Người trẻ khởi nghiệp thường vấp ngã vì không trả lời được câu hỏi này
Cụm từ kinh doanh, khởi nghiệp, làm chủ đang dần dần trở nên thông dụng hơn ở khắp mọi miền trên đất nước, từ nông thôn đến thành thị, từ vùng sâu, vùng xa đến các thành phố lớn.
Nhất là năm 2016, Chính Phủ quyết liệt hỗ trợ kinh tế tư nhân và khởi động chương trình quốc gia khởi nghiệp. Từ đó đến nay, các cơ quan, báo chí, truyền thông cùng sở ban ngành tích cực tuyên truyền tạo ra một làm sóng khởi nghiệp trong các bạn trẻ.
Tuy nhiên, câu hỏi ta kinh doanh vì ai và vì cái gì? Thì có lẽ nhiều bạn trẻ vẫn chưa trả lời dứt khoát và rõ ràng được, nên đã gây ra những cú té đôi khi không nên té.
Phần lớn họ quá đam mê sản phẩm của mình mà quên mất, ta ra kinh doanh là vì khách hàng. Họ quá yêu sản phẩm mà quên rằng người họ cần yêu chính là khách hàng.
Điều này không có nghĩa là bạn không được yêu sản phẩm dịch vụ của mình. Tuy nhiên nó chưa đủ, bạn cần dành một tình yêu tuyệt vời với khách hàng để bạn mới chạm đến trái tim của họ, người mà giúp bạn trở thành doanh nhân thành công.
Tôi kể bạn câu chuyện này, cách đây 02 năm, tôi dẫn một đoàn hơn 40 doanh nhân trải nghiệm, lăn xả tại Singapore. Trong đoàn có một bạn làm bên dịch vụ sửa máy tính có tên là “bệnh viện máy tính”.
Khi đăng ký ở hostel (nhà nghỉ xí túc xá) tại Singapore và trải nghiệm dịch vụ tại đây làm cho bạn thích thú, không gian nhỏ nhưng đầy đủ, có bàn ghế ngồi chờ nơi phòng khách, có bữa ăn sáng nhẹ, máy giặt, tủ lạnh, ghế massage.
05 ngày ở đây giúp bạn nhận ra nhiều điều và trên hành trình trở về Viêt Nam bạn tâm sự với tôi, đúng là họ làm có khác biệt, dịch vụ họ làm tốt quá, họ biết nghĩ cho khách hàng.
Bên bạn lâu nay ít quan tâm đến điều này, khi khách hàng đến sửa máy tính, bạn cho khách ngồi đại ở đâu đó bằng ghế nhựa trước cửa hàng chờ. Kỳ này về bạn quyết định làm lại phòng tiếp khách, chuẩn bị nước non cho khách kỹ hơn.
Tác giả Nguyễn Thái Duy, Nhà sáng lập Be Training – Vườn ươm doanh nhân
Thật tuyệt, bạn đã bắt tay làm liền khi về đến nhà, làm được như vậy chính bạn cũng cảm giác vui, hớn hở lên, tinh thần của bạn và nhân viên nhiệt huyết hơn. Khách hàng thì hài lòng hơn xưa vì có nơi ngồi chờ, có sách báo để đọc và có cả tivi để xem chương trình.
Tuy nhiên, sau đó tôi có dịp ghé đến nơi bạn làm việc, chứng kiến không gian bạn tạo ra thoải mái cho khách hàng nên rất vui, nhưng ngồi chơi một lúc thì tôi có cảm giác trên khuôn mặt của khách hàng không ai tươi cả mà trông rất bồn chồn.
Có người ngáp, có người lo lắng, có người lâu lâu nhìn đồng hồ rồi lại nhìn vào phòng kỹ thuật bên trong, có khách hàng đứng lên hỏi tiếp tân rằng sắp xong chưa? Tôi hỏi bạn rằng, trung bình một khách hàng đợi bao lâu.
Bạn nói rằng thường khoản 02 tiếng. Tôi trố mắt nói rằng: “Tận 2 tiếng ngồi đợi vậy à”. Bạn đáp, hồi giờ vậy, lúc xưa bạn còn cho ngồi ghế nhựa đầy cửa hàng ngoài này. Giờ bạn cải tiến hơn khi đi Singapore về.
Mình hỏi bạn ngay, vậy bạn kinh doanh vì cái gì? Bạn im lặng chưa biết trả lời như thế nào. Tôi chia sẻ luôn: “Kinh doanh vì khách hàng”, có nghĩa là khách hàng đang cần cái gì trong trường hợp này?
“Cái số 1 khách hàng cần là rút thời gian chờ xuống”, bạn đáp. Tôi nói quá tốt vậy: “Bạn đã làm được chưa?”.
Bạn đáp: “Chưa, bởi kỹ thuật cần có thời gian”. Tôi lại nói: “Biết là vậy, tuy nhiên, phải có cách nào để nó nhanh hơn, không để khách đợi lâu như vậy?”.
Rất vui là qua cuộc trò chuyện ấy bạn đã biết cách phân loại, sắp xếp, sàng lọc. Máy nào đơn giản thì báo cho khách ở lại 30 phút sau lấy ngay, máy nào nặng hơn thì hẹn khách hàng sang ngày hôm sau lấy để khách đi về lo việc của họ.
Kết quả là trung bình việc chờ của bạn 2 tiếng giờ đã xuống còn khoảng 40 phút.
Bạn học gì từ bài chia sẻ này? Nếu nhìn từ góc độ của ta thì ta tưởng rằng tạo thoái mái là đã đủ. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khách hàng thì cái họ cần là thời gian nhanh chóng.
Vậy điều gì làm nên khác biệt của một doanh nghiệp? Đó là luôn tạo ra quy trình làm việc để phục vụ khách hàng và đáp ứng mong muốn của khách hàng. Bạn đã suy nghĩ đến điều này chưa?
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Thái Duy – Nhà sáng lập Be Training – Vườn ươm doanh nhân