Khởi nghiệp không phải kiểu tư duy ‘bó rau ăn không hết thì đem đi bán’

0
674

Trên thị trường, những quả vải của Việt Nam được bán ra với một mức giá rất rẻ, chỉ khoảng 10 nghìn đồng đã có thể mua được một túi tầm 80 quả. Đặc biệt trong những thời điểm được mùa, vải hay nhãn còn sụt giá mạnh và thậm chí còn được bán với mức giá gần như cho không. Trong khi đó ở Nhật Bản, ước tính mỗi quả vải bán tại các siêu thị có giá trị khoảng 10 nghìn đồng.

Ông Quân cho rằng, nếu người trồng vải thay đổi tư duy kinh doanh, sẵn sàng để các chuyên gia trong nước và quốc tế đồng hành cùng mình ngay từ những khâu đầu tiên của quá trình sản xuất, từ cây trồng đến phân bón, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; thậm chí dám giảm bớt quy mô để tập trung chuyên sâu khi mới bắt đầu học hỏi kinh nghiệm nhắm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thì việc đạt được mức giá 10 nghìn đồng/một quả vải cũng không quá xa vời.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp

PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp

Từ câu chuyện này, so sánh với việc khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay, ông Quân cho rằng, khởi nghiệp do chưa được định nghĩa đúng nên còn dẫn đến nhiều mơ hồ và tư duy làm khởi nghiệp còn chưa hiệu quả.

Về lý thuyết có 3 giai đoạn phát triển lớn bao gồm: Tự cung tự cấp; tự sản tự tiêu (thực chất là một mức độ cao hơn của tự cung tự cấp) và kinh tế thị trường. Hai giai đoạn đầu hoàn toàn dựa trên những thứ sẵn có, còn giai đoạn thứ ba là không có sẵn khả năng hay nguồn lực nhưng thị trường cần nên phải cố gắng để làm ra.

Theo đó, khởi nghiệp của nhiều người hiện nay vẫn chỉ đang theo kiểu tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu mà chưa có tư duy hướng đến kinh tế thị trường. Hỗ trợ khởi nghiệp mà người ta vẫn đang nhắc đến hiện nay thực chất là hỗ trợ làm kinh tế, xoá đói giảm nghèo chứ không phải là đổi mới sáng tạo như đúng bản chất của một doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Khởi nghiệp là phải tạo ra một công việc kinh doanh, hướng đến kinh tế thị trường nghĩa là làm cho người khác dùng, theo nhu cầu của người khác chứ không phải theo kiểu tôi có cái này bán ông có mua không; không phải là bó rau ăn không hết thì đem đi bán. Các doanh nghiệp khởi nghiệp bây giờ hầu như đang hoạt động theo kiểu chứng tỏ khả năng của mình thay vì phục vụ thị trường”, ông Quân nói.

Tuy nhiên, điều này cũng không quá khó hiểu khi đến thời điểm hiện nay, số lượng người được học và hiểu rõ về kinh tế thị trường còn quá ít ỏi. Theo ông Quân, chỉ một số ngành của trường kinh tế, khối quản lý kinh tế mới có cơ hội tiếp xúc trong khi các ngành khác dù mang tiếng là trường kinh tế nhưng sinh viên lại không biết gì về kinh tế thị trường dẫn đến việc ra trường không nắm rõ luật chơi.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như Quy định về Đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP; Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025…

Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, một vấn đề cũng cần nhìn nhận là đôi khi những nỗ lực của Chính phủ với việc đưa ra các cơ chế, tiêu chuẩn của kinh tế toàn cầu hoá vào quá sớm đã vượt quá khả năng của những người tham gia, tạo nên khoảng cách của sự phát triển.

“Hiện nay, những gì Chính phủ đang làm là tạo ra một sân chơi theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng người chơi lại không biết luật nên cũng chỉ có thể xỏ giày mà không thể vào sân”, ông Quân bình luận.

Kỳ vọng về những điểm mới của Nghị định 38, bà Phan Hoàng Lan, đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (NATEC) cho biết, Nghị định 38 ra đời đã tạo sự đồng thuận rất lớn của doanh nghiệp, tạo niềm tin và sự lạc quan trong bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các nhà đầu tư; tuy nhiên, kết quả thế nào phải chờ thêm thời gian.

Bà Phan Hoàng Lan, đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (NATEC).

Bà Phan Hoàng Lan, đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (NATEC).

“Việc tài trợ dành cho khởi nghiệp, hiện tại chúng ta gần như chỉ tài trợ cho những khoản liên quan đến nghiên cứu phát triển còn những khoản liên quan đến tìm hiểu thị trường như thế nào, đi ra nước ngoài ra sao thì hiện tại chưa có chính sách hỗ trợ”, bà Lan nói.

Bà Lan cũng nhìn nhận, các mô hình đầu tư kiểu sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng hay sàn dành cho khởi nghiệp hiện chưa có. Khởi nghiệp ở nước ta còn thiếu nhiều khung chính sách, tuy vậy hiện tại các bộ ngành đang nghiên cứu và đề xuất cho Chính phủ xem xét để quyết định cho các chính sách mới.

Khởi nghiệp không phải kiểu tư duy ‘bó rau ăn không hết thì đem đi bán’
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here