Bài viết của chị Trân Lê đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.
Sáng nay ngồi ăn sáng trong một tiệm hủ tíu cá tồn tài vài chục năm ở Sài Gòn, nhìn xung quanh cung cách phục vụ, những thực khách đến ăn, những người đứng nấu, hay cô chủ ngồi gắp cá… bất giác cảm nhận thật sâu sắc cái gọi là Văn hoá kinh doanh và Khách hàng trung thành.
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn và cơ duyên tiếp xúc những nơi thế này từ bé và có vài nơi là cả từ khi ba mình còn bé chứ không chỉ là mình. Sài Gòn có một số nơi như thế trong một số ngành nghề.
Giữa văn hoá nhẹ nhàng phục vụ ân cần thì miến chửi vẫn xuất hiên, tồn tại và thu hút một lượng khách đông đảo ổn định, họ được giáo dục và quen dần với tiếng chửi, nhưng hơn hết là họ buộc phải quen vì họ không tìm thấy món lưỡi vịt hay chân gà nướng ở đâu ngon hơn thế.
Ngày nay ai cũng thích phục vụ trẻ nhiệt tình nhanh nhẹn thế nhưng bạn cứ thử đến tiệm hủ tíu cá Nam Lợi, tiệm phở Minh trong hẻm nhỏ Pasteur hay nhà hàng Thiên Nam góc Hàm Nghi vào ăn thử, bạn sẽ ngạc nhiên vì người phục vụ ở đây họ rất già, không bao giờ nở nụ cười, bạn không được hối ngay cả order, tới phiên sẽ có người hỏi, và chỗ chỉ có nhiêu bạn muốn ăn thì tự chia sẻ chỗ ngồi kiểu Grab share ngày nay có khi đi gia đình 3 người phải ngồi 3 bàn khác nhau, nhưng sao người ta vẫn chấp nhận và thường xuyên đến ăn.
Vì họ là những đứa trẻ đã được cho làm quen khẩu vị nước dùng không bột ngọt nấu từ gà và xương xay nhuyễn, tô phở hay cái chén thì đúng hơn vì nó chút xíu nhưng bạn vẫn no vì nước lèo không bột ngọt, thanh đến mức bạn sẽ húp không còn giọt nào, hay món bồ câu quay tuyệt đỉnh, đặc biệt gà nhồi cơm bạn không tìm thấy nơi khác.
Thế đấy và còn nhiều nơi khác, các nơi mà họ tồn tại cùng với Văn hoá Kinh doanh mà họ giáo dục khách hàng khi đến là chấp nhận cung cách ấy để nhận được một thứ giá trị lớn hơn chính là một món ăn một khẩu vị bạn ăn một lần không thể quên sẽ muốn ăn lại và không bao giờ tìm thấy nét tương tự ở nơi khác.
Cũng chính lẽ đó mà mấy chục năm lại ăn bạn sẽ gặp lại những con người đó từ lúc họ nhỏ rồi họ lớn họ đưa bạn bè, gia đình, con cái… họ đến ăn. Cứ thế kinh doanh nằm đó và ổn định với một lượng Khách hàng không chỉ trung thành mà còn trở thành đội ngũ marketing vô cùng hiệu quả. Họ kinh doanh mà không lo ngày nào là 30 vì họ biết trước doanh số mỗi tháng nó đều đặn đi qua năm này tháng khác. Với mình đó là sự tự do của kinh doanh.
Bạn sẽ rất tự do nếu Kinh doanh của bạn sở hữu một lượng Khách hàng trung thành đều đặn sử dụng dịch vụ của bạn hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quí vượt hơn mức chi phí cố định thì còn gì tuyệt vời hơn đúng không bạn nhỉ.
Mình nhìn, ngẫm và học hỏi cho mình vài điều chia sẻ cùng mọi người :
– Bạn không cần giống ai, không cần theo khuôn khổ nào, nếu tự tin vào chất lượng sản phẩm dịch vụ của bạn là khác biệt hãy kiên trì, giáo dục cho khách quen với điều đó họ sẽ không bao giờ rời bỏ bạn.
– Khi đã có tầm nhìn này rồi bạn sẽ hiểu và tin một điều không phải tất cả người ngoài kia đều trở thành khách hàng của bạn, người không thích tiếng chửi sẽ không ăn miếng chửi, người không cảm được cái lí do thì họ sẽ không chấp nhận cung cách của những nơi kiểu Nam lợi, nên chỉ một số nào đó họ sẽ thích và ghiền dịch vụ bạn thôi!
– Đấy cũng là nhóm ideal customer, phân khúc khách hàng sẽ là raving fan của bạn, họ sẽ chính là tài sản là điều giúp cho doanh nghiệp bạn tự do khi số lượng này vượt ngưỡng cố định hàng tháng bạn đưa ra.
– Luôn xác định tầm nhìn vài mươi năm cho kinh doanh cho dòng sản phẩm bạn đưa ra, nếu câu hỏi 50 năm sau người ta có còn cần điều này không? Nếu câu trả lời không thì ráng nhanh nhanh lướt sóng còn lại nếu có hãy tạo nên một Văn hoá kinh doanh của riêng bạn và đều đặn mỗi ngày duy trì và hoàn thiện nó.