Tuy các làng nghề trồng hoa tết trên địa bàn tỉnh Bình Định có giảm về số lượng trồng do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng hoa tiêu thụ được hết và mang về lãi lớn cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Thành, ở làng hoa Bình Lâm, xã Phước Hòa (H.Tuy Phước), vui vẻ cho biết: “Nhà tôi trồng 400 chậu cúc pha lê, bán sỉ hết 300 chậu, giá 200.000 đồng/chậu, còn 100 chậu giữ lại đưa ra chợ hoa xuân Gò Bồi bán lẻ với giá 250.000 – 270.000 đồng/chậu. Tổng thu 85,6 triệu trồng, trừ hết chi phí lãi một nửa”.
Theo ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, vụ hoa tết năm rồi cả làng hoa Bình Lâm doanh thu trên 4 tỉ đồng, bình quân 1 hộ có thu nhập hơn 133 triệu đồng, cá biệt có hộ thu nhập 360 triệu đồng.
Còn ở làng hoa Biểu Chánh – An Cửu, xã Phước Hưng (H.Tuy Phước), ông Dương Minh Tân, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã, cho biết vụ cúc tết năm nay xã có 65 hộ trồng 30.000 chậu hoa các loại, doanh thu khoảng 7,5 tỉ đồng. Trong đó có 2 hộ số lượng trồng 1.000 – 1.500 chậu, thu nhập 250 triệu đồng đến 375 triệu đồng. Ngoài ra, bà con còn bán được 5.000 chậu mai xuân, doanh thu 2,5 tỉ đồng. “Nhìn chung, vụ hoa tết năm nay tuy có giảm số lượng trồng, nhưng hộ nào cũng có thu nhập tương đối khá. Không đến nỗi quá căng thẳng như mọi người lo âu khi dịch Covid-19 biến động phức tạp”, ông Tân nói.
Tương tự, bà con làng hoa Vĩnh Liêm – Kim Châu (P.Bình Định, TX An Nhơn) cũng tỏ ra phấn khởi khi tết này hoa bán được giá và tiêu thụ hết, không bị ứ đọng. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND P.Bình Định, với 22.000 chậu hoa cúc pha lê, đại đóa, cúc kim Nhật Bản tiêu thụ hết, tính ra 84 hộ chuyên trồng hoa cúc bán tết của phường có tổng thu nhập khoảng 4 tỉ đồng, hộ thu nhập cao nhất 200 triệu đồng, thấp nhất 50 triệu đồng.
Với làng mai kiểng xã Nhơn Phong (TX.An Nhơn), ông Đinh Thanh Trình, Chủ tịch UBND xã, cho biết vụ mai Tết Tân Sửu, 347 hộ trồng mai của xã (tăng 47 hộ so với năm ngoái) đã thu về trên 38 tỉ đồng (tăng 3 tỉ đồng so với vụ mai năm 2020), hộ thu nhập cao nhất đạt 1,3 – 1,5 tỉ đồng, thấp nhất 100 triệu đồng. Hiện diện tích trồng mai kiểng ở xã Nhơn Phong tăng trên 35 ha, với gần 500.000 chậu. Giá trị sản xuất từ nghề trồng mai chiếm đến 27% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của xã này.
Trong khi đó, ở xã Nhơn An (TX.An Nhơn), người trồng mai kiểng thu khoảng 34 tỉ đồng từ bán mai tết. Hộ có thu nhập cao nhất 200 – 300 triệu đồng, hộ thấp nhất cũng thu được 20 – 30 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã, mặc dù có một số thương lái bỏ đặt cọc do dịch Covid-19 nhưng sau đó, thương lái ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận… đã về địa phương mua mai kiểng khá nhiều, nên số lượng mai kiểng ở địa phương cung ứng đi nơi khác ổn định. “Một số hộ trồng mai trong xã còn chủ động đem mai ra Đà Nẵng, xuống Quy Nhơn để bán và cho thuê, nên người trồng mai vẫn có thu nhập tương đối ổn định dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp”, ông Đức nhận xét.