Đó là đánh giá của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Nếu như trước đây, nuôi tôm giúp nhiều người phất lên, làm giàu được dễ dàng thì giai đoạn hiện nay, nó không còn là mảnh đất màu mỡ nữa, trái lại, người nuôi tôm gặp vô vàn khó khăn trong quá trình nuôi trồng cũng như đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo thông tin mới nhất, giá tôm dự kiến vẫn ở mức thấp trong 3 tháng tới.
Nói về nguyên nhân ngành tôm “ngắc ngoải” như hiện nay, có thể kể đến như các vùng nuôi tôm chỉ mang tính tự phát, hệ thống thuỷ lợi cho nuôi tôm được đầu tư kém, không có kênh cấp, thoát riêng, đa số cùng cấp cùng thoát ở một kênh nên bệnh dịch lây nhiễm tràn lan.
Vì thế, tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt dưới 30% trong 5 năm qua, làm giá thành con tôm của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới trên 20%.
Việc không có quy hoạch vùng nuôi tôm, dẫn đến đường sá giao thông vào các khu nuôi rất nhỏ hẹp, chỉ những xe có trọng tải 1 – 3 tấn vào được, có vùng chỉ xe máy mới vào được. Vì thế, chi phí vận chuyển con giống, thức ăn, vận chuyển tôm khi thu hoạch rất cao, làm giá thành con tôm nguyên liệu Việt Nam đã cao lại càng cao hơn.
Ở Việt Nam, không có một cơ quan nhà nước nào kiểm tra định kỳ và giám sát quá trình nuôi, cũng như kiểm tra kháng sinh trước khi thu hoạch, nên tôm nuôi sử dụng kháng sinh vẫn vô tư chở đến các nhà máy chế biến bán, các nhà máy phải chật vật sắm thiết bị kiểm vi sinh Eliza và LC/MS/MS, tốn rất nhiều chi phí và vốn đầu tư. Để chắc chắn tôm không bị nhiễm kháng sinh thì nhà máy phải đầu tư thiết bị kiểm kháng sinh LC/MS/MS, với mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.
Ngành tôm Việt Nam hiện đang lỗi ở hệ thống, sai ở cách tiếp cận và hướng đi. Nếu không thay đổi, ngành tôm có thể “chết”.
Các cơ sở nuôi tôm của Việt Nam phải hướng tới đạt tiêu chuẩn BAP và ASC, thay vì đạt tiêu chuẩn Viet G.A.P. Chứng nhận BAP là chứng nhận toàn cầu, mà sản phẩm tôm của Việt Nam chủ yếu xuất đi toàn cầu, còn tiêu dùng trong nước số lượng rất ít.