Ông Lợ (ngụ thôn 9, xã Yang Trung, H.Kong Chro) cho biết trước đây vùng đất Yang Trung rất cằn cỗi, chỉ trơ sỏi đá, trồng cây gì cũng héo rũ rồi chết dần. Năm 2008, vì nghĩ cây thanh long cũng giống như xương rồng, có thể chịu được điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt nên ông mua 50 gốc thanh long ruột đỏ về trồng. Đúng như suy nghĩ của ông Lợ, cả 50 gốc thanh long phát triển mạnh, xanh tốt và cho trái đều. Từ 50 gốc thanh long này, ông nhân giống lên 2.000 cây trên diện tích 2 ha đất của gia đình.
“Việc chăm sóc thanh long phải tỉ mỉ, phải loại bỏ những cành già để tạo độ thoáng cho cây phát triển. Muốn cây cho trái nhiều đợt, nhiều năm thì phải biết lượng sức cho cây, cây yếu nên để ít quả, không nên quá tham cây sẽ kiệt sức rất nhanh”, ông Lợ chia sẻ.
Cũng theo ông Lợ, sau 6 tháng thu hoạch xong cần phải tỉa cành nhanh chóng rồi cung cấp phân bón và nước cho cây mau lại sức. Nên chú trọng dùng phân chuồng và phân vi sinh. Đặc biệt, nguồn nước tưới phải là nước giếng thì cây mới phát triển tốt và ít bệnh tật.
Với 2.000 gốc thanh long ruột đỏ, mỗi năm ông Lợ thu hoạch khoảng 60 tấn, giá bán tại vườn là 10.000 đồng/kg, thu về trên 500 triệu đồng.
Bên cạnh việc trồng thanh long, ông Lợ còn sở hữu hơn 6 sào mãng cầu, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Cũng giống như thanh long, vườn mãng cầu được ông chăm sóc, tưới bằng nước giếng. Theo ông quan niệm, riêng cây ăn quả phải được tưới bằng nguồn nước sạch (nước giếng) thì năng suất và chất lượng mới đạt. Toàn bộ diện tích trồng mãng cầu và thanh long ruột đỏ đều được ông Lợ lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt.
Hiện ông Lợ đã tiến hành trồng xen thêm 500 gốc quýt đường đề phòng trường hợp thanh long và mãng cầu rớt giá.