Mở cửa hàng tạp hóa là hình thức kinh doanh được khá nhiều người lựa chọn vì vốn ban đầu ít, có thể tận dụng vừa kinh doanh vừa trông nom nhà cửa, chăm sóc con cái nếu địa điểm tại nhà, hàng hóa tiêu dùng hàng ngày nên lúc nào cũng có khách…
Tuy nhiên bên cạnh những điều thuận lợi ấy, những người đã và đang bán hàng tạp hóa đều nhận ra sự khó khăn của hình thức kinh doanh này từ rất nhiều yếu tố. Bạn hãy tham khảo và cân nhắc trước khi chọn loại hình kinh doanh này nhé.
Khó khăn khi nhập hàng
Thông thường khi mở cửa hàng tạp hóa, nhân viên kinh doanh, tiếp thị của các công ty sẽ đến mời chào bạn trở thành đại lý, lấy hàng… Một số khó khăn và rủi ro bạn cần chú ý như:
– Nhân viên hãng sẽ cố ép bạn lấy thêm hàng, nhiều khi nhập 1 đống hàng không biết là có bán được hay không, lúc thanh lý gọi thì những nhân viên đó lại “chạy mất dép”. Do đó để đối phó với việc này, bạn nên kiên quyết, cái nào không bán được thì không lấy mặc dù có khuyến mãi lớn, vì không bán được để hết hạn thì tính ra bạn sẽ lỗ.
– Cửa hàng mới mở dễ bị kẻ xấu lợi dụng khuyến mại để bán những sản phẩm giả, hàng nhái… Khi nhập một đơn hàng mới, chưa yên tâm bạn có thể điện thoại cho người thân, người có kinh nghiệm tư vấn, họ sẽ tỉnh táo nhận ra kẻ tiếp thị đang lừa bạn hay không.
Tốt nhất, khi tiếp thị các công ty đến mời nhập hàng và đưa ra các khuyến mại hấp dẫn, bạn nên yêu cầu để lại hàng mẫu, để kiểm tra, hôm sau mới lấy hàng. Yêu cầu xuất hóa đơn GTGT cho đơn hàng đó. Như thế bạn sẽ tránh được nhập hàng nhanh, vội và bị lừa đảo.
Khó khăn khi quản lý hàng hóa
Cửa hàng tap hóa có đặc điểm là rất nhiều loại hàng hóa khác nhau, từ cái lớn đến vật dụng nhỏ bé như cây kim, cuộn chỉ… Do đó, việc sắp xếp hàng hóa, để đồ lên kệ cần gọn gàng và khoa học để bạn vừa dễ kiểm soát mà khách cũng dễ tìm, dễ lấy và nhanh chóng.
Bạn phải kiểm soát hàng hóa, nhớ giá cả các mặt hàng, quan sát khách vào ra kỹ càng đề phòng thất thoát hàng.
Chưa kể nếu hàng tồn, hàng ế ẩm để lâu hết hạn hay nhà có chuột ăn, bảo quản không tốt khi dính mưa, nắng… thì bạn cũng bị thâm hụt đáng kể.
Khó khăn về khách hàng
Kinh doanh cửa hàng tạp hóa tiếp xúc với rất nhiều loại người khác nhau. Khách hàng không phải lúc nào cũng ngọt ngào và thân thiện như những người quen thân với bạn, hãy cảnh giác với những đối tượng sau
– Khách quen gần nhà, mua nợ rồi quên luôn, không trả tiền bạn hoặc khi bị đòi thì xù lông lên quỵt nợ. Trường hợp này khá thường gặp vì bán tạp hóa là đồ dùng thiết yếu hàng ngày nên khách thường cậy gần chạy sang mua và nợ tiền. Để tránh tình trạng này bạn nên kiên quyết không cho nợ, muốn nợ thì hãy tìm đến hàng khác.
– Nhiều người có tính gian còn mua hàng hay đặt hàng một vài lần tạo sự thân quen rồi cầm hàng để trước ra xe rồi phóng xe chạy luôn.. không trả tiền, bạn cũng nên cẩn thận đối phó.
– Có thể có các pha vờ mua hàng lấy điện thoại, trộm hàng, trộm ví tiền, bọn lừa đảo móc nối với nhau để tìm hàng và cung cấp hàng rởm cho bạn, vào mua hàng nhưng lừa để ăn cắp hàng, không phải thanh toán tiền, các pha lừa đảo thôi miên cũng được khá nhiều người lan truyền trên mạng… Nói chung, cửa hàng, đại lý nào mới mở cũng phải cẩn thận với chiêu trò này.
– Bạn nên tránh nhầm lẫn khi trả tiền cho khách, hoặc để mất trộm ví tiền, nhất là khi cửa hàng đông khách đến. Để tránh điều này, bạn nên dùng ngăn kéo có phân chia các loại tiền nếu có quầy thu ngân riêng, hoặc mua một cái túi nhỏ gọn luôn đeo bên mình để đựng tiền. Chỉ mang ít số tiền cần chi dùng, hoặc tiền hẹn trả nhà cung cấp theo người, tránh mất mát đáng tiếc…
Nguyên tắc khi trả tiền cho khách là: đếm đủ số tiền cần trả lại, đặt xuống, rồi kiểm tiền lại lần hai trước khi đưa cho khách. Nếu khách đã cầm tiền rồi lấy cớ trả lại tập tiền mình vừa đưa cho khách, nhất thiết phải đếm lại tiền trả lại 2 lần.
Khó khăn khi cạnh tranh với các đối thủ
Kinh doanh cửa hàng tạp hóa hiện nay không phải là hình thức “béo bở” như những năm trước đây. Với tình hình hiện nay, mọi người đua nhau mở tạp hóa, sự gia tăng nhanh chóng của cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị, kinh doanh tạp hóa buộc phải có những thay đổi để tồn tại.
Để cạnh tranh được, bạn phải tung ra nhiều ưu đãi, tạo thiện cảm tốt và thân thiện với khách hàng, tạo mối quan hệ thân thiết để lôi kéo khách hàng quen thuộc… Cửa hàng nên xây dựng điểm mạnh chủ đạo để khách nhớ và thích mua hàng tại đây, ví dụ như âm nhạc, quà tặng với các đơn hàng trên 500 nghìn, 1 triệu…
Khó khăn về mặt thời gian
Kinh doanh cửa hàng tạp hóa đòi hỏi bạn phải có mặt từ sớm đến tối muộn, chăm như “con mọn”, khách lúc nào cũng có thể xuất hiện nên bạn phải để ý trông hàng.
Chưa kể, nhiều lúc đến tối muộn mà bạn vẫn phải bán, nhất là dịp lễ tết, kỉ niệm, thậm chí ngay cả khi khi cả nhà đang ăn cơm trưa hay nghỉ trưa mà khách gọi mua đồ lẻ tẻ, nhỏ nhặt bạn vẫn phải ra bán… Do đó xác định mở cửa hàng tạp hóa là bạn phải gắn bó, dành thời gian cho nó chứ không phải viễn cảnh rảnh rỗi, nhàn hạ.