Gần 1.000 sinh viên của các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn TP. Đà Lạt đã đến tham gia buổi giao lưu với sự đồng hành của Hoa hậu Tiểu Vy, Hoa hậu Kỳ Duyên, Á hậu Hoàng My, Á hậu Thùy Dung.
Hoa hậu Tiểu Vy thổ lộ mình từng là người lười đọc sách. Nhưng kể từ khi tham gia chương trình của Trung Nguyên Legend, Tiểu Vy đã siêng đọc hơn, mỗi ngày đọc một số trang, qua đó học được nhiều, biết được nhiều điều bổ ích hơn từ sách. Cuốn Đắc nhân tâm và Nghĩ giàu làm giàu là 2 cuốn mà Tiểu Vy tâm đắc nhất.
Còn Á hậu Hoàng My, người đã giành được học bổng của Học viện Điện ảnh ở Newyork, từng đến hơn 20 nước trên thế giới, hiện tại chị đang làm 1 bộ phim tư liệu về trí tuệ của người Do Thái cho biết: “Hầu hết các quốc gia lớn mạnh đều có ‘cuốn sách tủ’, chẳng hạn như Nhật Bản có cuốn Khuyến học đã được Hành trình từ Trái tim chọn trao tặng vào dịp này là sự kiện mang ý nghĩa thiết thực đối với các bạn sinh viên“.
Chia sẻ với các bạn sinh viên, Hoa hậu Kỳ Duyên kể về những nỗ lực chị đã phải bước qua sau khi đăng quang ở độ tuổi quá trẻ, Kỳ Duyên chưa lường hết được những điều mà sự nổi tiếng mang lại: “Kỳ Duyên đã dẫm chân lên rất nhiều gai của hoa hồng để có thể vượt lên chính mình. Ngày hôm nay Kỳ Duyên đã là một người rất khác. Duyên chia sẻ dù vấn đề gì xảy ra thì phải tin vào bản thân mình mới có thể giải quyết được vấn đề của mình“.
Theo kinh nghiệm của Hoa hậu Kỳ Duyên, các bạn sinh viên cần dám thất bại, thất bại mới tới được thành công, cần kiên trì đừng bỏ cuộc.
Á hậu Thùy Dung cô gái thú vị, đa tài thành danh ở nhiều lĩnh vực như MC, nhạc họa cho rằng muốn lập thân, lập nghiệp thì người trẻ cần mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn”, dám thành thật và đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân. Khi vượt qua được nỗi sợ hãi thì một chân trời mới sẽ mở ra.
Thùy Dung thổ lộ: “Khi còn là sinh viên năm 2, mỗi lần cầm micro đứng trước đám đông là Thùy Dung run đến mức đôi chân không thể đứng vững. Sau đó mình đã mạnh dạn ‘xung phong’ thuyết trình trước đám đông và chọn con đường làm MC để vượt qua nỗi sợ hãi”.
Đặc biệt, nhiều bạn sinh viên cũng đưa ra các câu hỏi rất hay dành cho những người thực hiện chương trình. Bạn Thúy Kiều, sinh viên Khoa Đông phương học và Hàn Quốc – Đại học Đà Lạt đã đưa ra một câu hỏi rất thú vị, Thúy Kiều muốn biết vì sao Hành trình từ Trái tim lại mang tặng sách ở những vùng sâu vùng xa trong khi các doanh nghiệp thường hay đầu tư vào những khu vực đông dân cư.
Tiến sĩ Hữu Đức người dẫn dắt chương trình giao lưu chia sẻ rằng: “Các chương trình của Hành trình từ Trái tim đến với vùng sâu vùng xa, vùng hiểm trở bởi, nơi đó con chữ được trân trọng hơn. Khi đó, những cuốn sách quý không còn là cuốn sách nữa là những ước mơ, là nguồn ánh sáng nhen nhóm những điều sâu kín rất đặc biệt. Rồi một ngày nào đó, có bạn trẻ ước mơ được đi ra với thế giới làm những điều lớn lao cho dân tộc, cho đất nước chỉ khởi đầu từ những cuốn sách nho nhỏ này. Và câu chuyện mang lại tri thức như vậy không chỉ là riêng câu chuyện của Trung Nguyên mà còn là của những người đồng hành, những nhà lãnh đạo”.
Đồng hành cùng với buổi giao lưu, bà Vũ Thị Hạnh – Phó giám đốc Thư viện Lâm Đồng cho biết mình cảm thấy sự háo hức của sinh viên tại TP. Đà Lạt, đây là một chương trình có ý nghĩa dành cho các bạn trẻ được chờ đón tại đây.
Chia sẻ với ý kiến của tiến sĩ Trần Hữu Đức, anh Phan Tuấn Anh, Bí thư Đoàn trường Đại học Đà Lạt cho rằng sách là món quà quý giá và ý nghĩa nhất, đặc biệt đối với sinh viên, bởi các bạn trẻ đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ nhất về tư tưởng, ý chí và tinh thần lập thân lập nghiệp. Những cuốn sách được trao tặng từ Hành trình từ Trái tim sẽ giúp các bạn sinh viên tự tin hơn và có định hướng tốt hơn trong quá trình phát triển của bản thân.