Kinh doanh nhà hàng ăn uống là lĩnh vực nhiều người muốn thử sức nhưng không phải ai cũng thành công. Dưới đây là 7 điều cần tính toán, cân nhắc kỹ trước khi bạn muốn mở nhà hàng ăn uống, dù là quán ăn vỉa hè hay nhà hàng lớn.
1. Thị trường mục tiêu
Không có một nhà hàng nào đủ sức hấp dẫn với tất cả mọi người. Vì thế, hãy nghiên cứu thật kỹ càng và chỉ nhắm vào 5 hay 10% thị trường và phục vụ tốt, thế là bạn đã thành công.
Bạn nên chọn thị trường tiềm năng nhỏ, thị trường ngách, phân đoạn thị trường theo độ tuổi, theo thu nhập, sở thích hay nhà hàng đặc thù (nhà hàng dinh dưỡng, nhà hàng ăn chay, nhà hàng chuyên về món lẩu, nướng…). Tuỳ từng cách phân đoạn, bạn tìm hiểu đặc điểm của từng đối tượng để có cách thức kinh doanh phù hợp.
2. Lựa chọn địa điểm
Địa điểm là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của 1 nhà hàng, quán ăn… Tuỳ thuộc vào số tiền bạn có thể đầu tư vào việc mở nhà hàng và loại hình nhà hàng mà bạn lựa chọn để có hướng tìm địa điểm phù hợp.
Không phải hầu hết các nhà hàng đều cần gần nơi đông dân cư, tuy nhiên đối với những nhà hàng phụ thuộc vào đặc điểm này, khi chọn địa điểm, bạn nên lưu ý nghiên cứu địa bàn kỹ lưỡng, xem xét đối thủ cạnh tranh xung quanh cũng như mặt bằng dân trí. Xem lưu lượng người đi bộ và đi xe thế nào, có khoảng bao nhiêu lượt người đi bộ và đi xe qua lại mỗi ngày? Địa điểm có thuận lợi cho việc dừng chân của khách hàng hay không? Những người sống và làm việc gần địa điểm đó có phù hợp với khách hàng mục tiêu của bạn không?
Ngoài ra, bạn cũng nên tìm địa điểm phải đảm bảo có chỗ để xe cho khách và dễ dừng đỗ và tìm hiểu ai là người thuê trước đó và tại sao họ lại không thuê nữa? Tìm hiểu kỹ hợp đồng thuê để có những thoả thuận hợp lý nhất…
3. Bố trí, sắp đặt quán ăn, nhà hàng
Bạn cần thiết kế hợp lý cho khu chế biến, khu bếp, khu trữ hàng, khu văn phòng và khu dành cho khách. Thông thường, khu dành cho khách ăn chiếm từ 40-60% diện tích nhà hàng, 30% dành cho khu chế biến và nấu nướng, phần còn lại là khu trữ hàng và khu văn phòng.
Hãy dành thời gian thăm càng nhiều nhà hàng càng tốt để phân tích cách bài trí của những nhà hàng đó. Hãy quan sát thái độ của những khách hàng tới ăn, họ phản ứng ra sao với những cách bài trí đó? Chúng tiện lợi hay không? Những cái hay và dở để rút kinh nghiệm.
Để đáp ứng từng nhóm khách khác nhau, theo nhiều người bán hàng lâu năm khuyên bạn nên dùng bàn cho 2 người và dùng loại có thể di chuyển để lắp ghép thành bàn rộng hơn. Cách này giúp bạn linh hoạt hơn trong việc phục vụ từng nhóm khách hàng khác nhau.
Hãy sắp xếp khu chế biến thức ăn sao cho chỉ cách khu nấu nướng vài bước chân. Cách thiết kế của bạn cũng nên cho phép hai đầu bếp hoặc nhiều hơn cùng làm khi có nhiều khách.
4. Lên thực đơn
Thực đơn có xu hướng ngày càng dài và điều này chỉ khiến cho khách hàng thêm rối trí. Hãy sắp xếp các món theo mục, cố gắng cung cấp cho khách hàng nhiều sự lựa chọn nhất nhưng với thực đơn ngắn gọn nhất.
5. Những quy định về an toàn thực phẩm
An toàn thực phẩm cần được đặt lên hàng đầu khi bạn dấn thân vào việc kinh doanh nhà hàng. Bạn cần tìm hiểu về những quy định an toàn thực phẩm mà các nhà chức trách đã đưa ra để thực hiện cho đúng.
Uy tín của nhà hàng sẽ rất khó lấy lại nếu bạn để khách hàng của mình bị ngộ độc, ngoài ra bạn còn phải trả chi phí điều trị không nhỏ cho khách hàng.
6. Tuyển nhân viên
Nhân viên phục vụ và nhân viên nhà bếp, quản lý là những yếu tố duy trì hoạt động của nhà hàng, quán ăn, do đó khi tuyển dụng bạn phải có sự chọn lựa tốt.
Nên có bảng mô tả công việc chi tiết dù không nhất thiết phải quy mô như của các công ty lớn, điều quan trọng là nó phải liệt kê được trách nhiệm và phận sự của từng công việc.
Tiếp theo bạn cần lập bảng quy định mức lương. Để đạt hiệu quả tối ưu, bạn nên nghiên cứu mức lương chung trong ngành, sau đó đặt ra mức lương tối đa và tối thiểu đối với từng vị trí để việc trả lương dựa vào năng lực được linh hoạt hơn.
7. Chiến lược marketing và quảng bá
Bất cứ nhà hàng nào cũng cần có một kế hoạch marketing khi bước vào hoạt động. Tuy nhiên dù áp dụng chiến lược marketing nào đi chăng nữa bạn cũng không nên bỏ qua phương pháp marketing truyền miệng bởi đây vẫn là phương pháp quảng cáo tốt nhất đối với ngành kinh doanh thực phẩm.
Khi khai trương nhà hàng bạn có thể gửi giấy mời dùng bữa miễn phí tới những nhân vật tiêu biểu trong tập khách hàng mà bạn nhắm tới.
Đăng kí tên trên danh sách các địa chỉ ẩm thực, sách hướng dẫn du lịch, quảng cáo trên các phương tiện thông tin hoặc giới thiệu cách chế biến một vài món ăn đặc trưng của nhà hàng trên tạp chí hoặc như các trang mạng uy tín về ẩm thực như xemanchoi.vn, ohngon.com.vn, diachianchoi.com.vn hay các Page có uy tín như FB địa điểm ăn chơi Hà Nội, FB địa điểm ăn uống…
[…] 7 điều cần tính toán trước khi mở nhà hàng ăn… […]
[…] ra bạn cũng nên xem xét đối tượng khách hàng tiềm năng thuộc phân khúc nào, khu vực tập trung nhiều người có thu nhập cao hay thấp? […]