Ánh sáng và điện từ lâu đã trở thành yếu tố không thể thiếu của nền văn minh nhưng nhiều người dân ở các nước đang phát triển lại sống trong bóng tối, thậm chí phải chịu “thiên tai địch họa” từ thiên nhiên luôn rình rập đe dọa.
Tại những vùng khó khăn đó, họ thường dùng đèn dầu bởi giá rẻ và dễ kiếm nhưng nó lại cực kỳ độc hại, gây ra nguy cơ cháy và đòi hỏi phải tiếp nhiên liệu thường xuyên. Chính vì vậy, nhu cầu tìm được thứ ánh sáng thuận tiện và an toàn sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người trải qua thiên tai địch họa.
Năm 2010, Anna Stork và Andrea Sreshta ngồi cùng nhau trong một xưởng thiết kế ở Đại học Columbia. Đây là nơi mà mỗi sinh viên bắt tay vào hoàn thành một dự án luận án. Thay vì nghĩ đến những công trình độc đáo, hoành tráng cho luận án sắp tới, họ trăn trở suy nghĩ về trận động đất đã tàn phá Haiti vài ngày trước đó.
Với suy nghĩ phải làm gì đó giúp đỡ những con người khó khăn, Stork và Sreshta đã quyết định hợp tác, chia sẻ thử nghiệm với năng lượng mặt trời và muốn làm một dự án có thể giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa tự nhiên.
Trong vài tháng, họ dùng vật liệu tái chế, mua thêm một số linh kiện từ Amazon.com và Radio Shack, làm nên một nguyên mẫu đèn có thể bơm hơi, trông na ná túi sưởi trong suốt, chạy bằng pin sạc và năng lượng mặt trời.
Thường thì các sinh viên chỉ coi đây như một bài thi cần phải làm, và xong thì… quên. Họ ít khi phát triển thêm. Nhưng hai cô gái này đệ đơn xin cấp bằng sáng chế, và thành lập nên công ty gọi là LuminAid.
Từ một bài tập nhà trường, Anna Stork và Andrea Sreshta đã phát triển thành một doanh nghiệp, không chỉ có lợi nhuận mà còn giúp đỡ được các nạn nhân thảm họa trong thời khắc đen tối nhất cuộc đời họ.
Chiếc đèn túi có thể thắp sáng 16 tiếng liên tục sau vài tiếng sạc đầy từ mặt trời này có thể được bơm căng thông qua một van nhỏ như van xe đạp, khi xẹp xuống, nó còn mỏng hơn cả một bộ bài, tức là nó chiếm không gian ít hơn nhiều so với đèn pin cỡ nhỏ.
Được làm bằng nhựa không thấm nước và không độc hại, nó có thể nổi trong môi trường nước. Một ưu điểm nữa là nó khuếch tán ánh sáng như một chiếc đèn lồng, do đó, bảo vệ mắt khỏi ánh sáng chói của đèn LED. Nó rất thích hợp cho những khi đi du lịch ngoài trời, như cắm trại, leo núi, thám hiểm rừng, nhưng mục tiêu đầu tiên khi Stork và Sreshta làm ra nó vẫn là vì các nạn nhân phải chịu các thảm họa tự nhiên.
Khi mới xuất hiện, Stork và Sreshta lên Indiegogo để gọi vốn cộng đồng sản xuất ra đèn. Họ không mong đợi có thể tìm được thị trường ngay, nhưng họ đã thành công.
“Chúng tôi thu hút được một lượng tiền gấp 5 lần dự kiến, chúng tôi có khách hàng, cũng nhiều hơn dự kiến”, Sreshta nói.
Được đầu tư từ nhiều nơi, trong đó có cả Mark Cuban và Toyota, doanh số bán hàng LuminAid tăng từ 1 triệu USD năm 2014 lên 2 triệu USD năm 2015. Ngoài ra, hơn 50.000 đèn đã đến các vùng bị thiên tai ở 70 quốc gia, bao gồm cả các nạn nhân của thảm họa bão Sandy năm 2012, bãi Haiyan 2013 và động đất Nepal 2015.
Trong 5 năm qua, Stork và Sreshta đã phát triển kinh doanh một cách chậm rãi, mở rộng sản phẩm sang các dòng khác mang lại khả năng cung cấp ánh sáng lớn hơn, như PackLite 16 có thể cung cấp 30 giờ chiếu sáng liên tục sau khi sạc pin 7 tiếng. Họ cũng phát triển mối quan hệ với nhiều tổ chức phi chính phủ để phân phối đèn trong khi tiếp tục bán hàng trực tuyến. Sự thành công và mục tiêu xã hội của LuminAid đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.