8x khởi nghiệp từ rừng với số vốn 5 triệu đồng

0
1513

Với số vốn 5 triệu đồng, Trịnh Thị Ngọc Hiện (SN 1988) đã bắt tay thực hiện dự án khởi nghiệpKinh doanh với người giữ rừng” bằng cách nâng cao giá trị thủy sản dưới tán rừng ở khu vực ven biển.

Sinh ra và lớn lên tại xã Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) nhưng Trịnh Thị Ngọc Hiện lại bén duyên với xứ biển từ năm 2010 khi là thành viên thực hiện dự án về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại xã biển Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre).

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm (TP Hồ Chí Minh), Hiện về làm việc tại Trung tâm chuyển giao công nghệ – dịch vụ và phát triển cộng đồng nông – ngư nghiệp Việt Nam (thuộc Hội Nghề cá Việt Nam).

Lúc này, Hội thủy sản Bến Tre được tài trợ dự án FSPS2 (chương trình hỗ trợ nghề cá quy mô nhỏ do Chính phủ Đan Mạch tài trợ) nên Hiện tham gia và gắn bó với người dân xứ biển.

Trịnh Thị Ngọc Hiện
Trịnh Thị Ngọc Hiện

Đến năm 2013, Trung tâm công nghệ dịch vụ và phát triển cộng đồng nông – ngư nghiệp Việt Nam vận động xin được nguồn vốn của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tài trợ phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại xã biển này và lại một lần nữa Hiện tham gia vào dự án.

Trong thời gian thực hiện dự án, Hiện thấy nơi đây không chỉ có cảnh đẹp mà dưới tán rừng còn có nhiều loài thủy sản “sạch” có thể giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Từ đó, Hiện nảy sinh ý tưởng cùng phát triển kinh tế với người dân bằng chính nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng. Hiện đặt tên cho dự án khởi nghiệp của mình là “Kinh doanh với người giữ rừng”.

Người giữ rừng ở địa phương trung bình mỗi hộ được khoán khoảng 10ha, nhà nước chi trả chỉ 100 ngàn đồng/ha/năm. Số tiền này rất nhỏ, nên người dân chủ yếu sống bằng khai thác thủy sản dưới tán rừng.

Đây là thủy sản “sạch” nhưng người dân bán giá không cao, thậm chí bị đánh đồng với các loại thủy sản được nuôi công nghiệp… Bên cạnh đó, thủy sản dưới tán rừng đều là sản phẩm sạch nhưng từ trước đến giờ chỉ tiêu thụ ở địa phương và chỉ phụ thuộc vào thương lái nên giá không được cao. Trong khi đó, nhu cầu thị trường nhất là các thành phố lớn rất cần các loại sản phẩm từ thiên nhiên này mà ít người cung ứng.

Vì vậy, từ ý tưởng ban đầu Hiện muốn kết nối với những người giữ rừng nhằm tiêu thụ sản phẩm thủy sản giúp họ tăng thu nhập.

Người dân vừa bảo vệ rừng vừa thu hoạch nguồn lợi từ thủy sản
Người dân vừa bảo vệ rừng vừa thu hoạch nguồn lợi từ thủy sản

Nguồn vốn chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng, cô gái trẻ bắt đầu thực hiện ý tưởng khởi nghiệp theo cách riêng của mình. Ban đầu chỉ 2 hộ dân ở rừng chịu bán thủy sản cho Hiện với giá cao hơn 15% so với bán ngoài chợ.

Các loại thủy sản đặc trưng dưới tán rừng như: cá đối, cá chẽm, cá nâu, bống cát, tôm sú, cua… được đặt hàng để tiêu thụ. Dần dần người dân xung quanh cũng tham gia cùng làm ăn với Hiện nhằm tăng thêm thu nhập. Hiện nay, đã có 10 hộ dân với diện tích khoảng 100 ha rừng đã cam kết bán sản phẩm cho Hiện để cung ứng ra thị trường.

Sản phẩm sau khi thu mua từ người dân sẽ được làm sạch, cấp đông, hút chân không và đem đến các đầu mối tiêu thụ.

Sản phẩm đã đảm bảo sạch nhưng chuyện tìm thị trường không hề đơn giản. Hiện đã mất rất nhiều thời gian để quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ rừng mới được khách hàng tin tưởng, ủng hộ.

Hiện tại cô gái 8X đã cung ứng cho 2 điểm bán sản phẩm sạch ở TP Hồ Chí Minh với số lượng khoảng 100 đến 200 kg thủy sản/tuần. Theo Hiện, với số lượng như vậy vẫn chưa thu mua hết sản phẩm từ rừng của 10 hộ dân ban đầu nên dự kiến trong thời gian tới sẽ mở rộng thị trường, tìm đối tác tiêu thụ.

Đề tài khởi nghiệp “Kinh doanh với người giữ rừng” của Hiện đã đoạt giải 3 cuộc thi “Dự án khởi nghiệp lần 2 năm 2016” do trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. Đây là cuộc thi nhằm hỗ trợ những thanh niên có ý tưởng, dự án kinh doanh khởi nghiệp phù hợp trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn…trên toàn quốc.

8x khởi nghiệp từ rừng với số vốn 5 triệu đồng
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here