Kể về cơ duyên gắn bó với giống mãng cầu dai “khổng lồ”, anh Nguyễn Minh Phú (SN 1995, ngụ xã Phan, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh)- chủ hộ kinh doanh vận tải Phú Đô My chia sẻ: năm 2017, trong một chuyến công tác, Phú có dịp được thưởng thức hương vị ngon ngọt của trái mãng cầu lạ, có vỏ màu vàng ươm và trọng lượng hơn 0,5kg/trái.
Cảm vị thơm ngon, ngọt thanh của trái mãng cầu lạ, Phú tìm hiểu thì được biết đó là giống mãng cầu Thái, có tên là mãng cầu hoàng hậu, giá bán trên thị trường gấp 3, 4 lần so với mãng cầu ta truyền thống.
Nhận thấy tiềm năng của loại cây mới, Phú cất công đến nhiều vườn mãng cầu hoàng hậu ở tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang tìm hiểu, học tập kinh nghiệm trồng mãng cầu hoàng hậu rồi về bàn với gia đình quyết định thuê 10 ha đất tại ấp 7, xã Suối Dây và nhập cây giống về trồng.
Tuy là giống mới, nhưng cây mãng cầu hoàng hậu thích nghi khá tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, tốn ít chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Chỉ sau một năm rưỡi xuống giống, cây mãng cầu cho thu hoạch vụ trái đầu tiên, trọng lượng bình quân mỗi trái từ 400g đến gần 1kg. Trái khi chín rất thơm, vị ngọt thanh, thịt dai, hạt ít, ít bị nứt khi chín, nhờ đó thu hoạch và vận chuyển dễ dàng.
Theo anh Phú, trong giai đoạn mới trồng cây phát triển nhanh, ít sâu bệnh nên chi phí vật tư nông nghiệp thấp, trong quá trình chăm sóc cần cung cấp đủ nước tưới cho cây, nhất là vào mùa khô.
Để cây cho trái nhiều, đẹp, hạn chế trường hợp trái bị hư hỏng, có giòi, người trồng cần bao trái từ khi mới bằng cái trứng gà, đồng thời lựa chọn nhánh to khoẻ chừa trái để không bị gãy khi trái to.
Thường sau khi trồng được ba năm, mãng cầu hoàng hậu bắt đầu cho trái nhiều, thời gian từ lúc ra hoa đến thu hoạch trái khoảng 5 tháng. Mỗi cây cho thu hoạch từ 25kg đến 30kg/vụ và tăng dần khi cây lớn.
Sau khi thu hoạch trái, cây mãng cầu hoàng hậu cần phải tỉa cành, tạo tán, bón phân bổ sung dinh dưỡng để cây bắt đầu ra hoa cho vụ tiếp theo, mỗi cây có thể cho khoảng 50 trái, tương đương 25kg.
Mãng cầu hoàng hậu có giá thu mua cao gấp hai đến ba lần so với mãng cầu ta, giá bán 100.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi cây có thể thu trên 2 triệu đồng.
Không chỉ cho trái to vượt trội, mãng cầu hoàng hậu còn có giá thu mua cao gấp 2-3 lần so với mãng cầu ta truyền thống. Dù giá khá cao nhưng lượng mãng cầu này không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Anh Nguyễn Minh Phú cho biết, sản phẩm trái mãng cầu hoàng hậu được canh tác theo quy trình hữu cơ vi sinh đạt tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng tem truy xuất nguồn gốc, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, các loại hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật.
Thay vào đó, vườn mãng cầu của Phú sử dụng phân hữu cơ vi sinh và các loại chế phẩm sinh học để bổ sung khoáng chất dinh dưỡng cho cây, tăng sức đề kháng và cải tạo đất…
Bên cạnh đó, từ khi trái còn nhỏ đã được tuyển chọn và bao lại để không bị ruồi vàng tấn công, bảo đảm chất lượng trái mãng cầu sạch, cung ứng sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
Theo anh Phú, mãng cầu hoàng hậu là sản phẩm tiêu biểu của địa phương nhận được chứng nhận 3 sao của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, gọi tắt là OCOP. Đây là bước tiến quan trọng giúp thương hiệu mãng cầu hoàng hậu đến gần với người tiêu dùng địa phương, từ đó xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định trong tương lai.
Ông Võ Văn Hoa Vinh- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) cho biết, Tân Châu là huyện nông nghiệp với hơn 70.000 ha đất nông nghiệp, với nhiều loại cây trồng truyền thống như mía, mì, cao su…
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình sản xuất một số cây trồng như mía, cao su gặp khó khăn do giá giảm; cây mì bị bệnh khảm lá nên nhiều nông dân đã chuyển đổi sang các loại cây ăn trái như: mít, chuối, sầu riêng, bơ và mãng cầu.
Hiện trên địa bàn huyện Tân Châu có 5 sản phẩm được đánh giá và công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 4 sao, gồm: các sản phẩm từ dế của trại dế Oanh Vĩnh và mãng cầu hoàng hậu của chủ hộ kinh doanh vận tải Phú Đô My. Ngoài ra, còn có sản phẩm xoài Úc, được trồng trên địa bàn xã Suối Dây, Tân Châu.