Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng nhà đầu tư quốc tế nhờ lợi thế về chiều rộng và chiều sâu thị trường
Trong bảng xếp hạng do StartupBlink thực hiện về hệ sinh thái khởi nghiệp (startup) các quốc gia năm 2022, Việt Nam xếp thứ 54 – tăng 5 bậc so với năm trước. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đều được cải thiện và đứng thứ hạng cao cùng với các nước phát triển.
Tín hiệu đáng khích lệ
Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia đổi mới sáng tạo dẫn đầu (đứng thứ 44/132 nước) là một nỗ lực rất lớn.
Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Forbes Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Do Ventures lần đầu tổ chức vào cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Trần Duy Đông cho biết năm 2022, Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế số ở Đông Nam Á, từ 18 tỉ USD lên 23 tỉ USD (tăng 28%). Nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng nhanh gấp 2 lần GDP cho đến năm 2030 (19% so với 9%) và đây là tín hiệu đáng khích lệ.
Đối với đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thu hút gần 500 triệu USD vào các lĩnh vực công nghệ. Số lượng các thương vụ đầu tư ở những vòng gọi vốn giai đoạn sau đã cao hơn so với cùng kỳ năn 2021. Điều đó cho thấy một lượng lớn công ty khởi nghiệp của Việt Nam đang dần lớn mạnh, thu hút được nguồn vốn lớn hơn qua các năm. Đây cũng là những điểm sáng về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong năm 2022.
Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2022 do Do Ventures thực hiện cũng cho thấy trong bối cảnh “mùa đông” gọi vốn toàn thế giới, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực công nghệ đạt 634 triệu USD, giảm 56% so với con số kỷ lục 1,44 tỉ USD năm 2021. Dù vậy, thống kê cho thấy các doanh nghiệp (DN) ở vòng Pre-A và Series A đã trưởng thành và tiếp tục gọi được vốn. Tính chung, Việt Nam đứng thứ ba về số thương vụ, thứ tư về giá trị trong khu vực.
Đặc biệt, 2022 là năm đầu tiên nhóm nhà đầu tư nội địa vươn lên dẫn đầu, hoạt động khá tích cực. Họ thể hiện vai trò quan trọng và là nguồn động lực để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển.
Nhiều startup Việt tìm kiếm cơ hội hợp tác, gọi vốn đầu tư thông qua các “sân chơi” khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Ảnh: Phương An
Tập trung làm tốt thay vì gọi vốn
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures, cho biết các nhà đầu tư đều tin tưởng vào tương lai Việt Nam với nền kinh tế vững chắc, lực lượng dân số trẻ am hiểu công nghệ và sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ về đổi mới sáng tạo.
“Các nhà đầu tư cho biết sẽ giữ nhịp đầu tư như hiện nay, thậm chí một số sẽ giải ngân cao hơn vì có nhiều cơ hội. Nhà đầu tư đồng thời kỳ vọng các startup tập trung vào những yếu tố cốt lõi, xây dựng được những công ty bền vững và có sự uyển chuyển để vươn lên trong khó khăn” – bà Vy nhấn mạnh.
Đại diện một số nhà đầu tư lớn cũng khẳng định không thiếu vốn cho những doanh nhân sáng tạo. Ông Quang Nguyễn, Giám đốc đầu tư cao cấp Tập đoàn SK (Hàn Quốc), cho biết tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam 2 tỉ USD trong 5 năm qua. SK sẵn sàng rót vốn cho những nhà sáng lập giỏi và có ý tưởng kinh doanh tốt, nhất là trong các lĩnh vực đã có thành tích mang lại giá trị cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Dù vậy, theo ông Quang Nguyễn, trong vòng 3-5 năm tới, DN phải thích nghi với lãi suất và mức lạm phát cao hơn. Các startup cần thận trọng hơn về mặt tài chính bởi không dễ huy động thêm vốn mới trước khi đạt được mức hòa vốn.
Đại diện một nhà đầu tư khác, ông Vinnie Lauria – đối tác quản lý của Golden Gate Ventures, khuyến khích các startup tập trung vào lĩnh vực có tính nối tiếp, không nên làm quá nhiều thứ mà cần tập trung thực sự vào một thứ có giá trị bền vững.
“Việt Nam với thị trường mở, được tác động từ những căng thẳng địa chính trị đang trở thành quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới và là niềm hy vọng của sự tăng trưởng cho giới đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam cần cải thiện một số trở ngại trong việc thu hút dòng vốn đầu tư xuyên biên giới và quy định liên quan việc thoái vốn” – ông Vinnie Lauria nêu quan điểm.
Về phần mình, một số startup Việt đang chủ động học hỏi các kỹ năng tự sống sót, chuẩn bị nguồn lực và tạo ra giá trị ngắn hạn cho mục tiêu dài hạn, thay vì chỉ chăm chăm gọi vốn đầu tư bằng mọi giá. Anh Trần Vũ Quang, nhà sáng lập kiêm CEO OnPoint (công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, đã gọi vốn đầu tư 60 triệu USD), cho hay quý I/2023, công ty tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện tại, dù vẫn vận hành bình thường nhưng trong lúc kinh tế vĩ mô thay đổi liên tục, OnPoint không có kế hoạch gọi vốn mà tìm kiếm các cơ hội mua bán sáp nhập (M&A) với nhãn hàng kênh online lẫn offline, các công ty trong lĩnh vực marketing… để gia tăng chuỗi giá trị.
Anh Đặng Hoàng Minh, đồng sáng lập kiêm CEO Cooky, cho biết DN mới tham gia thị trường 1,5 năm, hoạt động trong lĩnh vực đồ ăn, từng 2 lần gọi vốn thành công với tổng số vốn đầu tư là 6 triệu USD. Cooky đang tập trung vào việc thu hút khách hàng, tìm kiếm đơn hàng, mục tiêu là không để bị thua lỗ.
“Cooky đang học hỏi cách những DN có khả năng tự sống sót trong bối cảnh khó khăn chung và rất khó gọi vốn. Hiện nay, gần như tất cả công ty hoạt động trong mảng giao nhận thực phẩm tương tự Cooky trên thế giới đều đang gặp khó khăn, chỉ vài DN không bị thua lỗ hoặc có lợi nhuận” – anh Minh bộc bạch.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, nhiều năm qua, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được Chính phủ và các cơ quan quản lý hết sức quan tâm. Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái về đầu tư, về hỗ trợ DN nhỏ và vừa, các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số cho DN; tập trung tạo môi trường thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư trong nước, đồng thời thu hút nguồn tài trợ quốc tế.
Theo Thanh Nhân