Edtech (công nghệ giáo dục) đang trở thành nhu cầu tiềm năng, mang lại lợi ích tập trung vào bối cảnh lớn hơn và cá nhân hóa cho cả người học và giáo viên.
Vì lý do đó, Edtech startup đang nổi lên như lĩnh vực khởi nghiệp mới được nhiều người Việt hưởng ứng và bước đầu gặt hái được thành công trên thế giới.
Dưới đây là 4 Edtech startup Việt đang được thế giới chú ý.
1. Monkey Junior
Giành chiến thắng trong cuộc thi Sáng kiến Toàn cầu 2016 (GIST Tech-I 2016) tổ chức tại Mỹ sau khi vượt qua hơn 1.000 đối thủ đến từ 104 quốc gia trên thế giới, Monkey Junior đang làm nức lòng cộng đồng startup Việt nói chung, Edtech startup nói riêng.
Ứng dụng Monkey Junior của Đào Xuân Hoàng đã có mặt trên App Store, Google Play và Amazon với lượng người dùng đông đảo đến từ Mỹ (chiếm 43%), Việt Nam (10-20%), Canada, Pháp… Dù hướng đến mục tiêu dạy ngoại ngữ, nhưng điểm tạo nên sự khác biệt cho Monkey Junior là nội dung giảng dạy hướng đến trẻ em, nhất là trẻ dưới 6 tuổi.
Ngoài tiếng Anh, Monkey Junior còn ứng dụng trong giảng dạy của nhiều ngôn ngữ khác. Phiên bản tiếng Việt đã ra mắt trong tháng 6, còn phiên bản tiếng Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc sẽ được hoàn thiện trong năm 2016.
Chia sẻ về hướng đi của ứng dụng Monkey Junior, anh Đào Xuân Hoàng cho biết: “Monkey Junior đang được mở rộng cả về chiều sâu lẫn chiều rộng bằng việc ra mắt thêm các ngôn ngữ như tiếng Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Trung và các nền tảng trên máy tính để bàn, laptop. Trong từng ngôn ngữ, Monkey Junior sẽ bổ sung thêm các câu truyện, video ca nhạc…. để làm phong phú thêm chương trình.
2. Phần mềm dạy tiếng Anh Elsa
Đây là ứng dụng luyện nói tiếng Anh trên thiết bị di động chạy Android, iOS được sáng lập bởi Văn Đinh Hồng Vũ (CEO, 33 tuổi) và Ngô Thùy Ngọc Tú (29 tuổi) cùng Tiến sĩ Xavier Anguera (Tây Ban Nha) đảm nhận vị trí giám đốc kỹ thuật (CTO). Phần mềm luyện nói tiếng Anh này đã giành giải Nhất Cuộc thi SXSWedu được tổ chức ở Mỹ năm 2016.
Ý tưởng ra đời Elsa xuất phát từ việc Đinh Hồng Vũ và Ngô Thùy Ngọc Tú nhận thấy người Việt phát âm tiếng Anh không chuẩn, ảnh hưởng đến quá trình thăng tiến và gặp khó khăn trong việc được đãi ngộ khi làm việc ở nước ngoài.
Phần mềm dạy tiếng Anh Elsa đã ra đời năm 2015 nhằm sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói để hỗ trợ người dùng phát âm đúng chuẩn hơn. Theo đó, Elsa sẽ đánh giá, phân tích, nhận diện giọng nói để chỉ ra những từ phát âm chưa đúng với cách nói của người Anh bản xứ thông qua trò chơi phát âm, đọc các đoạn hội thoại với các chủ đề tình yêu, công việc, du lịch… của hơn 30 trò chơi, sử dụng 3.000 từ thông dụng.
Không chỉ sử dụng kỹ thuật hiện đại, Elsa còn được Paul Merier – chuyên gia huấn luyện giọng nói của Hollywood và lồng tiếng cho các đoạn quảng cáo của thương hiệu lớn – tư vấn.
Khi mới ra đời, ứng dụng chỉ nhằm phục vụ cho người Việt, nhất là người Việt tại Mỹ. Nhưng đến nay, Elsa đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu học tiếng Anh của 1,5 tỷ người dùng ở nhiều quốc gia ở Đông Âu, nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc…
3. Ứng dụng giáo dục hỏi đáp GotIt!
Ứng dụng giáo dục hỏi đáp trên nền tảng di động GotIt! của Tiến sĩ Trần Việt Hùng tại Silicone Valley đã thiết lập dấu mốc quan trọng khi đứng ở vị trí thứ 2 về lượng người tải trên App Store của Apple. Tuy nhiên, do iTunes U là ứng dụng của Apple, nên GotIt! xếp số 1 trong tất cả ứng dụng khác không phải của Apple trong lĩnh vực giáo dục.
GotIt! hiện có hơn 2 triệu bài giảng mini dành cho học sinh, sinh viên. Ngoài bản dành cho iOS, GotIt! cũng được phát triển phiên bản ứng dụng dành cho hệ điều hành Android và đã lọt TOP 25 ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục trên Google Play.
Ngoài tập trung phát triển tại Bắc Mỹ và châu Âu, Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng. Hiện tại, 50 sinh viên tại Việt Nam đang tham gia quá trình thử nghiệm của ứng dụng này. Tuy nhiên, tiếng Anh vẫn đang là rào cản lớn nhất. Ngoài ra cần điều chỉnh một số điểm về cách giảng bài cho phù hợp với người dùng Mỹ và châu Âu.
4. Code4Startup
Code4Startup là website đào tạo trực tuyến được thành lập vào tháng 3/2015 với người sáng lập là Leo Triệu (Triệu Quang Anh).
Dù dạy về lập trình không mới, nhưng điểm khác biệt cơ bản của Code4Startup là không dạy lý thuyết mà đi thẳng vào thực hành bằng cách hướng dẫn người học xây dựng ứng dụng thực tế. Vì thế, Code4Startup đã gọi vốn thành công trên KickStarter với số tiền lên đến 25 nghìn AUD (tương đương 20 nghìn USD).
Khi đăng ký là thành viên của các khóa PRO (các khóa học trả phí), học viên được hỗ trợ và trả lời các câu hỏi liên quan cũng như khó khăn, thắc mắc trong bài học với giảng viên qua kênh thảo luận ở từng video. Các khóa học không quá dài (dài nhất chỉ có 9 giờ), được chia nhỏ thành các nhiệm vụ, giúp người học có cảm giác đang tham gia vào dự án xây dựng ứng dụng. Điểm nổi bật của các khóa học là tính ứng dụng thực tiễn rất cao. Người học có thể dùng mã nguồn của khóa học này để xây dựng các sản phẩm cho ý tưởng về startup của họ.
Hiện tại, Code4Startup vẫn đang ở giai đoạn “early stage”, nhưng đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dùng nước ngoài. Leo Triệu đang có kế hoạch đem các dự án về lập trình về Việt Nam và nội địa hóa để phù hợp hơn với nhu cầu của người Việt.