Nếu không có gì thay đổi, kể từ ngày 1/7/2016, các doanh nghiệp kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy sẽ phải đáp ứng hàng loạt điều kiện kinh doanh mới. Nhiều quy định về các điều kiện cụ thể, chi tiết đến mức “vô lý” khiến các doanh nghiệp than trời.
Với doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm, điều kiện về cơ sở vật chất được quy định là có diện tích mặt bằng phù hợp với quy mô sản xuất; có kho chứa phù hợp để bảo đảm việc kiểm soát chất lượng của vật tư.
Về thiết bị sản xuất, doanh nghiệp phải có đủ thiết bị ép vỏ mũ, ép lớp hấp thụ xung động (mút xốp), thiết bị dập đinh tán và các công cụ khác… Các doanh nghiệp này còn phải có hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu của mình hoặc đồng sở hữu, hoặc có giao kèo tiêu thụ sản phẩm bằng hợp đồng kinh tế… Các đại lý, cửa hàng này còn phải có địa chỉ rõ ràng, có biển hiệu treo ở vị trí dễ quan sát…
Thậm chí, với quy định về biển hiệu của cửa hàng phải ghi rõ “đại lý/cửa hàng bán mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”…
Không chỉ Doanh nghiệp chịu tác động ảnh hưởng mà theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM thậm chí đã tính tới chồng hồ sơ mà doanh nghiệp khắp cả nước sẽ phải gồng gánh về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để xin đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm.
Các doanh nghiệp sẽ phải mất cả tháng, đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính này, cho dù các quy định trong dự thảo đều tính là ngày.
Nếu dự thảo này được ban hành, cánh cửa của ngành kinh doanh này chắc chắn sẽ đóng lại với nhiều doanh nghiệp!
Chính vì vậy, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đang đề nghị loại bỏ các quy định này.