Khởi nghiệp tại Việt Nam đang là một xu thế. Tuy nhiên số lượng thành công khá ít ỏi. Dưới đây là 4 lý do chính khiến startup Việt vẫn đang “mắc kẹt”.
1. Trở ngại đến từ văn hóa
Theo một số chuyên gia khởi nghiệp từng làm việc ở Việt Nam, mọi người thường có thói quen ngủ quên trên chiến thắng. Đạt thành công dễ dàng, được nhiều người biết đến và có tiền đầu tư đã khiến cho nhiều người nảy sinh cái nhìn chủ quan, tự tin thái quá.
Ngoài ra, việc không biết chấp nhận thất bại cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhanh chóng đi xuống.
2. Lựa chọn lĩnh vực khởi nghiệp
Lĩnh vực mà các bạn trẻ Việt thường tập trung vào đang có vấn đề. Nó thường có những điểm chung như làm thế nào để kiếm được nhiều tiền nhất; những lĩnh vực liên quan đến du lịch hay kinh doanh do nhanh mang lại lợi nhuận.
Không những vậy, một bộ phận các nhà khởi nghiệp lựa chọn “sao chép” khi thấy người khác thành công, việc này hoàn toàn không ổn và không được lâu dài.
3. Thị trường kinh doanh
Thị trường kinh doanh, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt đang thiếu mất sự đa dạng cần có. Điều này tạo nên sự cạnh tranh không cần thiết, trong khi thị trường còn rất nhiều lĩnh vực triển vọng còn bỏ ngỏ.
Điển hình ở VN đó chính là nông nghiệp. Một đất nước với tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế chiếm gần 20%, nhưng lại chứng kiến sự hiện diện của quá ít startup. Nếu bạn đưa ra được giải pháp giải quyết những vấn đề cố hữu, thì đó chính là nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Do đó, thay vì chỉ tập trung với những lối mòn, giải pháp ở đây chính suy nghĩ rộng và bao quát hơn. Hãy nhìn nhận xem đâu là vấn đề, đâu là “đường ngách” để từ đó bạn có thể lựa chọn được lĩnh vực mới lạ nhất, tiềm năng nhất.
4. Khó khăn khi tìm nhà đầu tư
Thực tế, còn quá nhiều trở ngại để startup Việt tìm được một nhà đầu tư hoàn hảo. Rất nhiều nhà đầu tư e ngại bỏ tiền chỉ vì bị giới hạn bởi một số điều khoản trong Luật Đầu tư. Hay như để làm thủ tục, giấy tờ cấp phép đầu tư, các nhà khởi nghiệp phải mất đến vài tháng để hoàn thành.
Chính những vấn đề liên quan đến pháp lý đó nhiều khi làm cho startup bị “lỡ hẹn” khi thị trường cần, điều tối kị trong khởi nghiệp.