Thời gian qua, số lượng và chất lượng các startup (khởi nghiệp) đổi mới sáng tạo ngày càng tăng. Cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Hiện cũng đã có một số quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, và sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, các startup Việt gặp phải không ít khó khăn khi gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó một trong những điểm khó khăn nhất chính là chứng minh được với nhà đầu tư rằng startup của mình sẽ sinh lời khi startup thường phải kiên trì, nhiều năm mới có lãi.
Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp. (Ảnh minh hoạ: KT)
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn e dè khi đầu tư vào startup
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 vừa qua, bà Phạm Khánh Linh – CEO Logivan (startup kết nối chủ xe tải và các chủ hàng), cho rằng các startup ở Việt Nam hiện nay thường dựa vào nguồn vốn sẵn có khi mới bắt đầu.
Theo bà Linh, vốn cho khởi nghiệp thường từ ba nguồn (3F), gồm: bạn bè (Friend), gia đình (Family) và những người khờ khạo (Fool).
Đặt câu hỏi tại sao các nhà đầu tư nước ngoài ít đầu tư vào các startup mới ở Việt Nam, CEO Logivan nhận định: Các startup Việt vẫn còn trở ngại liên quan tới tiếng Anh. “Tôi nghĩ rằng việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam là yếu tố quyết định giúp ta vươn ra thế giới“, bà Linh nói.
Mặc dù liên tục nhận được các khoản đầu tư hàng triệu USD song CEO Logivan Phạm Khánh Linh đánh giá, bài toán của các startup Việt Nam hiện nay chưa phải là gọi vốn triệu USD mà là gọi những dòng vốn đầu tiên bởi các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam vẫn còn khá e dè trong đầu tư công nghệ mới.
Bên cạnh đó, cần đưa chương trình giảng dạy khởi nghiệp sáng tạo như là một môn học tại các trường đại học, cần có một giáo trình đào tạo bài bản. Để hỗ trợ vốn cho khởi nghiệp, các ngân hàng cần có chính sách tín dụng cho các nhà khởi nghiệp để đi được con đường xa hơn trước khi nhận được vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, bà Linh nêu rõ.
Chưa đủ lớn để có các công ty tỷ USD
Theo đánh giá của ông Trần Ngọc Thái Sơn – CEO Tiki (startup thương mại điện tử), startup Việt ngày càng giỏi lên, các nhà sáng lập cũng sắc sảo và tham vọng hơn. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, cần một giải pháp lâu dài bởi khởi nghiệp cũng giống như khởi nghĩa, cần chuẩn bị “đạn dược”, trong đó, vốn là một vấn đề lớn.
CEO Tiki nhận định, việc kêu gọi những khoản đầu tư hàng triệu, hàng tỷ USD có vẻ như vẫn đang nằm ngoài khả năng của các startup hiện nay bởi lẽ khi đổ tiền vào một doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà đầu tư đều đặt câu hỏi về lợi nhuận “làm sao đầu tư 1, thu về 10” và thoái vốn thành công, nhất là với một thị trường rất khó để đưa công ty lên sàn.
Ngoài việc cho các nhà đầu tư thấy được tiềm năng sinh lời trong tương lai của các startup thì quy mô thị trường cũng là yếu tố cần cân nhắc, cũng giống như bài toán “con gà – quả trứng”. Việt Nam có thể là một thị trường hấp dẫn và đủ lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, song lại quá nhỏ bé để xây dựng các công ty có giá trị tỷ USD, ông Sơn nêu quan điểm.
Do đó, lãnh đạo Tiki cho rằng cần khuyến khích các công ty đi ra khỏi Việt Nam, hướng tới thị trường Đông Nam Á với quy mô hơn 2.400 tỷ USD và lớn hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ đang cho phép đi xuyên biên giới.
Khơi thông nguồn vốn cho khởi nghiệp
Để khơi thông nguồn vốn, nâng cao tinh thần khởi nghiệp, ông Jerry Lim – CEO Grab Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy hợp tác giữa kinh tế tư nhân với chính phủ.
Ông Jerry Lim bày tỏ: “Grab mong muốn hợp tác với đối tác, chính phủ để đưa ra chính sách phù hợp, tận dụng kiến thức để phát triển. Hiện nay, chúng tôi đã hợp tác với chính phủ để cải thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư vào cơ sở để mang lại giá trị cho người dân Việt Nam“.
Liệu có chính sách để tạo ra sân chơi bình đằng, trong đó chính phủ đóng vai trò điều tiết? Qua đó, giảm được gánh nặng hành chính, nâng cao hiệu quả, giảm giá thành, ông Jerry Lim đặt câu hỏi.
CEO Grab Việt Nam cho rằng, cần khuyến khích sự phát triển của các công ty công nghệ thông qua mô hình thí điểm, từ đó kiểm chứng được tác động của nó tới xã hội, rút kinh nghiệm để điều tiết thị trường. Ngay cả khi có lợi ích rõ ràng, vẫn cần có thời gian để chính phủ kiểm chứng, hoạch định chính sách. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các công ty và cơ quan chính phủ.