Cỗ máy “6 trong 1”
Từ đường Trần Hoành nhìn xuống những luống rau xanh mướt bên đường, đảo mắt một hồi chúng tôi mới thấy ông Huỳnh Kim Toàn đang đứng ở góc vườn, trên tay cầm bảng điều khiển, chăm chú nhìn theo 2 “con tàu” trượt trên đường ray. Đã hơn 1 năm qua, khu vườn này chỉ duy trì 2 nhân công bởi tất cả các công đoạn đều đã được cỗ máy “6 trong 1” do ông chế tạo “làm thay”. Chỉ mất khoảng 5 phút, 2 “con tàu” đã chạy đủ một vòng và tưới đẫm cho mảnh vườn rộng khoảng 2.000 m2. Chạy hết một lượt, “con tàu” khi về lại vị trí cũ liền tự động hút nước ngầm vào các bồn chứa chuẩn bị cho lần tưới sau. Nước đầy, máy bơm tự ngắt.
Sở dĩ nói cỗ máy làm vườn tự động này là “con tàu” là vì toàn bộ hệ thống máy móc đều được đặt trên một bệ đỡ. Dưới chân bệ là các bánh xe lăn trên 2 thanh dẫn được chôn thẳng trên mặt đất. Khi vận hành, ông Toàn chỉ cần nhấn nút là cả cỗ máy di chuyển trên “đường ray” và thực hiện các công việc do ông cài đặt. “Trên khu vườn kích thước khoảng 100 x 20 m, tôi lắp đặt 2 cỗ máy dàn hàng ngang. Mỗi lần cần xới đất, gieo hạt, tưới nước, tưới phân, che nắng, vận chuyển đất, tôi chỉ nhấn nút là “con tàu” vận hành ngay”, ông Toàn giới thiệu.
Ông Toàn vốn là “dân” cơ khí chế tạo máy, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 1989. Ông có một thời gian dài làm việc tại các đơn vị cơ khí ở các tỉnh miền Nam. Năm 2010, ông trở về Đà Nẵng với nghề chính là chế tạo máy, cán dập tôn, sửa chữa thiết bị… Nhiều năm gắn bó với nghề, ông luôn đau đáu chế tạo một chiếc máy tự động để giúp người nông dân thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà hiệu quả kinh tế mang lại không cao. “Thấy ở địa phương có mảnh đất trống khá rộng, hoang hóa đã lâu không những gây ô nhiễm mà còn lãng phí nguồn đất đai, tôi đã xin chính quyền cho mượn để hiện thực hóa giấc mơ cơ khí, tự động hóa trong nông nghiệp”, ông Toàn kể.
Cỗ máy tự động làm vườn do ông Huỳnh Kim Toàn sáng chế |
Bắt tay vào chế tạo “con tàu” 6 trong 1, ông không gặp khó khăn gì lớn vì kiến thức cơ khí đã “đầy mình”. Có chăng là thiếu nguồn vốn. Vậy là ông vay mượn bạn bè, người thân vài trăm triệu để mua một số máy móc, số khác ông tận dụng từ xưởng cơ khí của mình để thi công, lắp ráp. Tháng 9.2019, sau khi dọn dẹp xong thửa đất hoang, ông Toàn dựng 2 “con tàu” lên trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. “Có người bảo tôi gàn dở vì làm nông lời lãi được mấy đồng mà thiết kế 2 cái máy tốn hàng trăm triệu. Nhưng tôi nghĩ mình làm trước là để giải phóng sức lao động cho mình, cho vợ con bớt nhọc nhằn. Lãi từ trồng rau rồi từ từ sẽ đến…”, ông nói cứng.
Thu lãi lớn nhờ giảm chi phí
Ông Toàn kể khi mới bắt đầu trồng rau, “con tàu” cho thấy hiệu quả đặc biệt trong việc cải tạo đất. Với khu vườn ban đầu rộng đến 3.000 m2 (năm 2020 bị thu hồi một phần, chỉ còn lại khoảng 2.000 m2), ông cùng 2 người đã vận hành cỗ máy để dọn dẹp đá sỏi từ những mồ mả cũ, lấy lớp đất mặt bạc màu chỉ trong vài ngày. Chiếc máy ông dùng để vận chuyển đất mới trộn phân, vi sinh đưa đến những nơi xa nhất của khu vườn chỉ trong vài phút. Sau khi xong phần cải tạo, ông Toàn lắp vào một chiếc máy khác, bấm nút và cả khu vườn được xới tơi.
“Các công đoạn làm vườn trồng rau chỉ thực hiện bởi 1 người là đủ. Muốn gieo hạt, tưới phân…, tôi chỉ việc lắp vào những chiếc máy do mình chế tạo sẵn là xong”, ông kể. Nhìn những chiếc máy xới đất, tưới phân được ông đặt ở góc vườn, nhiều người không khỏi thắc mắc: nếu một mình thì phải xoay xở thế nào vì quá nặng. Nhưng ông đã chế tạo những thiết bị đấu nối và kéo bằng pa lăng hoàn toàn tự động. Không chỉ nghiên cứu và chế tạo thành công “con tàu” cùng các máy móc đi kèm, ông Toàn còn nghiên cứu chế tạo nên máy xay rác để làm phân hữu cơ, hệ thống ủ phân… để phục vụ cho vườn rau của mình.
“Trồng rau hữu cơ vốn cho năng suất không cao như cách trồng thông thường, thêm vào đó là giá thành cao hơn. Nhưng rau hữu cơ là xu hướng trong bối cảnh phát triển nông nghiệp sạch. Bởi vậy, ngay từ đầu, tôi đã trồng rau theo hướng an toàn, không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học mà sử dụng bằng phân hữu cơ. Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh thì không cách nào khác là phải tìm cách giảm giá thành qua việc tiết giảm chi phí trong các khâu canh tác”, ông Toàn chia sẻ và cho biết lời giải bài toán đó chính là hệ thống “con tàu” 6 trong 1. “Lấy ví dụ về việc tưới nước, với 2.000 m2 của khu vườn, mỗi lần tưới tôi chỉ tốn khoảng 15.000 đồng tiền điện mà vườn rau được tưới đều, thấm sâu hơn là tưới bằng tay mà tiết giảm được chi phí nhân công”, ông Toàn ví dụ.
Với cỗ máy do mình sáng chế cùng cách trồng rau an toàn trên diện 2.000 m2, mỗi tháng ông Toàn thu về khoảng 50 triệu đồng từ việc bán rau. Nhờ tiết giảm các chi phí mà ông thu lãi không dưới 20 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, với việc tự động hóa trong canh tác, ông không cho đất nghỉ. Vụ rau này vừa hết là vụ rau khác lại gối đầu với các loại xà lách, cải, cà chua, rau má… “So với các điểm trồng rau hữu cơ khác, giá thành mỗi ký rau tại vườn của tôi rẻ hơn khoảng 50 – 70% vì nhờ tiết giảm được sức lao động và các chi phí khác”, ông Toàn trải lòng.
Không chỉ sáng chế các loại máy móc tự động, ông Toàn còn nghiên cứu chế tạo thành công các loại dụng cụ đặc biệt, như giàn che di động chống sâu bệnh, thiết bị cảm biến độ ẩm… khiến nhiều người nể phục.