Trồng thứ cây xanh mướt mát, càng rét càng ngọt, anh nông dân Hải Dương thu nửa tỷ/năm

0
512

Mong muốn giữ màu cho đất

Kết hợp với mua bán nông sản, mỗi năm gia đình anh thu về gần 500 triệu đồng.

Chia sẻ với phóng viên, Anh Nguyễn Quang Huy, sinh năm 1976, trú tại thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cho biết, thấy ruộng đất của bà con địa phương trồng trọt kém hiệu quả anh đã quyết định trao đổi với chính quyền và bà con xin thầu lại với tổng diện tích 20 mẫu đất. Giá thuê 500 nghìn đồng/sào và thanh toán 3 năm một lần cho bà con.

Clip: Anh Nguyễn Quang Huy, thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương chia sẻ lý do biến đất lúa thành hoa màu hiệu quả. Video: Thi Ngọc

Bắt đầu làm nghề trồng rau từ năm 2007, anh Nguyễn Quang Huy luôn tâm niệm yêu ruộng, yêu đất như con.

Anh luôn tìm tòi, nghiên cứu trồng trọt để làm thế nào vừa bảo đảm tái tạo dinh dưỡng cho đất, vừa cho hoa màu năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Với mục tiêu, một là tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất, hai là mong gia đình có thêm thu nhập, ba là chủ động nguồn nông sản cung cấp cho thị trường mà anh đã dày công gây dựng lên, bốn là góp phần tạo công ăn việc làm cho một số lao động địa phương, anh Huy đã dồn hết tâm huyết vào sản xuất để nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm.

Hải Dương: Chuyển tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, anh nông dân thu nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Để hoa màu đạt năng suất, anh Huy phải thường xuyên thăm đồng để có biện pháp xử lý cũng như thúc đẩy sự phát triển kịp thời cho hoa màu. Ảnh: Thi Ngọc

Theo anh Huy, hoa màu trong ruộng nhà anh khá phong phú và theo mùa. Tuy nhiên vẫn có một số cây chủ lực như su hào, súp lơ vào vụ Đông, mướp ngọt, mướp đắng, đậu bắp vào mùa hè…

Ngoài ra ngô ngọt cũng là loại cây dễ trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao mà không phải lo đầu ra như một số loại hoa màu khác.

Về kỹ thuật trồng trọt, anh Huy cho biết, cách canh tác của anh rất khác mọi người. Anh không ngại đầu tư để đất có thời gian tái tạo dinh dưỡng và nhờ đó mà cây trồng đạt năng suất cao.

Ví dụ như với loại cây hàng giàn, hết mỗi vụ anh Huy đều thuê người dỡ giàn, thuê máy phay đảo đều đất rồi làm lại luống. Sau đó, mới thuê người bác lại giàn.

Tổng chi phí phát sinh thêm khoảng 800.000 đồng/sào nhưng đổi lại, chi phí cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật lại giảm được khoảng 400.000 đồng/sào do đất tơi xốp và ít sâu bệnh tiềm ẩn hơn. Bên cạnh đó, năng suất cây trồng tăng khoảng 30% tương đương khoảng 800 nghìn đến 1 triệu đồng/sào.

Hải Dương: Chuyển tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, anh nông dân thu nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 3.

Vườn mướp ngọt nhà anh Huy đang ươm được che chắn bằng màng rất cẩn thận để tránh mưa gió và giảm thiểu sâu bệnh. Ảnh: Thi Ngọc

Là người cởi mở, anh Huy cho biết, anh luôn sẵn sàng chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm mà anh học hỏi được trong sản xuất, trồng trọt nhưng do phải đầu tư mà chưa rõ sản phẩm có bán được hay không nên nhiều người chưa áp dụng. Anh mong đất đai của bà con nông dân ngày càng được sử dụng hiệu quả hơn.

“Tôi đã phân tích phần được và phần mất để bà con thấy rõ nhưng với tư duy sản xuất ra chắc gì đã bán được nên hầu hết mọi người không muốn thay đổi cách làm cũ. Họ cứ để nguyên luống và giàn, chỉ bón phân và tiếp tục trồng màu lên luống cũ. Nếu tình trạng này kéo dài thì chả mấy chốc đất sẽ hết dinh dưỡng và không tiếp tục trồng được. Việc để nguyên giàn sẽ dẫn đến mục và khi đó chỉ cần một trận gió nhẹ có thể sập hết và mất trắng”, anh Huy trăn trở nói.

“Không chỉ có kỹ thuật mà việc lựa chọn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất đất. Nếu bón phân không đảm bảo tiêu chuẩn sẽ khiến đất nhanh mất màu, dẫn đến khô cằn…”, anh Huy cho biết thêm.

Vừa giải quyết việc làm cho người lao động, vừa thu về gần nửa tỷ mỗi năm

Với việc đa dạng hóa các loại cây và mở rộng diện tích vùng trồng, anh Huy đã không chỉ chủ động hơn trong việc cung cấp nông sản cho thị trường mà còn giảm thiểu được chi phí đầu vào. Lý do giảm được chi phí là khi nhập nguyên liệu với số lượng lớn, anh Huy được giá ưu đãi hơn, từ đó lợi nhuận tăng theo.

Hải Dương: Chuyển tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, anh nông dân thu nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 4.

Anh Huy rất tự hào và yêu mến những ruộng rau xanh mướt của mình. Ảnh: Thi Ngọc

Điều đáng nói là, khi mua nguyên liệu được giá tốt, bà con ai mua lại anh cũng để cho họ với giá như anh nhập của nhà sản xuất mà không lấy lãi đồng nào.

“Nhiều hộ nông dân trong xã đến lấy giống, thuốc hoặc phân bón, tôi để cho họ nguyên giá như nhà tôi mua. Biết được điều đó nên khi có sản phẩm gần thu hoạch, chính những người này chỉ gọi tôi đến mua trước khi gọi bất cứ ai khác”, anh Huy tự hào nói.

Được biết, không chỉ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của gia đình, anh Huy còn là đầu mối kết nối tiêu thụ nông sản của bà con nông dân địa phương với các thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, nhà anh Huy đang có 8 lao động luôn túc trực để phục vụ cho việc sản xuất và tiêu thụ nông sản với mức lương mỗi người khoảng 100 triệu/ năm.

Với những nỗ lực tìm tòi, sáng tạo không ngừng, tệp khách hàng đặt mua nông sản cũng như các chủ hộ sản xuất ngày càng đông đảo hơn. Trong mấy năm gần đây, sau khi trừ hết chi phí, năm nào gia đình anh Huy cũng thu về gần 500 triệu đồng.

Hải Dương: Chuyển tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, anh nông dân thu nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 5.

Hình ảnh cây xu hào nhà anh Huy được 35 ngày tuổi, dự kiến khoảng 20 ngày nữa là được thu hoạch. Ảnh: Thi Ngọc

“Chỉ có đầu năm 2021 vừa rồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có chỗ tiêu thụ, tôi bị bỏ đi khoảng 300 tấn hàng, tương đương gần 400 triệu đồng nên coi như hòa vốn và chỉ lãi tý ty. Tuy nhiên, tôi thấy nông nghiệp nếu biết tính toán thì vẫn hiệu quả vì năng suất vẫn rất đảm bảo”, anh Huy tâm sự.
Trước đó, anh Huy đã nhiều lần được công nhận là nông dân tiêu biểu của tỉnh Hải Dương. Anh Huy ngày càng được nhiều khách hàng, đối tác tin tưởng và yêu mến.

Trồng thứ cây xanh mướt mát, càng rét càng ngọt, anh nông dân Hải Dương thu nửa tỷ/năm
5 (100%) 1 vote

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here