Đối với ái nữ nhà Alphanam Nguyễn Ngọc Mỹ, cái khó của doanh nghiệp gia đình không phải là lửa, mà là truyền được lửa và giữ được lửa.
Xinh đẹp, dịu dàng như thiếu nữ tuổi xuân phơi phới, nhưng Nguyễn Ngọc Mỹ nhanh chóng nối nghiệp cha bước chân vào con đường kinh doanh đầy thách thức ngay sau khi du học nước ngoài trở về.
Nhận không biết bao lời khen có cánh, nhất là sau khi xây dựng và đưa khách sạn Four Points by Sheraton và khách sạn căn hộ nghỉ dưỡng Altara Suites đi vào hoạt động tại Đà Nẵng với tư cách là Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Foodinco, nhưng đối với Ngọc Mỹ, vẫn không có lời khen nào được nâng niu hơn lời khen “giống bố”.
“Để nhận được lời khen ấy sẽ là cả một sự phấn đấu, nỗ lực cả một đời để theo chân những con người vĩ đại”, Ngọc Mỹ tâm sự.
“Con người vĩ đại” mà Ngọc Mỹ trân quý không ai khác chính là cha cô, doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải – nhà sáng lập Alphanam gần 25 năm trước.
Sau khi rời quân ngũ, ông Hải cùng người bạn lập công ty Alphanam chuyên kinh doanh thiết bị cơ điện nhập khẩu. Thiết bị nhập từ Mỹ, Pháp có giá đắt gấp nhiều lần so với hàng Trung Quốc và Liên Xô, nhưng ông Hải tin vào “thị trường ngách”. Chỉ bốn năm sau khi lập công ty, ông Hải đã giành giải thưởng Sao Đỏ danh giá cho thế hệ doanh nhân trẻ trước khi Luật Doanh nghiệp ra đời và tạo bàn đạp cho doanh nghiệp tư nhân nở rộ và bứt phá. Alphanam cũng dần mở rộng sang sản xuất thang máy, sơn, rồi đầu tư tài chính.
Từ một công ty gia đình, Alphanam trở thành công ty đại chúng và niêm yết đúng thời điểm thị trường chứng khoán thăng hoa năm 2007. Có thời điểm, cổ phiếu Alphanam lên gần 100.000 đồng/cổ phiếu và đưa ông Hải trở thành một trong 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán với tổng tài sản trên 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2014, ông Hải bất ngờ quyết định huỷ niêm yết để quay trở lại mô hình công ty gia đình. Ông Hải lý giải, Alphanam lúc đó tập trung vào hoạt động đầu tư, trong đó mua lại các công ty thua lỗ để tái cấu trúc, nhưng càng mua nhiều thì khoản lỗ hợp nhất càng lớn, lên đến gần 150 tỷ đồng năm 2012 và 204 tỷ đồng năm 2013, gây ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của Alphanam. Việc huỷ bỏ niêm yết sẽ giúp Alphanam có thời gian “yên tĩnh” để đưa các công ty đã mua hoạt động hiệu quả hơn.
Sau khi huỷ niêm yết, cái tên Alphanam dần bị lãng quên. Nhưng chỉ sau bốn năm “ẩn mình”, Alphanam bất ngờ công bố báo cáo tài chính năm 2017 với khoản lợi nhuận sau thuế đột biến lên tới gần 445 tỷ đồng và doanh thu thuần tới 1.610 tỷ đồng.
Khoảng lặng sau khi huỷ niêm yết cũng là thời gian diễn ra những thay đổi cơ bản trong chiến lược Alphanam. Từ lâu ông Hải đã xác định ba trụ cột kinh doanh là công nghiệp, bất động sản và đầu tư tài chính, nhưng suốt một thời gian dài, Alphanam mới chỉ tập trung đầu tư tài chính và sản xuất công nghiệp. Chỉ đến khi huỷ niêm yết, Alphanam mới đầu tư mạnh vào bất động sản.
Quỹ đất do mua bán sáp nhập trước đây đủ để công ty triển khai vài dự án mỗi năm, trong đó dự án đầu tay là khách sạn Four Points by Sheraton Đà Nẵng và khách sạn căn hộ nghỉ dưỡng Altara Suites Đà Nẵng. Hiện tại, Alphanam đang phát triển thêm nhiều dự án bất động sản cao cấp tại nhiều địa phương trên cả nước. Alphanam còn hợp tác với những tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới là Marriott International và InterContinental Hotels Group phát triển các dự án khách sạn quốc tế tại nhiều “thiên đường du lịch” tiềm năng của Việt Nam.
Và thời gian chuyển từ đầu tư tài chính sang bất động sản cũng là quá trình ông Hải chuyển giao quyền lực cho con trai cả Nguyễn Minh Nhật và con gái Nguyễn Ngọc Mỹ.
Như Ngọc Mỹ chia sẻ: “Bố từng tâm sự với chúng tôi rằng thành công lớn nhất của đời bố là đã định hướng, đào tạo cho hai con nối nghiệp”.
Hai anh em từng bước tham gia sâu hơn vào quá trình điều hành kinh doanh và tạo diện mạo mới cho tập đoàn trong khi ông Hải chủ yếu giữ vai trò cố vấn. Theo lộ trình được ông Hải vạch ra thì đến năm 2021 ông sẽ về hưu và chuyển giao toàn bộ việc kinh doanh cho con mình.
Công thức chuyển giao quyền lực
Không chỉ ở Alphanam mà dường như ở rất nhiều doanh nghiệp gia đình đang trải qua một thế hệ chuyển giao. Như ở Tập đoàn Tân Hiệp Phát là ông Trần Quí Thanh và cô con gái Trần Uyên Phương hay ở gốm sứ Minh Long là ông Lý Ngọc Minh và con trai Lý Huy Sáng. Tuy nhiên, không có một công thức chung nào cho việc chuyển giao, mà như Ngọc Mỹ mô tả là có rất nhiều thứ “lần đầu tiên” dành cho lãnh đạo của cả hai thế hệ.
Có những người để con bươn chải từ những công việc nhỏ nhất, nhưng cũng có bậc cha mẹ ngay lập tức dành cho con cái những vị trí quan trọng trong công ty ngay sau khi du học nước ngoài trở về. Và dù có thể được học hành nhiều hơn bố mẹ, tiếp thu được học vấn nước ngoài, nhưng không điểm chung của họ là vẫn phải nỗ lực, học cách thích nghi với môi trường kinh doanh đầy thử thách.
Sau những bước đi tự thân ban đầu, ông Hải cho hai con làm những công việc mới để tiếp tục đào tạo kỹ năng, hoàn thiện kiến thức quan trọng trong kinh doanh. Là con một người thành đạt, sinh ra mang trong mình một DNA đầy bản lĩnh, hai người con của ông cũng tự rút ra nhiều bài học từ những vấp ngã cho quá trình phát triển sự nghiệp về sau.
Có lẽ hiếm của thế hệ F1 nào tính toán từng khối lượng công việc chuyển giao cho thế hệ F2 như ông Hải. Mỗi năm, ông lại ước tính đã chuyển giao được bao nhiêu công việc và đến nay, lộ trình 5 năm của ông Hải với những tính toán kỹ lưỡng về cơ bản đã gần hoàn thành, từng đầu việc được chuyển giao cụ thể với hơn 80% công việc của Alphanam hiện do Ngọc Mỹ và Minh Nhật đảm nhiệm.
Minh Nhật hiện là Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Alphanam phụ trách hạng mục chốt thầu, thi công và tài chính; trong khi Ngọc Mỹ là người phụ trách các hoạt động đối ngoại, marketing… của tập đoàn, đồng thời giữ vai trò Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Foodinco, đảm nhận việc phát triển, thiết kế và vận hành các dự án bất động sản.
Là hai anh em trong gia đình, Minh Nhật và Ngọc Mỹ có được sự phối hợp rất ăn ý. Mỗi người có một điểm mạnh riêng và bổ trợ cho nhau. Trong khi đó, ông Hải đi song song để quan sát và tham gia góp ý khi họ gặp vấn đề vượt quá khả năng, và buông dần để hai con tự chạy.
Từ góc độ của thế hệ kế nghiệp, Ngọc Mỹ nhìn nhận gen, đào tạo và ý chí là ba yếu tố mang tính quyết định đối với quá trình chuyển giao thế hệ ở Alphanam.
Gen kinh doanh
Sinh ra trong một gia đình làm kinh doanh, lớn lên được kế thừa truyền thống, tài sản, thương hiệu và các mối quan hệ của gia đình là những điều kiện thuận lợi để hai anh em phát triển. Ngọc Mỹ chia sẻ, cô và anh trai may mắn lớn lên trong môi trường đề cao giá trị của lao động nên đã sớm mong muốn một ngày nào đó được san sẻ ước mơ xây dựng Alphanam trở thành một tập đoàn mạnh mẽ cùng bố mẹ.
Đối với cô, kinh doanh có lẽ là “gen di truyền” trong gia đình. Năm 20 tuổi, Ngọc Mỹ tham gia thành lập một công ty tư vấn thiết kế kiến trúc mang tên S-Design và từng bước hiểu thêm về ngành thiết kế, xây dựng, bất động sản – ngành nghề mũi nhọn của Alphanam ở thời điểm hiện tại.
“Đây là một lĩnh vực khó, nhưng càng làm việc và hiểu sâu, tôi càng đam mê và mong muốn trau dồi kiến thức cho công việc”, ái nữ Alphanam cho biết.
Nhưng đâu phải ai may mắn có được điều đó cũng kế nghiệp gia đình khi không ít doanh nhân Việt đã đến tuổi xế chiều vẫn còn đau đầu giải bài toán chuyển giao thế hệ bởi con cái không có đam mê và nhiều khi không đủ khả năng.
Đào tạo và định hướng sớm
Là thế hệ kế nghiệp, Ngọc Mỹ tin rằng những giá trị cốt lõi được thế hệ F1 gây dựng và duy trì từ những ngày đầu thành lập sẽ chắp cánh cho công ty phát triển bền vững, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Cô và anh trai còn được thế hệ đi trước nhận định đúng những điểm mạnh của mỗi người, hỗ trợ vạch ra lộ trình phát triển bài bản, từng bước hoàn thiện các kỹ năng nhằm chuẩn bị cho tương lai.
Nhiều ý kiến của bố con cô không trùng nhau nhưng cả ba người đều nhận thức rõ về điểm mạnh và điểm yếu của đối phương cũng như tính chất của mỗi cương vị để đạt được sự đồng thuận.
“Đến giờ, khi đã trưởng thành, tôi mới thấm thía rằng sự đào tạo mà bố dành cho chúng tôi đã diễn ra một cách âm thầm, bài bản ngay từ khi chúng tôi còn nhỏ”, Ngọc Mỹ chia sẻ.
Hơn 10 năm trước, nhà sáng lập Alphanam đã lên kế hoạch và tính toán cẩn trọng cho quá trình kế nghiệp. Hai người con của ông dù vẫn đang ở độ tuổi đi học nhưng đã được đồng hành cùng bố trong những chuyến công tác xa, gặp gỡ đối tác, thăm nhà máy và tìm hiểu thị trường.
Ngọc Mỹ và anh trai được bố khuyến khích đi du học từ rất sớm, cho trải nghiệm ở nhiều trường khác nhau, thậm chí ở những vùng hẻo lánh để rèn luyện tính tự lập và khả năng thích nghi, để đến khi thích nghi được nhanh nhất cũng là lúc họ đã trưởng thành.
Rèn luyện ý chí và bản lĩnh có lẽ là những hành trang quan trọng mà ông bố “khó tính” chuẩn bị cho hai con của mình. Khi trở về nước để tham gia phát triển sự nghiệp của gia đình, họ được rèn giũa từ những công việc cụ thể và khó khăn.
Như khi mới về nước, Minh Nhật đã được bố giao cho làm ở nhà máy sơn Kansai, phải đi xe buýt của nhà máy đi làm trong suốt một thời gian dài, cuối tuần nào cũng lăn lộn đi phát triển mạng lưới phân phối sơn khắp các tỉnh thành.
Khi đã trưởng thành, bôn ba đây đó và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, hai người con của nhà sáng lập Alphanam vẫn thừa hưởng những đức tính của bố là đam mê, khiêm tốn trong công việc và cuộc sống, không ngừng học hỏi để có thể vững vàng chèo lái con thuyền sự nghiệp gia đình sau này.
Việc kế thừa diễn ra một cách tự nhiên, chưa bao giờ thế hệ sau bị giao hay áp đặt trách nhiệm nhưng từ bé, hai chữ “kế nghiệp” đã dần ăn sâu vào tâm thức của Ngọc Mỹ và anh trai để rồi họ lớn lên, nỗ lực trau dồi khả năng và vun đắp kinh nghiệm.
Đến giờ, khi đã trưởng thành, tôi mới thấm thía rằng sự đào tạo mà bố dành cho chúng tôi đã diễn ra một cách âm thầm, bài bản ngay từ khi chúng tôi còn nhỏ.
Niềm tin tạo ý chí
Nhiều người vẫn tưởng rằng ở Alphanam, ông Hải là thế hệ F1, Nhật và Mỹ là F2 thế nhưng trên thực tế, doanh nghiệp này hiện có tới ba thế hệ với sự phân quyền rõ rệt.
F1 là thế hệ 6x sáng lập nên công ty như ông Hải, F2 là lứa 7x mà ông Hải đã dày công xây dựng từ ngày xưa, có những sinh viên từ lúc ra trường đến nay là người của Alphanam, giữ các chức vụ chủ chốt. Alphanam luôn coi nhân lực là tài sản quý giá nhất, công tác đào tạo các lớp lãnh đạo kế cận và giữ chân người tài được thực hiện rất tốt. Có những người gia nhập công ty từ lúc thành lập và hiện vẫn làm việc cho Alphanam.
Còn thế hệ F3, trong đó có Minh Nhật và Ngọc Mỹ thuộc thế hệ 8x, 9x được ông Hải kỳ vọng sẽ là luồng gió mới và chính là tương lai của Tập đoàn.
Kế thừa một sự nghiệp đồ sộ hàng nghìn tỷ đồng với hàng nghìn nhân sự, gánh nặng trên đôi vai anh em Ngọc Mỹ nói riêng và những thế hệ kế nghiệp trong các doanh nghiệp gia đình nói chung cũng ngày càng trở nên nặng nề và không ít áp lực.
Khi tham gia vào công việc kinh doanh của bố, Ngọc Mỹ nhấn mạnh yếu tố “người trong cuộc”. Nhiều người vẫn nhắc đến hai chữ trao quyền khi chuyển giao thế hệ song cô cho rằng đó là sự trao gửi niềm tin bởi niềm tin chính là cầu nối giữa các thế hệ, để được thế hệ cha chú chia sẻ một cách cởi mở không chỉ chiến thắng mà còn là những khó khăn.
Nhờ vậy, cả ba thế hệ này phối hợp với nhau rất nhịp nhàng. Dù là công ty gia đình nhưng họ lại xem đó là đại gia đình của hàng nghìn người lao động. Cách đây khoảng một tháng, hội nghị chiến lược của Alphanam năm 2019 đã được tổ chức để chuẩn bị cho 1/4 thế kỷ sắp tới bởi năm sau Alphanam sẽ tròn 25 tuổi và cũng là thời điểm cần chuẩn bị để bước sang một trang mới. Thành phần tham dự hội nghị không chỉ có ban lãnh đạo chủ chốt mà có cả các cấp trưởng phòng, trưởng ban đại diện, thế hệ của nhân viên trải rộng từ tuổi đời 5x đến 9x.
“Buổi chia sẻ rất cởi mở, bàn về việc chúng tôi sẽ làm gì trong 20 năm tới, từng thành viên sẽ đóng vai trò như thế nào. Câu hỏi đặt ra không chỉ cho thế hệ kế nghiệp mà còn cho toàn bộ nhân viên”, ái nữ Alphanam kể lại.
Nhờ công thức tình yêu và lòng tin, từng nhân viên trong công ty này được đối xử như thành viên trong gia đình, được thể hiện sự tôn trọng và yêu thương như văn hoá cư xử thân thiện và gần gũi của người Việt với cách xưng hô vô cùng gia đình khi gọi nhau là cô, chú, bác.
Ngọc Mỹ cho biết: “Văn hóa gia đình vẫn được Alphanam duy trì trong gần 1/4 thế kỷ qua. Đối với những người từng làm việc cho bố tôi từ những ngày đầu của Alphanam, tôi vẫn xưng hô với họ như những người bác, người chú và tôn trọng họ như người thân trong gia đình”.
Cô cho rằng, kinh nghiệm của thế hệ đi trước là vô giá và việc lắng nghe những kinh nghiệm ấy chính là cơ sở để cô có những cân nhắc, lựa chọn trước khi đưa ra quyết định một cách đúng đắn nhất. Hai thế hệ tôn trọng, học hỏi và bổ sung cho nhau.
“Ở Alphanam, trong các cuộc họp, những câu như “sếp Nhật cho bác báo cáo việc này”, hay “sếp Mỹ quyết định việc kia nhé” đã trở thành điều rất bình thường, tạo nên một thứ văn hoá đặc biệt của Alphanam, đó là văn hoá gia đình”, Ngọc Mỹ chia sẻ.
Đó cũng là cách để thế hệ F2 như cô khi kế nghiệp có thể dung hoà được các mối quan hệ, để vừa được tôn trọng với tư cách là lãnh đạo và vừa được yêu thương, quý mến như con cháu trong nhà. Đó cũng là cách để cô và anh trai gia đình hoá công ty, để giữ được những văn hoá mà bậc cha chú xây dựng hàng chục năm từ đó tích hợp với những thứ mới, mang hơi thở thời đại.
Niềm tin ở Alphanam còn là sự tin tưởng vào thế hệ F1 sẽ làm những gì tốt nhất để có thể giữ được nền tảng mà họ đã xây dựng, là niềm tin vào thế hệ kế nghiệp có tình yêu với người đi trước và mong muốn làm những điều tốt nhất để giữ gìn và phát triển di sản.
Ý chí của thế hệ kế thừa cũng từ đó được hình thành nên bởi cô cho rằng: “Thế hệ kế nghiệp chỉ có ý chí khi họ có niềm tin là họ có thể thay đổi nó”.
Theo Ngọc Mỹ, thế hệ kế cận cần thực sự có một ghế trong việc vận hành doanh nghiệp. Họ phải được lắng nghe, chia sẻ để ý chí và mong mỏi của mình được đẩy mạnh thay vì chỉ nghe những lời như “không có thế hệ F1 thì thế hệ kế nghiệp có thể làm gì”.
“Chúng ta hãy ít hỏi về những áp lực, thách thức mà hãy hỏi xem có những chuyện gì cần bàn, có những sứ mệnh gì mà thế hệ thứ hai mong muốn làm được”, Ngọc Mỹ nhìn nhận.
Cô cho rằng ít ai thấu hiểu những gánh nặng của các bạn trẻ đang bước trên đôi chân của mình, trên một con đường lớn đầy xe cộ với vô vàn thách thức và trách nhiệm. Họ mang trên vai không chỉ cái danh xưng của mình, mà còn là mồ hôi nước mắt của cả một thế hệ đi trước, hàng ngàn con người đã ngày đêm xây dựng nên một cái tên.
Mỹ nhìn nhận: “Chúng ta quên mất rằng ngoài việc dẫn dắt những con người trẻ, họ còn phải hài hoà giữa nhiều thế hệ, nhiều hệ thống, đa bản sắc. Nhiệm vụ kiến tạo nên một tương lai mới luôn đi kèm nhiệm vụ bảo vệ và duy trì những nền tảng vốn có. Kiến trúc sư nào cũng biết, thiết kế một dự án có những khu vực bảo tồn có những thách thức nhất định so với việc thiết kế một dự án mới, và mỗi quyết định đưa ra đều có ảnh hưởng mật thiết đến lịch sử”.
Sự tự hào về thế hệ trước chắc chắn rất lớn nhưng ở Alphanam, tư duy của thế hệ F2 không bị lu mờ sau cái bóng của nhà sáng lập, họ được khuyến khích và tự nhận thức tầm quan trọng của việc được là chính mình.
Như khi trao chức danh tổng giám đốc cho các con mình, ông Hải vẫn luôn rất khách quan, không thể hiện chính kiến, chỉ báo cáo, còn quyền quyết định về chiến lược, nhân sự cao cấp thì tuyệt đối thuộc về tổng giám đốc đương nhiệm.
Năm 2014, chính Minh Nhật là người quyết định thành lập Alphanam Food với ba lĩnh vực: chuỗi siêu thị thực phẩm, chuỗi phân phối rượu, bia, nước giải khát và chuỗi nhà hàng trong khi Mỹ là người xây dựng thương hiệu cho 79 Market, 79 Wine & Spirits và nhà hàng 1915 Indochine.
Ngọc Mỹ nhìn nhận, cái khó của doanh nghiệp gia đình không phải là lửa, mà là truyền và giữ được lửa.
Tuy nhiên, Ngọc Mỹ cho biết: “Tôi ít khi đặt áp lực phải khác thế hệ đi trước, vì có lẽ để hiểu, song hành, tiếp nối được đã là cả một chặng đường. Alphanam là một công ty không ngại thay đổi để đón nhận sự tham gia của thế hệ trẻ, chủ động trao quyền cho thế hệ F2 hướng tới một tương lai bền vững cho mô hình doanh nghiệp gia đình.”