7 bài học đắt giá từ startup thua lỗ nửa tỷ đồng

0
1016

Bỏ việc lương cao để khởi nghiệp, doanh nhân người Ấn Độ Pardeep Goyal nuôi ước mơ sẽ kiếm được hàng triệu USD với dự án khởi nghiệp đầu tay của bản thân. Nhưng rất tiếc, đời lại không như là mơ…

Công ty của anh sụp đổ trong vòng chưa đến 1 năm, thua lỗ hơn 1,5 triệu rupee (tương đương nửa tỷ đồng Việt Nam).

Dưới đây là 7 bài học đắt giá mà anh rút ra được từ thất bại nặng nề đầu tay này.

1. Nắm rõ khách hàng trước khi phát triển sản phẩm

Pardeep Goyal và nhóm cộng sự đã xây dựng SchoolGennie dựa trên các giả định cá nhân, cũng như sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh.

Lẽ ra, startup nên dành thời gian nói chuyện với khách hàng trước khi phát triển sản phẩm, thuyết phục một vài trường học có quy mô khác nhau để thử nghiệm sản phẩm, cung cấp sản phẩm miễn phí và hỗ trợ trọn đời cho họ… điều này sẽ khiến dự án mang tính khả thi cao hơn.

Nhưng anh đã nghỉ việc trước khi chứng minh được tính khả thi cho startup của mình, và đó là một sai lầm lớn.

2. Biết chi tiền và tiết kiệm tiền

Pardeep Goyal đã chi phần lớn số vốn đầu tư vào việc xây văn phòng và trả lương cho nhân viên. Lẽ ra, anh đã có thể giảm được 80% chi phí bằng cách làm việc tại nhà và thuê người với mức lương tối thiểu, đổi lại bằng việc chia cổ phần.

Anh đã mắc sai lầm khi không chi tiêu đúng mức cho việc thiết kế các tài liệu giới thiệu sản phẩm, công cụ marketing và dịch vụ tư vấn, vốn rất cần thiết để tạo ra doanh số bán hàng.

Chuyện này nghe rất hiển nhiên, nhưng rất nhiều người mới khởi nghiệp lần đầu vẫn mắc lỗi này. Nếu website là công cụ marketing chính của bạn, hãy chịu khó chi tiền cho việc tiếp thị nội dung (content marketing) và tài liệu bán hàng (sales deck).

Nếu muốn tiếp cận theo các kênh offline, bạn nên chi tiền cho việc phát triển các brochure giới thiệu sản phẩm cho hoàn chỉnh.

3. Hãy sẵn sàng xắn tay vào học chuyên môn, kể cả khi bạn chưa biết gì

Có thể bạn không phải là người có nền tảng kỹ thuật, nhưng khi làm khởi nghiệp trong ngành công nghệ thì bạn cũng nên chịu khó tìm hiểu các vấn đề về kỹ thuật.

Một khi bạn đã có kiến thức chuyên môn, bạn sẽ có thể đưa ra những quyết định tốt hơn, thay vì cứ hành xử như một khách hàng chỉ biết khoán việc cho đội ngũ kỹ thuật.

4. Tập bán hàng cho dù bạn không có kinh nghiệm bán hàng

Pardeep Goyal đã không tham gia mấy vào việc bán hàng vì nghĩ rằng tốt nhất nên để em rể làm việc đó. Dù Amit là người có khả năng giao tiếp và diễn đạt rất tốt nhưng việc bán hàng vẫn chẳng đi tới đâu.

Anh nhận ra nguyên nhân là mình chẳng biết cách giải quyết những vấn đề của khách hàng mà chỉ chăm chăm vào việc bán được sản phẩm của mình.

Việc bán hàng giỏi không phải là chỉ biết nói chuyện cho hay mà phải cho khách hàng thấy rằng bạn đáp ứng được các nhu cầu của họ. Càng hiểu rõ khách hàng, bạn càng có nhiều kiến thức để phát triển sản phẩm tốt hơn.

5. Học cách ra quyết định và tin vào trực giác của bạn

Trong suốt quá trình xây dựng SchoolGennie, nhóm của anh đã không thể đưa ra được những quyết định dứt khoát. Họ đã trì hoãn những việc cần làm như ngân sách bán hàng, quản lý nhân sự, chia cổ phần, quyết định theo đuổi nhóm khách hàng nào…

Sau thất bại đầu đời này, Pardeep Goyal bắt đầu học cách đưa ra quyết định dứt khoát dựa trên những thông tin đang có.

Hãy chấp nhận rằng bạn không bao giờ có đủ 100% thông tin cần có cả và hãy tập sử dụng trực giác để có thể tự đưa ra quyết định khi đã có được 60-70% thông tin. Và một khi đã ra quyết định, hãy giữ nguyên lập trường đó cho tới khi có đủ bằng chứng cho thấy rằng đã tới lúc cần thay đổi.

6. Đừng bao giờ ngừng học hỏi

Chắc chắn bạn sẽ thất bại nếu ngừng học hỏi những điều mới. Nguồn tri thức lớn nhất của Pardeep Goyal đến từ việc không ngừng thử nghiệm và từ cuộc sống xung quanh mình.

Anh dành thời gian đọc sách và các blog, học kinh nghiệm từ những người lớn hơn lẫn nhỏ hơn mình, tiếp thu kiến thức từ các đối thủ, nhà cung cấp lẫn khách hàng. Đôi lúc, anh còn học được một số thứ từ con trai 3 tuổi của mình nữa.

7. Đừng lấy tiền bạc làm mục tiêu cuối cùng

Hãy nhớ rằng công ty của bạn có mục tiêu là giải quyết được các vấn đề của khách hàng, và tiền bạc là công cụ để duy trì việc thực hiện mục tiêu đó.

Nếu chỉ tập trung vào tiền bạc, bạn sẽ trở nên thiển cận. Bạn có thể kiếm ra tiền trong thời gian ngắn hạn nhưng về dài hạn bạn sẽ thua cuộc. Hãy dồn lực tập trung vào việc giải quyết các vấn đề của khách hàng và khiến cho họ cảm thấy hài lòng, rồi tiền bạc sẽ tự động đến với bạn.

7 bài học đắt giá từ startup thua lỗ nửa tỷ đồng
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here