Đừng thành lập doanh nghiệp KH&CN chỉ để được hưởng ưu đãi

0
842

Tại hội thảo “Vị thế của doanh nghiệp KH&CN trong bối cảnh quốc gia khởi nghiệp” do Văn phòng Chuyển giao Công nghệ (Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc) và Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (SYS) diễn ra sáng 15/12, các doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực KH&CN đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình trong quá trình khởi nghiệp để các doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư đi sau có thể thành công.

 Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thành công tại hội thảo.

Theo ông Đào Quang Thủy – Trưởng phòng Ươm tạo và Phát triển doanh nghiệp KH&CN – Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp – Bộ KH&CN, Việt Nam hiện có 303 doanh nghiệp KH&CN, trong đó Hà Nội có 38 DN. Một số doanh nghiệp KH&CN điển hình như: Công ty TNHH Minh Long 1, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải, Công ty TNHH Thiết bị Gia Hưng… Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN như: Vốn vay với lãi suất thấp, miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và một số ưu tiên khác phục vụ cho việc nghiên cứu. Tuy nhiên trên thực tế, rất ít doanh nghiệp KH&CN đủ điều kiện được hưởng những ưu đãi này. Hiện cả nước mới có 14 doanh nghiệp được miễn giảm tiền thuê đất.

Những bất cập mà các doanh nghiệp gặp phải là thủ tục đăng ký doanh nghiệp KH&CN còn rườm rà; điều kiện hưởng ưu đãi chưa hợp lý, một số chính sách ưu đãi chưa có văn bản hướng dẫn…

Chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp mình, ông Lưu Hải Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải cho biết, trước khi trở thành doanh nghiệp KH&CN, ông Minh có 3 công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Sau khi được tư vấn từ các chuyên gia và các nhà khoa học, ông đã chọn hướng đầu tư vào KH&CN. Để có dây chuyền công nghệ và làm ra sản phẩm Liquid Nano Curcumin OIC, ông đã phải bỏ ra nhiều công sức và tiền của, thậm chí gặp không ít thất bại, song nhờ có sự đam mê, ông đã thành công. Do đó, điều quan trọng nhất để doanh nghiệp đầu tư thành công trong lĩnh vực KH&CN là phải có sự đam mê. Bên cạnh đó, mặc dù được nhiều ưu đãi nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để được miễn thuế. Đã làm doanh nghiệp KH&CN là phải đi kèm sự minh bạch; phải có sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, để doanh nghiệp KH&CN phát triển thành công thì phải có vốn, phải có chính sách của nhà nước hỗ trợ và phải có lực lượng nghiên cứu để áp dụng KH&CN vào sản xuất.

Còn theo ông Phạm Vũ Việt Hoàng – Công ty TNHH Thiết bị Gia Hưng, để thành công trong lĩnh vực KH&CN, doanh nghiệp phải biết chọn cho mình hướng đi. Chẳng hạn, Công ty TNHH Thiết bị Gia Hưng là một doanh nghiệp chuyên về cơ khí, nhưng lại đầu tư vào một thị trường ngách, phù hợp với chủ trương của Chính phủ là sản xuất gạch với công nghệ không nung. Sản phẩm gạch không nung của Công ty đã được Bộ KH&CN và Bộ Xây dựng công nhận về kiểu dáng và chất lượng, hiện đang được thị trường tiêu dùng ưa chuộng.

Nhắn nhủ với các doanh nghiệp khởi nghiệp chuẩn bị đầu tư vào lĩnh vực KH&CN, bà Đỗ Tú Anh – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (SYS) cho rằng, nếu chỉ nghĩ thành lập doanh nghiệp KH&CN để được hưởng ưu đãi của nhà nước thì đó là sai lầm. Điều quan trọng là phải tạo ra được sản phẩm mang lại lợi ích, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Cũng theo bà Tú Anh, các doanh nghiệp KH&CN phải biết mình đang làm gì, có giá trị gì hay không trước khi nghĩ đến hỗ trợ. Rất nhiều doanh nghiệp trẻ đã phải mất rất nhiều tiền, phải nhận nhiều bài học xương máu trước khi có được thành công. Nhiệm vụ của SYS là biết các doanh nghiệp khởi nghiệp cần gì, muốn gì, ở đâu để có sự quan tâm, hỗ trợ và kết nối.

Đừng thành lập doanh nghiệp KH&CN chỉ để được hưởng ưu đãi
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here