Chim bồ câu là loài vật nuôi quen thuộc ở nông thôn và một số nơi ở thành thị. Đây là loài dễ nuôi, hiền lành và thân thiện với con người.
Chim bồ câu là loại động vật thuộc họ chim gáy, tên khác là bồ câu nhà, chim câu, là loài chim được nhân dân nuôi rộng rãi. Có nhiều giống rất khác nhau về kích thước và màu sắc, được phân chia thành các nhóm như bồ câu đưa thư, bồ câu bay lượn, bồ câu cảnh và bồ câu thịt. Bồ câu hiện nay được nuôi theo 3 hướng là: Nuôi lấy thịt, nuôi làm cảnh và nuôi để đưa thư.
Hiện nay mô hình nuôi chim Bồ Câu làm kinh tế đang được nhân rộng ra rất nhiều tỉnh thành trong cả nước, phổ biến ở các tỉnh: Bắc Giang, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đaklak…
Người nuôi chim bồ câu không cần phải đầu tư nhiều, nhanh thu hồi vốn và rủi ro lại ít nên nó đã trở thành một trong những nghề mang lại thu nhập cao và ổn định cho người chăn nuôi.
Do đó, làm trang trại nuôi chim bồ câu rất khả thi, dưới đây là những việc bạn cần chuẩn bị khi muốn kinh doanh mô hình này.
Tìm hiểu về chim bồ câu, trang trại chim bồ câu
Trước khi kinh doanh bạn phải tìm hiểu về chim bồ câu, các mô hình nuôi chim bồ câu phổ biến cũng như điều kiện tự nhiên, điều kiện chuồng trại, thức ăn, bệnh tật thường gặp ở loài chim này trong quá trình chăn nuôi.
Bạn có thể học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại nuôi chim bồ câu khác, đi tham quan các mô hình nuôi chim bồ câu thành công trên cả nước để tự rút ra kinh nghiệm cho riêng mình. Hoặc bạn có thể tham gia các khóa học của hội khuyến nông, các lớp dạy nghề, học hỏi qua sách báo, internet…
Khi đã nắm vững được các kỹ thuật, việc chăn nuôi của bạn sẽ thuận lợi hơn.
Nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm
Việc chăn nuôi sẽ có tương lai hơn nếu bạn nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm một cách kỹ càng và chu đáo.
Hãy xem khu vực gần bạn đã có mô hình nuôi chim bồ câu nào chưa, họ nuôi bồ câu lấy thịt, bồ câu cảnh hay nuôi để đưa thư, cung cấp con giống? Tiềm năng ra sao? Sức tiêu thụ thế nào?…
Từ đó tìm ra hướng đi riêng cho mình, tránh cạnh tranh khó khăn với đối thủ và cung cấp sản phẩm cho đúng đối tượng khách hàng hướng đến, phù hợp với cả hoàn cảnh, mặt bằng dân trí khu vực…
Thực tế hiện nay nhu cầu chim bồ câu lấy thịt cao hơn nhu cầu chim giống. Gía chim thịt hiện nay với chim Ta hay Lai khoảng 80.000-110.000 đ/cặp tùy nơi. Với chim Pháp thì chim thịt từ 110k-140k/cặp tùy nơi.
Nhu cầu chim thịt lớn nhất vẫn là ở Thị xã, Thành Phố lớn dùng trong các Nhà hàng, quán ăn, khu du lịch, các trường học, trong các tiệc cưới… Ở quê thì thường chỉ các gia đình có điền kiện mua ăn, người già, người ốm, trẻ con, phụ nữ mang thai và sau khi sinh mới mua vài con vể tẩm bổ nên mức tiêu thụ không đáng kể…
Chuẩn bị vốn
Vốn là vấn đề “muôn thuở” khi muốn đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên vốn nuôi chim bồ câu không quá lớn, thu hồi vốn nhanh, số tiền ban đầu dùng để mua chim giống, đầu tư chuồng trại, thức ăn và thuốc men, mở rộng quy mô chuồng trại…
Ngoài ra bạn cũng cần phải chuẩn bị vốn dự trù những chi phí phát sinh trong quá trình chăn nuôi ban đầu.
Chuẩn bị chuồng trại
Cho dù là nuôi chim thả tự do hay cách nuôi chim bồ câu nhốt thì bạn cũng cần phải có chuồng để chúng ra vào trú ngụ và đẻ trứng.
Có nhiều mô hình chuồng trại, bạn có thể tham khảo và tiến hành chuẩn bị chuồng trại theo hướng phù hợp nhất sau khi nghiên cứu. Có thể làm chuồng nuôi dạng bán công nghiệp hoặc công nghiệp.
Trước tiên cần phải xác định số lượng sẽ nuôi hiện tại và trong thời gian sau đó để xây chuồng trại hợp lý, định mức hợp lý cho dạng nuôi quần thể là 1m2 nuôi được 2-3 cặp chim.
Để nuôi theo mô hình dạng công nghiệp cần phải đầu tư ban đầu nhiều hơn so với mô hình nuôi quần thể bán công nghiệp: đầu tư xây chuồng trại, mua lồng nuôi công nghiệp, tốn công chăm sóc hơn và phải xác định là nuôi với số lượng lớn. Nhưng đổi lại là hiệu quả kinh tế của cách này là cao nhất và tính về lâu dài thi nuôi hình thức Công nghiệp là tiết kiệm chi phí nhất.
Một số lưu ý khi làm chuồng nuôi chim bồ câu:
– Chuồng được thiết kế thông thoáng, sạch sẽ, có nơi để ánh mặt trời chiếu vào.
– Các cặp chim bồ câu không nên cùng chung sống với nhau, như thế sẽ làm giảm hiệu quả sinh sản. Đó là lý do mà chuồng chim bồ câu cần phải chia thành nhiều ngăn nhỏ với kích thước phù hợp cho mỗi cặp chim. Thường thì các ô này sẽ có kích thước chuẩn là cao 40 cm, rộng 50 cm và sâu 40 cm;
– Trong mỗi ô được chia nhỏ, bạn cần sắp đặt hai ổ, một là ổ để chim đẻ và ấp trứng, hai là ổ để chim nuôi con;
– Máng để thức ăn và nước uống cho chim bồ câu nên được thiết kế bằng gỗ hoặc chất liệu nhựa dẻo để đảm bảo vệ sinh và tránh làm tổn thương cho chim.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia thì bạn chỉ nên nuôi nhốt chim theo cặp trong mỗi ô tiêu chuẩn (như đã nói ở phần trên), còn nếu bạn nuôi thả trong chuồng thì chỉ nên để khoảng 6 – 8 con/m2 đối với chim sinh sản và khoảng 10 – 14 con/m2 đối với chim dò (chim dò là chim non sau khi tách mẹ).
Mua chim bồ câu giống
Để có con giống chất lượng tốt bạn nên tìm mua tại các Trại, các cơ sở có uy tín, có quy mô và kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi như Học viện Nông nghiệp VN, các trung tâm nghiên cứu giống, gia cầm thuộc Viện chăn nuôi, Sở NN&PTNT, cơ quan khuyến nông địa phương…
Giống chim bồ câu tốt nhất phải là những con hoàn toàn khỏe mạnh, lông mượt và hoạt động nhanh nhẹn. Thời điểm chọn mua tốt nhất là khi chim được 4 tháng – 6 tháng tuổi.
Để bồ câu gà có thể sinh sản, bạn cần nhốt riêng lẻ từng cặp. Mỗi cặp sẽ có thể sinh sản trong thời gian 5-6 sau nhưng thường giảm năng suất sau khoảng 3 năm. Vì vậy, đây cũng là thời điểm mà bạn nên tuyển chọn giống mới.
Thức ăn
Nhu cầu về dinh dưỡng của chim bồ câu tùy theo từng giai đoạn phát triển của chim. Thức ăn chính cho chim có thể dùng: ngô, thóc, gạo, đậu xanh, đỗ tương… Ngoài ra chim còn có thể tự tìm kiếm những thức ăn trong tự nhiên nếu không nuôi nhốt.
Thức ăn cho chim còn nhỏ là gạo xay trộn, còn với chim bồ câu đã trưởng thành thì thức ăn là thóc trộn với ngô (hay các hạt khác) xay vỡ, ngoài ra trộn thêm cám Gà khoảng 20 -30%.
Bồ câu nuôi nhốt rất cần chất khoáng, đặc biệt là muối ăn, do đó phải bổ sung thường xuyên vào các máng ăn riêng cho chim ăn tự do hoặc thỉnh thoảng pha vào nước uống. Thức ăn khoáng bổ sung được trộn theo công thức sau: Khoáng Premix 85%, muối ăn 5%, sỏi nhỏ 5%.
Nước rất cần thiết cho chim bồ câu. Trong các loại chim, chim bồ câu là một trong những loài tiêu thụ nhiều nước. Một cặp chim tiêu thụ trung bình 200ml nước mỗi ngày, có lúc tăng lên 300ml vào ngày nóng và ít nhất 150ml vào lúc lạnh.
Bạn cần phải đảm bảo vệ sinh tuyệt đối bằng cách cho chim uống nước sạch pha lẫn vitamin và nước được thay đều đặn, thường xuyên.
Chăm sóc, nuôi dưỡng
Chăm sóc, phòng trị bệnh cho chim bồ câu cũng cần lưu tâm đến một số hoạt động sau:
– Đăng ký tiêm vắc xin 3 lần trong giai đoạn phát triển để phòng bệnh cho chim;
– Tiến hành vệ sinh chuồng chim, phun thuốc sát trùng định kỳ khoảng 2 – 3 tháng một lần để tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời là sửa chữa những chỗ hư hỏng của chuồng (nếu có);
– Vệ sinh máng chứa thức ăn, nước uống mỗi ngày;
– Không cho chim bồ câu lạ vào chuồng để tránh lây lan mầm bệnh; không cho các loại động vật khác như chó, mèo, chuột… đến gần tấn công chim;
– Theo dõi trạng thái của chim thường xuyên để nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu của bệnh kẹt trứng, bệnh cầu trùng, đậu mùa, bệnh đường hô hấp, hay bệnh herpes… Nếu chim có dấu hiệu bệnh thì phải nhanh chóng nhờ đến sự hỗ trợ của cơ sở thú ý để điều trị kịp thời.