Bài viết của anh Phùng Lê Lâm Hải (Co-Founder & Program Director tại MassS) đăng trong Group Quản trị và Khởi nghiệp bàn đến vấn đề tư duy thương hiệu rất đáng suy ngẫm.
80% chủ Doanh nghiệp ai cũng muốn làm thương hiệu cho đứa con của mình, nhưng cũng với con số đó, 80% ngay từ bản chất, khó có thể có một thương hiệu thành công, vì họ thiếu đi một tư duy thương hiệu đúng.
Thế nào là một tư duy thương hiệu đúng?
Làm thương hiệu đòi hỏi người chủ phải có siêu năng lực, sự chính trực. Bạn có đủ dũng cảm để bỏ (hoặc giảm bớt) giá trị một hợp đồng lớn chỉ để giữ gìn những giá trị cốt lõi của DN mình đã cam kết với khách hàng không? Bạn có sẵn sàng gọi điện cho khách hàng bảo rằng em nghĩ anh nên chọn giải pháp này (ít tiền hơn), nó hợp với anh và giải quyết được vấn đề của chính anh, nếu chọn giải pháp thứ 2, bên em biết anh sẽ không hài lòng khi tiếp nhận thành phẩm.
Bạn có sẵn sàng tỉ mẫn chắt chiu mọi thứ dù là nhỏ nhất cho đứa con của mình từ lúc sinh ra cho tới giai đoạn nó sẽ phát triển với tầm nhìn 5 – 10 năm nữa không? Dừng lại một chút, tôi nói này, bạn hãy suy nghĩ cho kĩ, có thể bây giờ câu trả lời sẽ là có, nhưng để duy trì một công việc lặp lại suốt một thời gian dài, tất cả chúng ta, ngay cả tôi và bạn, đều biết, đó không phải là công việc dễ dàng.
Người làm thương hiệu với người bán hàng luôn có tư duy trái lệch nhau, bán hàng có thể linh động sử dụng kĩ năng hay sự khéo léo trên bàn đám phán để chốt đơn hàng. Kiểu như việc nói ra 2 chữ chất lượng là việc của tôi, còn việc đảm bảo chất lượng thật sự là việc của… phòng ban khác. Người làm thương hiệu sẽ khác, họ phải đảm bảo và quản trị được chất lượng từ đầu vào cho tới sản phẩm đầu ra được đồng bộ, tỉ mĩ và dĩ nhiên, rất tốn công sức. Công việc này phải đồng bộ với tất cả các khâu và nhân sự trong bộ máy, kéo dài trong một thời gian cũng… không hề ngắn!
Có mấy ai thực sự bỏ được tư duy bán buôn nhất thời để đầu tư cho tầm nhìn dài hạn. Hay lại vài bữa, thôi dẹp tầm nhìn (Brand Vision), sứ mệnh (Brand Mission) đi, cứ nghĩ tới những điều lớn lao để làm gì, bụng nghĩ thây kệ, êm dạ dày hằng ngày là đủ…
Bạn có đủ tin tưởng hoàn toàn Người bắt tay làm thương hiệu cho bạn với định vị và chiến lược đã được thống nhất?
Hay vài bữa, bạn vẫn theo… “chủ nghĩa cá nhân” mà thay đổi, chỉ thích làm… theo ý mình? Tình trạng này tôi gặp không ít, kiểu như, đã mua một chú Ngao Tạng canh nhà, nhưng vẫn ngồi ngoài ngõ hẻm ngó nghiêng.
Người Việt chưa thực sự tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, nhập hàng tàu chạy FB ads, nhập hàng bán sỉ để làm giàu.
Thế có bao nhiêu người thực sự khởi nghiệp mang lại giá trị thực sự cho xã hội, hay tôi sẽ mang ngoại tệ về làm giàu đất nước, nó có nằm trong con số 10% còn lại không, hay ít hơn. Câu cửa miệng thường nghe sẽ là – Tôi chỉ làm giàu một giai đoạn thôi, sau khi có tiền tôi sẽ bắt đầu đầu tư làm thương hiệu nghiêm túc. Không được, một khi bạn đã kiếm được tiền và sống sung túc với nó, chẳng dễ dàng gì mà bạn quay lại và chịu tỉ mẫn, tỉ mĩ những chi tiết nhỏ nhặt nhất để làm thương hiệu đâu. Nó cũng giống với câu chuyện, tôi chỉ thử Cần Sa một tí thôi, phê một lần rồi tôi sẽ bỏ.
Thương hiệu ai cũng muốn xây, nhưng người có tư duy thương hiệu thật sự, thì không nhiều. Ai chịu bỏ đi một cục tiền kiếm ăn hằng ngày (ngắn hạn), để dành thời gian xây một doanh nghiệp bền vững từ cốt lõi (dài hạn)?
Nếu các bạn cho rằng con số 90% là hơi cao, bạn phản biện cũng được, nhưng cứ nhìn VN mãi không giàu, thì các bạn đủ biết vì sao luận điểm của tôi có lý. Bài viết cũng không có ý nói những công dân Việt Nam đang làm ăn chân chính với toàn bộ sức lực của mình ngày đêm là không đúng, họ là những người phi thường; chỉ là nếu chọn con đường làm thương hiệu, sự phát triển bền vững sẽ khó khăn và lâu… hơn, chỉ sợ ngựa chưa tới đích, vó ngựa đã méo mòn.
Bộ thiết kế nhận diện thương hiệu chỉ mới là phần xác của một thương hiệu, cái chính mà chúng ta cần quan tâm đó là phần hồn của DN, phần hồn của thương hiệu hay hình ảnh thương hiệu (Brand Image) sẽ được xây dựng và phát triển đúng hướng khi người chủ doanh nghiệp có một tư duy thương hiệu chuẩn ngay từ đầu. Nếu cá nhân chủ doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu thật sự nghiêm túc cho mình, hãy tư duy đúng, tư duy thương hiệu đúng tạo ra hành động đúng, hành động đúng tạo ra thói quen đúng, thói quen đúng tạo ra kết quả đúng, đó chính là (Brand Vision) có thể đạt được.
Không chỉ tư duy thương hiệu, trong bất kì cộng việc khác diễn ra song hành cùng với sự phát triển của mỗi cá nhân, tư duy đúng là nền tảng, và cũng chính là cốt lõi.