Thôn Ti Nê (xã A Bung) nằm ở địa bàn vùng sâu H.Đakrông, tỉnh Quảng Trị lâu nay được hình dung là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.
Chính quyền và nhân dân dù đã gắng sức, đói nghèo vẫn không chịu “rời xa” chốn này. Nhưng cũng chính vì thế, mô hình nuôi lợn xoay vòng đang được Hội Phụ nữ xã A Bung áp dụng tại thôn Ti Nê trở thành điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo…
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Bung (bên phải) thăm trại lợn của chị Hộp
LÊ QUÝ
|
Hết “dựa dẫm” vào rừng
Chị Hồ Thị Nhàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Bung, người “đứng mũi chịu sào” để triển khai mô hình này, cho biết chương trình do dự án 135 tài trợ từ 5 – 6 năm trước. Riêng với thôn Ti Nê, ban đầu chỉ có 10 con lợn được cấp cho 5 hộ khó khăn nhất. “Theo cam kết ban đầu, từ 2 con lợn giống này, các hộ nuôi sinh lứa tiếp theo thì phải nộp lại cho Hội Phụ nữ xã để cấp cho hộ khác. Cứ thế, mô hình đã được xoay vòng để nhân lên số hộ được hỗ trợ, và tới nay hội đã giúp đỡ 36 hộ với mô hình này”, chị Nhàn nói.
Không chỉ hỗ trợ lợn nuôi, chị Nhàn cùng các đồng sự còn thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn để cung cấp kiến thức cơ bản cho chị em để biết cách phát triển đàn lợn, như cần tiêm phòng những gì, cho lợn ăn như thế nào là tốt, chuồng trại che chắn như thế nào…
Sau khi áp dụng mô hình tại thôn, hiện đã có 7 hộ thoát nghèo, thu nhập khá. Họ không những tự trang trải cuộc sống gia đình mà còn giúp đỡ người khác ổn định nhờ những lứa lợn quay vòng.
Chị Hồ Thị Căn Hộp, một hộ được hỗ trợ lợn giống, được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ 2 con lợn năm 2012, đến nay đã thay được một lứa giống, bán được mười mấy lứa lợn thịt. Chị bảo, điều mà bản thân cảm thấy tự tin và vui vẻ nhất là được tập huấn nuôi lợn có kỹ thuật, chứ không thả rông, nuôi đến đâu hay đến đó, sống chết nhờ trời… “Trước đây, chúng tôi sống dựa dẫm vào rừng, nay nhờ vào đàn lợn mà có thu nhập khá, mỗi năm thu về chừng 50-60 triệu đồng. Không phải lo chuyện đóng học phí cho con, không phải lo chạy ăn từng bữa nữa”, chị Hộp tâm tình.
Ở vùng cao thâm u Ti Nê này, không phải tất cả đồng bào Pa Kôh đã thoát nghèo nhờ những chú lợn, nhưng chính những cuộc “xoay vòng” của mô hình này đã mang đến những tín hiệu đáng mừng trong việc người dân vùng cao đã biết dựa vào nhau, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Câu chuyện hẳn sẽ không dừng ở đàn lợn mà sẽ có thể ở cả những cây, con khác nữa. Và no ấm cũng từ đó mà ra…