Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Văn hóa doanh nghiệp suy cho cùng là cách ứng xử với con người và thiên nhiên”

0
549
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh TL TTT)

Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh TL TTT)

Ông đánh giá thế nào về những được mất của các thương hiệu Việt dẫn đầu nhìn từ các cuộc M&A kể cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, để từ đó có thể nhìn thấy vị thế của các thương hiệu dẫn đầu trên thị trường quốc tế?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ trước hết phải chấp nhận quy luật thị trường trong đó có sự cạnh tranh bình đẳng, và những quy luật hội nhập với thế giới, thì M&A sẽ là điều đương nhiên xảy ra. Vấn đề là bản thân nội lực của chúng ta. Chúng ta tích lũy ra sao? Định hướng, tâm thế của chúng ta như thế nào trong những cuộc M&A này.

Sự phát triển kinh tế nhìn vào các chỉ số cụ thể là một chuyện, nhưng điều quan trọng nhất trong hội nhập là rào cản trong tâm thế của chúng ta. Chúng ta chưa nhận thức được chính mình là ai, thị trường Việt Nam là thế nào?

Cách đây ít lâu, tôi có đặt vấn đề với Thủ tướng Chính phủ và nhận được sự chia sẻ của Thủ tướng. Đó là đã đến lúc sau mười mấy năm vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bây giờ, chúng ta hoàn toàn có đủ tự tin để thay đổi tâm thế, là “Hàng Việt Nam phải chinh phục người Việt Nam”, chinh phục thị trường lớn thứ 13 thế giới.

Trong khi người ta ùn ùn kéo đến chiếm lĩnh thị trường mình, thì mình còn mải đi đâu ấy. Mình chỉ nhìn thị trường Việt Nam như nơi “giải cứu” mình!

Tại sao chúng ta không làm điều mà nước Nhật đã làm, hàng nội hóa bao giờ cũng là chất lượng cao nhất trước khi xuất khẩu, vừa phục vụ đồng bào mình, lấy đồng bào mình là nơi trải nghiệm đầu tiên và là bệ phóng để phát triển?

Trong khi chúng ta thấy nước ngoài còn phải mượn tên Việt Nam để đóng mác cho hàng hóa của họ vào, thì chúng ta lại cứ giữ tâm thế cũ, một là sính ngoại, vọng ngoại, hai là coi thường thị trường trong nước.

Tôi cho rằng chúng ta nên chuyển tâm thế thành “Hàng Việt Nam chinh phục thị trường Việt Nam”.

Nhiều năm sau đổi mới, chúng ta đã hình thành được một hệ sinh thái doanh nghiệp phong phú và căn cơ cho nền kinh tế, nhưng những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn và bây giờ là thách thức của cuộc cách mạng 4.0, đã và đang làm tổn thương không ít đến các thương hiệu mạnh. Nhìn vào Top dẫn đầu, các đại gia trong ngành bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với các ngành sản xuất. Ông có nhận xét gì?

Ông Dương Trung Quốc: Thực ra, trong con mắt của người làm sử chúng tôi, 30 năm đổi mới của chúng ta đã có được sự thay đổi rất lớn cần ghi nhận, nhưng thực chất chỉ là thời kỳ tích lũy nguyên thủy, với hai nhân tố cơ bản nhất là đất đai và quyền lực. Đó là điều mà nhân loại đã làm trong nhiều thập kỷ trước, giờ chúng ta mới có cơ hội làm. Nhưng chỉ số quan trọng nhất, bền vững nhất là giá trị gia tăng thì chúng ta còn rất kém, nếu chúng ta không nhanh chóng thoát khỏi thời kỳ tích lũy đất đai và quyền lực, thì sẽ không đủ sức cạnh tranh trong thời 4.0.

Câu chuyện đặc khu chẳng hạn, thực chất là đất đai thôi. Câu hỏi là chúng ta có thực sự quan tâm đến đầu tư công nghệ cao vào đây không và thực chất công nghệ cao có cần những đặc khu như thế không? Rất tiếc, chúng ta vẫn coi trọng bất động sản, mặt bằng là quan trọng nhất, chứ không quan tâm trên mặt bằng ấy người ta “cấy” vào đó cái gì? Nguồn lực đó là nguồn lực nào?…

Trong khi đó tiềm năng con người của chúng ta rất lớn nhưng không được huy động. Nếu có huy động được lại có khả năng trở thành tiềm năng cho doanh nghiệp nước ngoài, chứ doanh nghiệp trong nước chưa thu hút được.

Chúng ta cứ hô hào 4.0 hoài, nhưng những chuyển động của Chính phủ dường như chưa biến thành những hành dộng cụ thể của các bộ, ngành, trở thành quyết tâm chung của toàn hệ thống?

Ông Dương Trung Quốc: Phải nói là chuyển động của Chính phủ trong thời gian qua rất mạnh mẽ, rất quyết tâm, nhưng dựa vào cơ sở nào để hiện thực điều đó là một câu hỏi lớn? Trong khi nền giáo dục thì còn quá nhiều vấn đề; nhiều tiềm năng vẫn chưa được tạo môi trường thuận lợi để phát triển.

Ngay như nguồn lực quan trọng nhất là vốn, tài chính, vẫn hướng quá nhiều vào bất động sản. Không ai dám đầu tư vào lĩnh vực khác vì quá mạo hiểm. Nhà nước cũng chưa có cơ chế để khuyến khích đầu tư mạo hiểm. Nên xu thế hiện nay, đằng sau công cuộc chống tham nhũng rất đúng ấy lại thành ra là… nuôi dưỡng, khuyến khích tâm lý an toàn. Doanh nhân không muốn đầu tư mới vào sản xuất nữa. Hai xu thế này tự nhiên mâu thuẫn với nhau, không tạo ra động lực phát triển.

Ông Dương Trung Quốc tại một kỳ họp Quốc hội (Ảnh quochoi.vn)

Ông Dương Trung Quốc tại một kỳ họp Quốc hội (Ảnh quochoi.vn)

Vậy theo ông, làm thế nào để tăng sức mạnh nội lực của doanh nghiệp?

Ông Dương Trung Quốc: Quan trọng nhất là Chính phủ. Khi Chính phủ đưa ra một định hướng nào đó, thì phải xây dựng điều kiện để doanh nghiệp biến nó thành hiện thực. Làm luật phải trên cơ sở thực tiễn. Nếu không chúng ta mãi mãi sẽ đi theo sau thiên hạ, bị phụ thuộc không chỉ vào các nước ở xa mà cả những nước xung quanh chúng ta. Như câu chuyện lùm xùm về taxi truyền thống và taxi công nghệ, bên cạnh Grab thì GoViet của người Indonesia lại vào rồi.

Cơ chế đã chuyển động chậm, chính chúng ta lại không chủ động làm thì đương nhiên mất thị trường thôi. Hơn lúc nào hết các doanh nghiệp tư nhân phải có mô hình liên kết nào đó, cộng với sự hỗ trợ nhà nước, để đủ sức mạnh cạnh tranh.

Nhìn vào những cộng đồng doanh nhân trẻ, cộng đồng khởi nghiệp… cho thấy đang nhen nhúm hình thành ý thức liên kết, chia sẻ nguồn lực, hợp tác tạo sức mạnh. Ông có thấy đây là niềm hy vọng?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi sợ tất cả mọi sáng tạo cuối cùng lại bị hút vào một chỗ nào khác chứ không phải cho doanh nghiệp nội địa. Vì hôm nay thế giới đang săn lùng chất xám rất nhiều, với nguồn đầu tư lớn, cơ hội lớn. Nếu chúng ta không tạo ra môi trường thu hút nguồn lực ấy, nó sẽ bị hút đi nơi khác, càng làm giảm nhẹ sức mạnh của chính chúng ta.

Nhìn vào các tập đoàn như Vingroup, TTC, THACO… đang lớn mạnh khá nhanh, chiếm lĩnh rất nhiều ngành, ông có nhận xét gì về khả năng vai trò dẫn dắt nền kinh tế của họ? Liệu có lo lắng gì không nếu giấc mơ đa ngành lại tan nát như một số tập đoàn nhà nước đã từng?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ không còn cách nào khác. Nhà nước đã trải nghiệm, đã có những đổ vỡ như Vinashin, Vinalines… bây giờ Nhà nước phải có cơ chế để bảo vệ những nhân tố mà tôi cho rằng nó sẽ mang lại sức mạnh cho nền kinh tế quốc dân.

Để các tập đoàn này phát huy vai trò dẫn dắt của mình, sự đồng hành của Nhà nước rất quan trọng. Mặc dù chúng ta vẫn tôn trọng mọi cam kết quốc tế, nhưng không thể phó mặc được. Tôi cho rằng trong chừng mực nào đó, Nhà nước vẫn dựa vào yếu tố cam kết quốc tế, xã hội hóa, không thể né tránh trách nhiệm của mình. Như hiện tượng nước Mỹ hiện nay chẳng hạn, có thể là hơi cực đoan, nhưng thể hiện rõ là nếu không có đường lối bảo hộ thì sẽ có nguy cơ thất bại trong công cuộc phát triển.

Trước hết, kinh tế là cạnh tranh, cạnh tranh một cách trí tuệ, nói cách khác là lách luật, lách ra khỏi những cam kết để tạo ưu thế cho mình để phù hợp xu thế. Phải tạo ra ưu thế trên mặt bằng cam kết ấy mới có thể vươn lên được.

Dưới con mắt một nhà sử học gắn bó rất nhiều với đội ngũ doanh nhân, tâm trạng của ông thế nào trước ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ đã có sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của xã hội về doanh nhân; và trong sự thay đổi ấy, chúng ta cũng phải trả giá cho một thời kỳ rất dài phát triển không bình thường.

Nhưng chúng ta chuyển động trong một thế giới đang chuyển động nhanh hơn gấp nhiều lần, vấn đề là tốc độ chưa tương quan. So với thiên hạ, nếu ta đi với tốc độ chậm hơn tức là đã giật lùi. Rõ ràng thời đại 4.0 là cơ hội cho trí tuệ, người ta có thể tìm con đường ngắn hơn, ít tốn kém hơn, hiệu quả hơn để vươn lên. Nhà nước phải tạo được môi trường tốt để vun vén, hỗ trợ, thúc đẩy, phát triển kinh doanh và doanh nghiệp. Những mô hình hội đoàn như CLB Doanh nhân và Quản trị phải được thúc đẩy nhiều hơn.

Ông nghĩ gì về đạo kinh doanh, triết lý kinh doanh trong thời kỳ mới, khi những ranh giới về được mất, tác hại và hiệu quả nhiều khi là quá mong manh?

Ông Dương Trung Quốc: Phải giải quyết được vấn đề cốt lõi, tinh thần mà chúng ta muốn lấy để làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”; đó là sự giàu có của người dân chính là sự thịnh vượng của quốc gia. Trước kia chúng ta cứ hô hào “Nước giàu thì dân mới mạnh”, nhưng rõ ràng dân giàu thì nước mới mạnh. Nếu cứ nhìn nhà nước như người “ở trên” thì làm sao thay đổi?

Phải coi nhà nước là người phục vụ, như cách nói của Thủ tướng Chính phủ, chính phủ kiến tạo. Tư tưởng đã có nhưng phải đi vào hành động thực sự, tạo môi trường thực sự. Nếu không chúng ta vẫn rời vào tình trạng y như cũ thôi.

Bộ máy quan liêu sẽ là sự trì trệ rất lớn. Chừng nào bộ máy nhà nước không quan liêu nữa sẽ tạo lực đẩy cho phát triển kinh tế trong thời kỳ yếu tố sáng tạo, phát kiến được coi trọng như thời 4.0 này.

Theo ông, làm thế nào để xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt hơn?

Ông Dương Trung Quốc: Dòng chảy lịch sử và tốc độ của nó đặt chúng ta trước rất nhiều thách đố. Làm thế nào để tạo ra một tâm thế tỉnh táo để tồn tại là khó nhất. Văn hóa doanh nghiệp suy cho cùng chính là cách chúng ta ứng xử với con người, với thiên nhiên. Chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ, coi đây là cơ hội cho cả lịch sử loài người.

Nhìn lại lịch sử trải qua bao thời kỳ, tôi thấy mình cũng có tâm trạng gần giống tâm trạng của các bạn trẻ. Khi trai trẻ đầy sức sống, chúng ta nung nấu bởi câu hỏi ai thắng ai? Lúc ấy cứ nghĩ mình thắng, nhưng có thắng cái này lại thua cái khác. Lúc trưởng thành rồi lại băn khoăn ai hơn ai? Mà thực ra là hơn cái này, lại kém cái khác. Nhưng đến thời kỳ này, phải đặt câu hỏi ai cần ai? Đó là giá trị của chính mình.

Triết lý sống của chúng ta ngày hôm nay là trả lời câu hỏi ai cần ai. Thời của sự thay đổi, chúng ta có thể phát huy giá trị cốt lõi của con người, tính nhân bản, đó là sự kết nối với nhau. Lịch sử loài người qua rất nhiều thăng trầm, đặt suy nghĩ của mình trong một cộng đồng, để hiểu gắn kết là sự tồn tại và phát triển, là sứ mệnh để trao truyền. Nó là giá trị.

Vậy sai lầm nào mà doanh nghiệp thường mắc phải khi xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng đó cứ lo sợ thất bại.

Nhiều doanh nhân đã gọi ông là “Đại biểu quốc hội của tôi”. Theo dõi những cuộc họp Quốc hội, tiếng nói của ông dường như luôn “trái chiều”, luôn thẳng thắn, mang tính phản biện. Vậy động lực nào khiến ông dám lên tiếng? Ông có từng bị… làm khó gì không?

Ông Dương Trung Quốc: Một lần có bạn Việt Kiều cũng hỏi như thế, tôi đã trả lời rằng tôi không phải người đối lập, vì đối lập thì không thể ở trong cơ chế này.

Nhưng tôi là người độc lập. Không có ai gây áp lực cho tôi. Có thể mình nằm trong hệ số an toàn, là “bông hoa đẹp”, nhưng tôi vẫn làm đúng sứ mệnh của mình, cố gắng đóng góp. Sự khôn ngoan là cần thiết, mặc dù ranh giới giữa khôn ngoan và mánh khóe rất mỏng manh… thậm chí nó đã thành bản năng. Nhưng mỗi con người có vị thế khác nhau, nên khi có xung đột, khác biệt phải khai thác đúng vị thế của mình. Với tôi thì không có áp lực nào ngoài áp lực của chính mình.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Văn hóa doanh nghiệp suy cho cùng là cách ứng xử với con người và thiên nhiên”
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here