Bà Thạch Lê Anh, giám đốc Vietnam Silicon Valey đã chia sẻ thú vị về thị trường khởi nghiệp Hải Phòng cũng như những lời khuyên hữu ích dành cho các startup tại Lễ phát động cuộc thi Ươm mầm khởi nghiệp Hải Phòng do báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Thành đoàn và Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng tổ chức.
Bà có nhận xét gì về thị trường khởi nghiệp Hải Phòng?
Với lợi thế vị trí, sự phát triển về công nghệ, khoa học, kỹ thuật, Hải Phòng được đánh giá có tiềm năng thu hút khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST). Để thúc đẩy phong trào KNĐMST, thành phố này cũng tổ chức nhiều diễn đàn nhằm truyền cảm hứng, kiến thức cho các bạn trẻ Hải Phòng hiểu đúng về khởi nghiệp. Đặc biệt, năm 2017, Trung tâm hỗ trợ KN sáng tạo Hải Phòng (Startup Hải Phòng) do Sàn giao dịch Công nghệ và Thiết bị Hải Phòng (Hatex) vận hành đi vào hoạt động với vai trò thực hiện các hoạt động kết nối, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, các hoạt động khởi nghiệp tại đây mới chỉ dừng ở việc gây dựng phong trào thông qua thu hút sự quan tâm của sinh viên, cộng đồng startup trẻ địa phương. Thậm chí, nhiều bạn trẻ vẫn chưa hiểu rõ về sự khác biệt giữa khởi nghiệp và khởi nghiệp ĐMST cũng như xu hướng, thế mạnh địa phương khi thành lập doanh nghiệp.
Bà Thạch Lê Anh tham gia giao lưu thắp lửa khởi nghiệp tại Hải Phòng do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Thành Đoàn và Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng tổ chức
Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng gặp phải vấn đề thu hút nhà đầu tư. Không phải vì Hải Phòng không có nhiều người có tiềm lực kinh tế mà do họ chưa biết đến hoặc chưa hiểu về hình thức đầu tư mạo hiểm. Và khi họ tài trợ một startup nào đó, nó mang tính chất của việc làm từ thiện hơn là đầu tư để sinh ra lợi nhuận.
Vì vậy, theo tôi, với những startup mới ở giai đoạn đầu tại Hải Phòng, họ nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư thiên thần. Nhà đầu tư thiên thần là những cá nhân, đầu tư vào các công ty đang ở giai đoạn đầu. Họ sẵn sàng cam kết với các DNKN, đầu tư bằng tiền của chính mình và chấp nhận rủi ro kinh doanh nhưng vẫn kỳ vọng có lợi nhuận đáng kể. Nhà đầu tư thiên thần đầu tư không chỉ vì tiền mà còn có mong muốn giúp các thế hệ doanh nhân kế cận đạt được ước mơ và thành công, trở thành một cố vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra việc làm, …
Theo bà, các startup Hải Phòng nên tập trung đầu tư vào các dự án khởi nghiệp như thế nào?
Với đặc điểm là thành phố cảng, các startup có thể xây dựng mô hình kinh doanh, ứng dụng phục vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải, logistics, vận chuyển hàng hoá, … Ngoài ra, Hải Phòng cũng có tiềm năng phát triển du lịch.
Mặt khác, Hải Phòng đã từng có trên 60 làng nghề với 20 loại hình nghề khác nhau phần lớn là nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Nhưng đến nay, trên địa bàn thành phố chỉ còn 31 làng nghề đang duy trì và phát triển, tập trung vào các nghề: mây tre đan, đồ mộc dân dụng, điêu khắc, sơn mài, cơ khí, bánh đa, dịch vụ vận tải, thủy sản, … Hải Phòng hoàn toàn có thể duy trì và phát triển các làng nghề này tạo nên bản sắc, đặc trưng riêng cho địa phương bằng việc chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ, siêu nhỏ và DNNVV sang startup trong lĩnh vực doanh nghiệp Phong cách sống. Các doanh nghiệp Phong cách sống, được ươm tạo và đầu tư, có thể gọi vốn thành công từ các Quỹ đầu tư tác động, Quỹ phi lợi nhuận, Nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Doanh nghiệp phong cách sống là gì vậy thưa bà?
Doanh nghiệp phong cách sống (Lifestyle business – LSB) là doanh nghiệp kinh doanh nhỏ theo mô hình “kinh doanh phong cách sống” được hiểu là một cá nhân dựa vào bí quyết hoặc tài năng của bản thân để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ mang phong cách độc đáo, cá tính riêng của người chủ. Sản phẩm hoặc dịch vụ đó được nhiều người có cùng xu hướng chấp nhận trả tiền để có phong cách đó
Từ kinh nghiệm của bà, để thuyết phục được các nhà đầu tư, các dự án khởi nghiệp cần có yếu tố then chốt nào?
Các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định đầu tư vào một startup của các nhà đầu tư gồm: đội ngũ, sản phẩm, mô hình kinh doanh, thị trường, đối thủ cạnh tranh.
Trong suốt 5 năm qua, VSVA định hướng đầu tư cho startup trong giai đoạn sớm (early-stage), startup ở giai đoạn này chưa có gì cả: chưa có chỉ số kinh doanh, sản phẩm chưa hoàn thiện, chưa có báo cáo tài chính, …. Do đó, ở giai đoạn này, chỉ có các chỉ số về con người là thể hiện rõ nhất.
Mặt khác, theo thời gian và tình hình, các yếu tố: sản phẩm, mô hình kinh doanh, thị trường hay đối thủ cạnh tranh đều có thể thay đổi, duy chỉ có yếu tố con người là không thay đổi. Vì vậy, đối với VSVA khi quyết định đầu tư, yếu tố con người là quyết định và là quan trọng nhất.
Một đội ngũ startup mạnh là phải đáp ứng được nhiều tiêu chí. Cụ thể, đội ngũ đó có đủ vị trí cho các mảng trong công ty hay không? Kinh nghiệm của mỗi thành viên có phù hợp với vị trí mà họ đang đảm nhiệm hay ko? Các sáng lập viên và các đồng sáng lập có đủ cam kết với dự án của họ hay không?…
Vietnam Silicon Valey ký kết hợp tác với Microsofl Việt Nam
Thưa bà, làm thế nào để startup của Hải Phòng có thể tiếp cận các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài?
- Hãy mở rộng mạng lưới quan hệ và tận dụng mọi sự trợ giúp có thể
Với nguồn tài nguyên hạn chế, startup thực sự cần rất nhiều sự hỗ trợ. Điều may mắn là startup luôn được hỗ trợ bởi một hệ sinh thái với nhiều cấu phần nằm trong nó. Cộng đồng startup cũng rất đặc biệt, họ rất cởi mở và sẵn sàng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, nguồn lực nếu bạn cho thấy mình thật sự nghiêm túc.
Việc tiếp cận những nguồn lực kể trên rất đơn giản và dễ dàng. Điều bạn cần làm là sử dụng các phương tiện mạng xã hội, tham gia các nhóm về khởi nghiệp và tốt hơn hết là tham dự những chương trình, hội thảo được tổ chức riêng dành cho startup. Những tổ chức như Vietnam Silicon Valley đều thường xuyên có các sự kiện cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp. Nếu bạn muốn nhận được những hỗ trợ đặc biệt thì đừng ngần ngại, hãy lên website của VSV (www.siliconvalley.com.vn) để tìm hiểu và gửi yêu cầu cho chúng tôi.
- Đừng ngần ngại chia sẻ ý tưởng của bạn
Trong suốt hơn 5 năm qua, tôi đã hoạt động như một nhà đầu tư thiên thần chuyên nghiệp và nhờ đó có cơ hội gặp được hàng trăm startup ở giai đoạn đầu (early – stage). Có một điều rất lạ là khá nhiều startup khi tới gặp tôi thường đắn đo trong việc chia sẻ thông tin về dự án, thậm chí yêu cầu ký NDA – Non Disclosure Agreement (Thoả thuận bảo mật thông tin) thì mới bắt đầu thảo luận.
Điều này, theo ý kiến của cá nhân tôi là vì họ không đủ tự tin về khả năng triển khai dự án của mình. Việc sao chép ý tưởng là rất dễ dàng với trình độ công nghệ phát triển hiện nay. Tuy nhiên, nên nhớ rằng ý tưởng là không đắt, việc triển khai mới chính là vô giá. Một ví dụ đơn giản chính là việc Facebook đã đánh bại MySpace để trở thành mạng xã hội phổ biến nhất ở Mỹ và hiện nay là trên toàn thế giới. Hơn nữa, việc không chia sẻ ý tưởng đồng nghĩa với việc bạn đang tự hạn chế khả năng đổi mới sáng tạo và tận dụng trí tuệ đám đông của mình.
- Lắng nghe mọi ý kiến kể cả trái chiều nhưng thực hiện theo chính kiến của bạn
Khi chia sẻ về ý tưởng, mô hình kinh doanh, bạn hãy cố gắng lắng nghe ý kiến nhiều nhất có thể. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn đa chiều về sản phẩm và mô hình kinh doanh của mình.
Tuy nhiên khi đưa ra một quyết định nào đó thì bạn phải tự là người đưa ra chính kiến riêng. Bởi nếu đó không phải là ý kiến của người sáng lập – người hiểu rõ nhất về giá trị cốt lõi, tầm nhìn mà startup mang lại cho người sử dụng thì các hành động sẽ mang tính rời rạc, đối phó. Về lâu dài, việc này khiến bạn cũng không thể học được cách ra quyết định đúng đắn cho startup của mình và sớm thất bại.
- Suy nghĩ rộng và hoạt động theo chiều sâu
Startup như đã nói ở phần đầu chỉ là một tổ chức tạm thời để tìm kiếm mô hình kinh doanh mới nhằm bành trướng thành một tập đoàn khổng lồ trong tương lai. Để có thể đạt được mục tiêu như vậy, ngay từ khi chỉ là ý tưởng, bạn đã phải suy nghĩ như một doanh nghiệp lớn và xây dựng doanh nghiệp của mình theo tầm nhìn như vậy. Với những sắp xếp và quy trình chuẩn mực ngay từ đầu, việc mở rộng doanh nghiệp và nhân rộng mô hình sẽ đơn giản hơn rất nhiều trong tương lai. Đây cũng là điểm mấu chốt mà các nhà đầu tư quan tâm.
- Điều nhà đầu tư quan tâm không phải công nghệ mà là mô hình kinh doanh của bạn
Rất nhiều startup tới phỏng vấn mỗi khi VSV công bố một đợt đầu tư mới. Hầu hết họ thường tự hào và nói rất nhiều về sản phẩm của mình được lập trình hoặc sản xuất bằng công nghệ ưu việt nào đó. Nhưng thực ra nhà đầu tư hầu như không quan tâm nhiều tới việc bạn làm sản phẩm đó như thế nào. Cái họ quan tâm là bạn có thể bán được sản phẩm đó hay không, cơ cấu chí phí doanh thu như thế nào, sản lượng bao nhiêu và bạn cần bao nhiều nguồn lực tương ứng. Vì vậy đừng quá chú trọng vào công nghệ hãy tập trung nhiều hơn vào mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, hãy cho nhà đầu tư thấy tiềm năng phát triển.
Bà có sẵn sàng đồng hành cùng với các startup Hải Phòng? Thời gian tới bà sẽ có những hành động cụ thể gì giúp các startup này khởi nghiệp thành công?
Tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng với các startup. Tuy nhiên, VSVA cũng cần sự đồng hành của Chính quyền cũng như của các doanh nghiệp lớn tại địa phương để phát triển mạng lưới nhà đầu tư thiên thần và dần hình thành thị trường vốn đầu tư mạo hiểm cho startup.
Cuối cùng, là một doanh nhân và một nhà đầu tư thiên thần có kinh nghiệm, tôi hi vọng với những người mới bắt đầu startup nên hiểu rằng thành công không phải điều tự nhiên mà là kết quả của cả một quá trình nỗ lực!