Bài học từ thất bại của một người khởi nghiệp

0
1153

Nhiều người trẻ tìm đến nông nghiệp bởi nhìn thấy lợi thế, tiềm năng của nông sản Việt Nam và mơ ước mang thực phẩm sạch đến cho cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ khát khao thôi thì vẫn chưa đủ để làm nên chuyện. Bỏ phố về quê trồng rau sạch

Bỏ phố về quê trồng rau sạch

A lô, tôi tới cổng chợ Xuân Thới Thượng 1 rồi. Chị đang đứng đâu vậy?”, đầu dây bên kia nói. Tôi nhìn quanh thì thấy một chàng thanh niên đen nhẻm đang cầm điện thoại. Đó là Phạm Thành (*), chủ một vườn rau ở huyện Hóc Môn, TPHCM, “nhân vật” mà tôi hẹn phỏng vấn. Cuộc gặp diễn ra hồi tháng 6-2018.

Thành chở tôi trên con đường vòng vèo dẫn vào vườn rau nhà anh. Con đường nhỏ xíu, tưởng như chỉ vừa ôm trọn bánh xe gắn máy, khiến tôi liên tưởng mình đang ngồi trong rạp xiếc. Nhà Thành là một mái lá đơn sơ nằm lẻ loi giữa một cánh đồng ở Hóc Môn. Bên trong có một chiếc giường, bàn máy tính xách tay, tủ đông…

Từ trong ngôi nhà, một phụ nữ tầm ngoài hai mươi tuổi ra đón. Thoạt nhìn lấm lem nhưng còn rất trẻ, miệng cười tươi. Đó là Hà (*), vợ của Thành kiêm “co-founder” (đồng sáng lập) của dự án “Ước mơ rau xanh” mà Thành triển khai ngày ấy.

Năm 2015, Phạm Thị Hà (quê An Giang), sinh viên ngành nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, vừa xong khóa luận, còn chưa kịp làm lễ ra trường, đã cùng bạn trai là Phạm Thành (quê Hải Dương), ngành công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa TPHCM, về ngoại ô thực hiện ước mơ rau xanh.

Nhận thấy rau không an toàn xuất hiện tràn lan, trong khi người Việt hoàn toàn có thể trồng rau sạch, chúng tôi quyết định thuê 3.000 mét vuông đất để thực hiện ước mơ của mình”, bà chủ vừa trò chuyện vừa vuốt ve mấy chú chó mà hai vợ chồng coi như bè bạn giữa cánh đồng rộng lớn của Hóc Môn.

Những ngày đầu đầy khó khăn. Vốn ít, chủ yếu là vay mượn, trong khi đất ô nhiễm nên vợ chồng Thành – Hà mất nhiều công sức cải tạo. Gia đình nội ngoại đều ngăn cản vì thấy hai con ra trường, làm cực quá mà chưa có tiền.

Trong suốt hai năm đầu, chúng tôi làm rau hữu cơ, bán tại Phiên chợ xanh tử tế và bán trực tiếp cho khách quen. Những khách đã ăn rau của hai vợ chồng biết được nguồn gốc, xuất xứ nên rất ủng hộ”, Thành kể.

Ngày ngày, hai bạn trẻ bắt sâu, nhổ cỏ và đem rau giao cho khách. Tuy nhiên, giá rau hữu cơ đắt, khoảng 50.000 đồng/ki lô gam, rất kén khách, nên sau đó vợ chồng Thành-Hà chuyển sang trồng rau sạch, rau an toàn. Nghĩa là, theo chia sẻ của Thành, chỉ bón lót phân hóa học một lần, sau đó không dùng thuốc hóa học lần nào nữa mà sử dụng phân vi sinh.

Tôi nói về sự thay đổi này với khách hàng và họ chấp nhận. Giá rau sạch rẻ hơn rau hữu cơ. Tôi làm thế nào thì nói thật luôn với khách hàng để họ biết”, Thành nói.

Do không phun thuốc mà chỉ bón lót phân hóa học nên cỏ ở vườn rau của Thành vẫn rất nhiều. Các loại sâu bọ vẫn tấn công. Thành hàng ngày vẫn phải nghiên cứu cách dùng phân vi sinh đúng thời điểm để đạt hiệu quả cao nhất. Theo chia sẻ của Thành, phân vi sinh phải 7-10 ngày mới phát huy tác dụng nên phải chăm sóc và theo dõi rau rất kỹ, nếu không sâu sẽ phá cả vườn rau.

Tôi mong muốn ai cũng được dùng sau sạch. Nhưng thực sự, chỉ có những người có tiền, có tri thức hoặc được tác động bởi truyền thông mới chọn rau tôi trồng”.

Nhọc nhằn đường rau sạch ra chợ

Mấy hôm nay, tôi cứ ra ngoài chợ tỉ tê với mấy cô bán rau để thuyết phục các cô lấy rau của tôi. Tôi nói rằng mỗi ngày tôi gửi các cô 10 bịch rau, có ghi thương hiệu Ước mơ rau xanh. Các cô bán được bao nhiêu thì bán, chiều tôi gom lại mang về mà chưa ai chịu. Họ nói khó bán vì người tiêu dùng không tin đó là rau sạch”, chàng thanh niên người Hải Dương tâm sự với tôi trong cuộc gặp hồi tháng 6-2018.

Những ngày ấy, cứ tầm 14 giờ, Hà lại đi cắt rau để bán ngay cạnh vườn. “Chiều chiều, phụ huynh đón con đi học về, họ lại ghé mua rau của tôi. Tôi mới bán từ sau Tết và giờ mỗi ngày cũng bán được 10 ki lô gam. Ai đến thăm vườn, mua rau tôi sẽ bán với giá rẻ hơn”, Hà hào hứng nói.

Hai năm đầu, chúng tôi làm không đủ trả tiền thuê đất, nợ chồng nợ. Năm nay vẫn chưa có lãi nhưng dễ thở hơn. Vợ chồng tôi đã đủ chi tiêu sinh hoạt cá nhân”, Hà tâm sự.

Hai vợ chồng phải bán thêm trái cây, rau, gà do bên ngoại gửi lên để kiếm thêm. Các loại rau quả này do mẹ Hà đi gom của bà con làng xóm, đều là những cây trong vườn.

Hà kể hai bên gia đình đang giục sinh em bé vì đã cưới nhau lâu rồi. Tuy vậy hai vợ chồng vẫn chưa dám sinh con do còn nhiều khó khăn phía trước.

Nhiều lúc nản lắm chị ơi, làm lâu mà không có tiền! Nhưng chồng tôi quyết tâm nên tôi cũng theo. Giờ bố mẹ tôi vẫn thỉnh thoảng nhắc chuyện bỏ rau mà đi xin việc làm”, Hà tâm sự.

Người viết bài này, sau đó, trở thành khách quen của Thành – Hà. Hàng tuần, Thành chở rau lên các quận Gò Vấp, quận 1, quận 3 để giao cho khách. Tiếc rằng sau đó, số lượt giao rau của cặp vợ chồng trẻ thưa dần rồi mất hẳn.

Bài học từ thất bại

Một ngày đầu năm 2019, khi thực hiện một bài viết về nông nghiệp, tôi liên lạc với Thành. “Tôi thất bại rồi chị ạ. Do tôi ôm quá nhiều mảng, chọn chiến lược sai và đối tượng khách hàng cũng sai”, Thành “chat” với tôi. Tôi nhớ câu nói của Hà trong cuộc gặp hồi tháng 6 năm ngoái: “Nản lắm chị ơi, bọn tôi cũng không biết trụ được đến khi nào…”.

Tôi mong muốn ai cũng được dùng sau sạch. Nhưng thực sự, chỉ có những người có tiền, có tri thức hoặc được tác động bởi truyền thông mới chọn rau tôi trồng. Tôi đã cố gắng giữ ổn định năng suất để có giá cạnh tranh với siêu thị trong khi vốn và thời gian lại không cho phép”, Thành tâm sự.

Tôi chia tay rau nhưng vẫn nhớ lắm. Thời gian tới tôi sẽ bắt đầu công việc khác”, Thành nói. Thành cho rằng trong thời gian làm rau, anh đã chiêm nghiệm ra nhiều điều và thực sự mong muốn các bạn trẻ khởi nghiệp về nông nghiệp cần phải trang bị kiến thức, vốn và cả khoa học kỹ thuật trước khi bắt tay thực hiện.

Chàng trai Hải Dương nói về những bài học tự rút ra từ bản thân:

Thứ nhất, khởi nghiệp nông nghiệp, nhất là các bạn trẻ, cần hiểu rõ rằng làm nông rất vất vả, cần sự bền bỉ, kiên trì.

Thứ hai, cần xác định rõ đối tượng khách hàng để có chiến lược kinh doanh cụ thể.

Thứ ba, tránh lao vào nghiên cứu cách trồng mà hãy học hỏi những người đi trước để có kiến thức cơ bản tốt nhất, nhằm tiết kiệm thời gian và tập trung vào mục tiêu chính. Đồng thời, phải biết ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật.

Ở đâu đó dọc đất nước, nhiều bạn trẻ đang ấp ủ các dự án nông nghiệp sạch để tận dụng lợi thế về nông sản của quê hương và đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người Việt. Và đâu đó, chắc hẳn nhiều bạn trẻ cũng gặp phải những vấn đề tương tự như Thành – Hà. Lần sau khởi nghiệp, Thành – Hà chắc chắn sẽ tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi

Bài học từ thất bại của một người khởi nghiệp
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here