Bill Gates, Steve Jobs luôn có chiến thuật riêng trên bàn đàm phán và những thủ thuật thương lượng này vô cùng hiệu quả. Những “thuật” đàm phán này hoàn toàn có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày hoặc công việc của bạn. Hãy học hỏi ngay và luôn nhé.
1. “Tôi không có đủ thẩm quyền để quyết định, tôi sẽ hỏi ý kiến cấp trên trước khi trả lời nhé…”
Khi ngồi vào “bàn đàm phán”, đừng để đối phương biết bạn hoàn toàn có thể đưa ra quyết định cuối cùng. Hãy khiến họ nghĩ rằng tình hình còn phụ thuộc vào một đối tượng/bộ phận bên trên nữa. Điều này khiến đối phương đưa ra thêm những “món hời” cho bạn để đạt được thỏa thuận.
Nhưng quan trọng nhất đó là phương pháp này giúp bạn thêm thời gian để “về nhà” suy nghĩ, đắn đo, cân nhắc lại thật kỹ. Sau đó lỡ bạn “lật kèo” thì cũng không bị mang tiếng, vẫn giữ được mối quan hệ.
2. “… Quy định công ty…”
Bạn hãy thêm 4 từ này vào khi muốn từ chối một điều gì đó, ví dụ: “Xin lỗi, chị muốn giúp em lắm, nhưng quy định công ty không cho phép…”
4 từ thần kỳ này là một mẹo chuyển mũi trách nhiệm (cho phía công ty) và khiến bạn trông có vẻ bất lực, “ngây thơ” (dù là ngây thơ… vô số tội). Người nghe thường sẽ có xu hướng (đành) chấp nhận điều khoản này vì nghĩ đó là quy định rồi, không thể sửa đổi.
3. Đưa ra lời đề nghị theo ý muốn của bạn
Giả sử bạn và vợ đang chuẩn bị đi ăn tối, nhưng nàng cữ mãi “tóc tai quần áo trang điểm” hoài không xong. Trong trường hợp này đừng nói những câu đại loại như: “Mình đi chưa em?“, vì có thể câu trả lời sẽ mãi là “chưa anh!” đấy. Thay vào đó, hãy đưa ra câu hỏi cụ thể như hướng bạn mong muốn là: “Mấy giờ mình xuất phát em ơi?”. Lúc này, cô ấy sẽ đưa ra một thời gian cụ thể và tranh thủ nhanh tay để kịp giờ.
Bạn thấy chứ? Hãy đặt những câu hỏi lồng vào đó đáp án bạn mong muốn để ám thị đối phương.
Đây cũng là lý do bạn hay nhìn thấy những câu như “Tôi muốn đăng ký nhận email/ thông tin này” để click vào, thay vì câu hỏi “Bạn có muốn đăng ký nhận thông báo không? – Có/Không” khi đăng ký một dịch vụ nào đó trên mạng.
4. Luôn luôn từ chối lời đề nghị đầu tiên
Nhớ nhé! Dù bạn nghĩ lời đề nghị được đưa ra đã quá tuyệt rồi, nhưng đừng vội đồng ý ngay, vì chắc chắn đối phương sẽ còn những ưu đãi chưa “tung ra”.
Ví dụ bạn đang đàm phán mua gói tour du lịch, tiệc cho công ty, hãy đợi đến khi bên công ty du lịch đưa ra những gói bonus như: tặng thêm một ly rượu miễn phí cho mỗi người, check – in sớm, tặng thêm phòng… Kết quả cuối cùng là cả hai bên đều mãn nguyện vì hợp đồng đã được khí, đây chính là tình huống “mọi người cùng thắng”.
5. Đưa ra nhiều phương án “khác nhau” (nhấn mạnh: khác nhau trong ngoặc kép!)
Mọi người thường có xu hướng thích những câu hỏi có phương án lựa chọn, bạn hãy tận dụng điều này khi ngồi vào bàn đàm phán. Những phương án bạn đưa ra có thể toàn bộ đều có lợi cho bạn, hoặc dùng nhiều phương án để cho đối phương thấy sự so sánh, giúp họ đưa ra quyết định.
Ví dụ: Hè này tụi mình du lịch ở đâu trong 3 chỗ này, chọn đi: Thái Lan, Hồng Kông, Đài Bắc! (Cả ba chỗ đều là nơi bạn muốn đi)
Quý khách có thể lựa chọn thanh toán ngay hôm nay và được ưu đãi 10% hoặc để tháng sau thanh toán nhưng không được khuyến mãi nữa (Giúp đối phương có sự so sánh, quyết định)…
6. Đưa ra lời đề nghị giả
Đây là một thủ thuật rất phổ biến trong những cuộc đàm phán chuyên nghiệp. Ban đầu hãy đưa ra những yêu cầu, đề nghị không quan trọng, không cần thiết (hoặc hơi vô lý cũng được) như thể bạn thật sự muốn nó! Những yêu cầu này chắc hẳn sẽ bị đối phương từ chối. Lúc này mới là lúc bạn đưa ra yêu cầu thật sự của mình và nhận được gật đầu đồng ý.
Nếu bạn là Sếp của ai đó, hãy thử: “Anh muốn em hoàn thành bản báo cáo này ngay trưa nay… Sao? không được hả? Thôi, du di cho tới sáng mai đó, trước 10 giờ sáng nha em!”
Hoặc đi đặt tiệc ở nhà hàng: “Giá này OK đó anh, nhưng phải bao gồm luôn tráng miệng thêm và đố uống nhé! Ummm? không có đồ uống hả! Thôi cũng được đi, nhưng tráng miệng thêm đi nha anh!…”