin từ khách hàng.
Trong quá trình kinh doanh tôi đã xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử cốt lõi 5 T: Trung – Thân – Tiến – Tôn – Tín. Trung thực với khách hàng là hàng đầu, trung thực trong công việc kinh doanh. Tiếp đến là thân thiện, cầu tiến trí tiến thủ, tôn trọng và tín nghĩa. Hiện nay công ty đã có hơn 2.000 sản phẩm của 5 nhãn hàng mỹ phẩm, Alonzo (Australia), Alfaparf Milano (Italia), Oyster Cosmetics (Italia), Lakme (Pháp) và tháng này là ra mắt nhãn hàng Farmagan của Italia.
Khởi nghiệp từ một phân khúc thị trường rất “kén” khách hàng, thương hiệu mỹ phẩm Salonzo có được sự uy tín, bền vững.
– Thưa ông, thị trường mỹ phẩm hiện nay với muôn hình vạn vẻ đáp ứng đủ mọi thị hiếu. Phải chăng đây cũng là áp lực không nhỏ để giữ và phát triển thị trường. Thành công của Salonzo ở đây là gì?
Ông Trần Hoàn Sinh: Phân khúc thị trường cao cấp và ngày một chuyển dịch cao cấp hơn tiên quyết là các sản phẩm phải chất lượng, thay đổi phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nhiều người nghĩ rằng chăm sóc tóc đơn giản chỉ là mua lọ dầu gội đầu, xòa xòa là tóc đẹp. Song đâu phải như vậy, chỉ riêng dầu gội của phái đẹp bây giờ có hàng chục loại khác nhau cùng một nhãn hàng. Mỗi một loại tóc phải có một loại sản phẩm phù hợp. Chẳng thế mà nhiều nhà tạo mẫu tóc uy tín thành danh từ nghề đã có biệt thự siêu xe. “Cái tóc là góc con người”, bản thân ngành nghề, với sự phát triển của xã hội, sẽ phát triển. Tôi có những hướng đi bài bản đúng luật ban đầu, và khi đã đặt được nền tảng, phát triển, niềm tin của khách hàng sẽ theo những nhãn hàng uy tín lâu năm ấy. Giá trị thành công là như vậy.
Bên cạnh các nhãn hàng sản phẩm, tôi còn sản xuất tạp chí Hair World, tạp chí uy tín về tóc, tổ chức cuộc thi Viet Nam Top Hairstylist Group… Song theo tôi, quảng bá sản phẩm như thế nào, bản thân chất lượng sản phẩm mới là minh chứng sống động nhất của công cuộc kiến tạo thương hiệu.
– Vâng, chất lượng sản phẩm, yếu tố tiên quyết thành công của một thương hiệu. Tuy nhiên, để thực hiện điều ấy, không chỉ nội lực của doanh nghiệp, phải cần thêm những “công cụ”, một nền tảng kinh tế xã hội vững chắc, thưa ông?
Đúng vậy, doanh nghiệp tồn tại chỉ khi xã hội phát triển đủ mạnh. Tôi còn nhớ tại Diễn đàn Doanh nghiệp vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ đứng thứ 4 về cải cách thủ tục hành chính trong khối ASEAN. Đây là nhịp cầu nối giúp doanh nghiệp tự hoàn thiện và phát triển trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đầy tiềm năng như hiện nay.
Chúng ta đều biết, một lô hàng, chì vì thủ tục hành chính rườm ra, nhiêu khê, chậm xuất hay nhập, doanh nghiệp đã bỏ lỡ một cơ hội kinh doanh hứa hẹn của mình. Một khoản tài chính không minh bạch, khiến doanh nghiệp mất niềm tin từ khách hàng. Chưa kể đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn đứng đắn điêu đứng. Tôi cho rằng, một nền kinh tế khỏe, đòi hòi những chính sách đủ khỏe và doanh nghiệp từ đó mới phát triển khỏe một cách đúng nghĩa.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi ý nghĩa này!