Ốc là món ăn dân dã, khoái khẩu của nhiều người khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam. Mở quán ốc dễ làm, nhanh thu hồi vốn, thu lãi hấp dẫn… là yếu tố hấp dẫn để nhiều người khởi nghiệp kinh doanh với ý tưởng dù “cũ rích” này. Đặc biệt khi tiết trời se lạnh mùa thu đông, nhiều người hay có sở thích ăn ốc nóng, ngồi nhâm nhi món ăn khoái khẩu.
Tuy nhiên, không phải quán ốc nào cũng thành công, nhiều quán ốc mở ra nhưng không ít quán phải chịu lỗ, sang nhượng quán.
Khẩu vị và nguyên liệu chính là điều quyết định thắng thua trong kinh doanh quán ốc. Nguyên vật liệu tươi ngon, cách chế biến ngon và hợp khẩu vị, giá bán cạnh tranh, phục vụ tốt và nhanh nhẹn… là yếu tố quyết định thành bại của quán.
Dưới đây là số vốn cần chuẩn bị cũng như các bước bạn có thể tham khảo để mở quán ốc vốn ít, lãi cao, kinh doanh “một vốn bốn lời”.
1. Chuẩn bị vốn
Với quán ốc trong hẻm, quán ốc vỉa hè vốn đầu tư không nhiều, chỉ cần có khoảng 20 – 40 triệu đồng trở lên là bạn có thể mở được quán nho nhỏ. Tất nhiên, nếu có số vốn nhiều hơn thì kinh doanh sẽ thuận lợi hơn.
Số vốn ban đầu dùng để: mua bàn ghế, vật dụng cho quán, chén, bát (khoảng 5-10 triệu đồng). Bàn ghế nên chọn bàn ghế nhựa để dễ thu dọn và chi phí cũng rẻ hơn, thuê mặt bằng (từ 2 – 7 triệu tùy nơi), nếu tự tay chế biến được món ăn ngon, chủ quán sẽ không mất chi phí thuê đầu bếp, số tiền còn lại thuê nhân viên phục vụ và mua nguyên liệu… Bạn cũng nên dự trù kinh phí cho 3 tháng đầu kinh doanh chưa có lãi.
2. Tìm hiểu cách chế biến ốc và nước chấm ngon
Để mở quán ốc nóng, dù là quán vỉa hè hay có cửa hàng, dù trong ngõ hẻm hay ngoài mặt đường… bạn cũng đều phải tìm hiểu về các loại ốc, cách chọn ốc tươi và chế biến ốc ngon.
Có rất nhiều cách chế biến ốc như luộc, xào dừa, hấp xả, xào bơ…
Bạn cũng nên lưu ý: Nấu ốc ngon là chuyện bắt buộc nhưng quan trọng hơn là phải nấu sao cho hợp khẩu vị vùng miền. Khẩu vị của người miền Bắc và miền Trung không thể quá ngọt như khi nấu cho người miền Nam. Do đó bạn phải hết sức chú ý, nấu không hợp khẩu vị chính là nguyên nhân khiến nhiều quán ốc phải đóng cửa.
Nước chấm cũng là điểm thu hút khách hàng, nhiều quán có bí quyết riêng khi pha nước chấm khiến món ăn ngon hơn hẳn các hàng khác, lôi kéo khách hàng quay trở lại quán.
Nếu chưa có kinh nghiệm thì bạn đừng làm nhiều món, chỉ tập trung học hỏi và chế biến thành thạo 1-3 món chắc tay nhất. Quan trọng là nước chấm phải ngon. Sau này khi quán phát triển mới mở rộng ra nhiều món hơn.
Ngoài ra, bạn cũng phải tập cách chế biến món ăn nhanh và phục vụ linh hoạt. Bởi lẽ, khách hàng không thích phải chờ đợi, nếu chế biến món ăn nhanh bạn sẽ bán được cho khách nhiều hơn dù diện tích quán ốc của bạn nhỏ.
Để học hỏi cách chế biến bạn có thể tham gia các khóa học nấu ăn tại các trung tâm hoặc các đầu bếp ở các quán ốc khác, bạn có thể đi ăn tại các hàng ốc nổi tiếng xem họ làm và rút kinh nghiệm về khẩu vị.
3. Tìm hiểu thị trường, đối tượng khách hàng
Đây là khâu không thể thiếu, bạn phải xem khu vực xung quanh đã có nhiều hàng ốc hay chưa, menu của quán đó gồm những gì, cách chế biến ra sao, đối tượng khách hàng chính và mật độ khách đến ăn ra sao… Bạn có thể đến quán đó thưởng thức để đánh giá các món ăn cũng như ưu, nhược điểm của quán.
Ngoài ra bạn cũng nên xem xét đối tượng khách hàng tiềm năng thuộc phân khúc nào, khu vực tập trung nhiều người có thu nhập cao hay thấp? Người lao động hay dân văn phòng? Chọn đúng phân khúc khách hàng và định giá hợp lý sẽ khiến việc kinh doanh thuận lợi hơn.
4. Thuê mặt bằng, địa điểm
Quán ốc không cần mặt bằng phải ngoài mặt đường lớn, hoành tráng, theo kinh nghiệm nhiều quán ốc tận trong ngõ hẻm vẫn có sức thu hút khách hàng nếu chế biến ngon và cách phục vụ nhanh, nhiệt tình.
Tuy nhiên nếu trong hẻm thì bạn nên chọn những con hẻm rộng, dễ tìm, thuận lợi giao thông, không quá lắt léo, ngoằn ngoèo làm khó khách hàng tìm đến… Bên cạnh đó lưu ý có địa điểm giữ xe rộng rãi để khách yên tâm thưởng thức món ăn. Thêm vào đó, bạn nên thuê người trông xe riêng và giữ miễn phí cho khách hàng tốt hơn là thu phí.
5. Tìm mua nguyên liệu tươi ngon
Đây là yếu tố quan trọng khi kinh doanh quán ốc. Ốc phải đặc biệt tươi thì chế biến món gì cũng ngon, nếu ốc để qua ngày hoặc không tươi thì sẽ không thơm ngon, nhạt và khách hàng sẽ chê.
Nguồn nguyên liệu bạn có thể lấy từ các chợ đầu mối, các thương lái, đại lý hải sản… để chọn lựa. Nhưng lưu ý chỉ nên lấy với số lượng vừa đủ, hôm nào bán hết hôm đó, tuyệt đối không dùng cho hôm sau, ốc để qua ngày sẽ gầy và mất độ tươi ngon.
Chưa kể nếu bạn không có kinh nghiệm chọn ốc, mua phải loại ốc không tươi ngon, nhanh chết sẽ phải bỏ rất nhiều, rất phí.
Bên cạnh ốc, bạn mua thêm các loại đồ ăn kèm như củ đậu, dưa chuột, nước ngô, trà đá, nem chua rán, xoài dầm… Dần dần rùi bán thêm cả ngao, sò, tôm, mực hoặc bánh khoai môn, nem chua, trứng cút lộn… để khách có thêm sự lựa chọn.
6. Một số lưu ý khác khi kinh doanh quán ốc
– Bạn phải có quy trình bảo vệ, giám sát nguyên vật liệu sao cho tuyệt đối an toàn, vệ sinh bởi nếu một vài khách bị rối loạn tiêu hóa thì tiếng xấu lan tỏa đến mức khó cứu vãn.
– Quán ốc vốn đầu tư nhỏ nhưng không vì thế mà bỏ khâu tiếp thị liên tục. Bạn có thể tận dụng phát tờ rơi, quảng cáo online trên các mạng xã hội để nhiều người biết đến quán của bạn hơn.
– Phục vụ khách là khâu rất quan trọng, bước nhanh chân, làm nhanh tay, tươi cười với khách, nói chuyện vui vẻ… chào mời khách hàng thể hiện nhiệt huyết kinh doanh trong con người bạn. Khách hàng sẽ cảm nhận được và có thiện cảm quay trở lại với quán của bạn.
mong có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mở quán ốc