Khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục thế nào để thành công?

0
1001

Bài viết của chị Nguyễn Thị Thanh Nga (TutorSchool, BVIS Vietnam) đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.

Lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ cho dân khởi nghiệp. Song vì đặc thù ngành và đặc thù nền kinh tế, khởi nghiệp giáo dục vẫn chưa đóng góp vào những thay đổi lớn trong cộng đồng, và sự thật là có những trung tâm mọc lên rồi dần biến mất.

Bài viết này không bàn về những công ty giáo dục lớn, đủ kinh phí và các điều kiện khác đã đem các chương trình quốc tế về Việt Nam dưới cái tên gọi chung là “trường quốc tế”, mà chỉ bàn về những phân khúc dành cho những bạn khởi nghiệp. Và phạm vi cũng dừng lại ở việc start-up một trung tâm ngoại ngữ.

Đặc thù thị trường mở ra nhiều cơ hội.

Thị trường cho các giải pháp giáo dục rất tiềm năng ở Việt Nam, vì phụ huynh tầng lớp trung lưu (có thu nhập tốt ở thành phố và khu vực cận đô thị) vẫn đang tìm kiếm các giải pháp giáo dục cho con từ khi trẻ lên 3. Và tất nhiên lựa chọn của họ hiện tại là các trường dán mác quốc tế- và có một khao khát cho con vào học hệ quốc tế, khao khát cho con nói giỏi Tiếng Anh và biến “trường quốc tế” và các trung tâm Anh Ngữ trở thành một ý tưởng khởi nghiệp dễ dàng. Việc mở một trung tâm dạy Tiếng Anh cũng khá đơn giản.

Tuy nhiên, hệ lụy của nó là các trường “quốc tế” mọc lên nhưng chưa chắc đã đưa ra bài toán của thị trường: đưa ra giải pháp phát triển con người (từ góc độ một nhà giáo dục, tôi luôn đặt sự phát triển của trẻ lên làm tiêu chí).

Vì bên cạnh các chương trình quốc tế thực sư, đa số dân khởi nghiệp bên mảng giáo dục hoặc là vẫn giữ tư duy làm giáo dục kiểu Việt Nam (những mô hình và giáo trình cũ, phương pháp dạy học cũ), hoặc là tay ngang thấy một mô hình giáo dục hay hay thì đem về. Hậu quả có thể là sự “gãy cánh” của một số dự án khởi nghiệp.

Đó là chưa kể những bất lợi cho dân khởi nghiệp khi việc kinh doanh giáo dục theo kiểu nhóm lợi ích theo chiều dọc (tức là theo kiểu người nhà anh Sở đem một chương trình giáo dục vào bán ở các trường công lập), nên giải pháp giáo dục nếu chỉ là copy sẽ dễ tiếp thị nhưng không mang tính cạnh tranh.

Khi khởi nghiệp, các bạn cũng cần hiểu thị trường. Thị trường Việt Nam, suy cho cùng là một thị trường nhỏ, thiếu tính công bằng nên hoàn toàn có thể bị lũng đoạn (nói nôm na là có thể trả được cho truyền thông với chi phí không cao (so với vốn khủng nằm trong tay những nhà đầu tư) để nổi “ầm ầm” – có mấy nhánh truyền thông như truyền hình, báo giấy, báo online, webtretho, và bây giờ là Facebook).

Tuy nhiên, như trên đã nói, giải pháp giáo dục hiện tại vẫn chưa hoàn toàn là câu trả lời cho thị trường. Nói cách khác, dân khởi nghiệp vẫn còn nhiều đất lắm. Tuy nhiên, cơ hội đi đôi với thử thách.

Đặc thù ngành là một thử thách. Tôi đã làm việc cho vài trường quốc tế lớn tại TP. HCM. Cách vận hành của họ là ông chủ thuê một bộ phận chuyên môn để đảm bảo chất lượng. Tất nhiên những thiết kế của bộ phận chuyên môn này được được thực hiện tối ưu.

Ví dụ, chủ trường (hoặc hội đồng quản trị) phải tuyển giáo viên đạt chất lượng của Mỹ, Úc, Canada, Anh để dạy chuyên môn (không có chuyện thuê Tây ba lô 18 đô-la/ giờ), thư viện phải đạt chuẩn như một trường tại Mỹ). Những người khởi nghiệp hẳn không thể có đủ tài chính để chi trả cho chất lượng chuyên môn như vậy.

Vậy đâu là chìa khóa cho các bạn khởi nghiệp mảng giáo dục (mức độ mở một TT Anh ngữ) thành công?

Từ kinh nghiệm cá nhân, bạn phải hiểu thị trường, những vấn đề của thị trường, phác họa chân dung khách hàng và vấn đề của họ để nhắm tới việc kiếm tìm giải pháp cho các vấn đề đó. Ví dụ: chân dung khách hàng cho các giải pháp bạn cung cấp là các học viên tương lai, còn chân dung phụ huynh là chân dung đối tượng bán hàng bạn cần phác họa đúng để làm marketing dễ dàng.

Theo quan sát cá nhân, các bạn mở trung tâm ngoại ngữ thường chỉ dựa trên kinh nghiệm cá nhân và sự học lỏm ở những trung tâm khác. Ví dụ: tôi có tư vấn một bạn trẻ tuần trước đang hào hứng với ý tưởng khởi nghiệp của mình và tất cả chỉ dựa trên những ý tưởng cũ, chưa hề có đột phá gì trogn giải pháp và đi theo đường mòn. Nếu chỉ định mở một trung tâm nhỏ, định hướng chiến lược là kiếm sống trong 1-2 năm, bạn hoàn toàn đem kinh nghiệm thành công để thương mại hóa.

Song giải pháp giáo dục, đủ trở thành một unique selling point và một tầm nhìn lâu dài cần nhiều sự đầu tư, tìm tòi học hỏi hơn như thế. Ví dụ hiện thị trường Tiếng Anh cho trẻ chỉ dựa vào mấy chương trình PET, KET, đỉnh hơn thì Toefl Junior hay IELTS theo kiểu luyện lấy điểm. Một số bạn khởi nghiệp cũng chỉ nhắm vào việc copy những chương trình này (tôi chưa bàn tới việc gọi một bộ sách ôn luyện một chứng chỉ Tiếng Anh có nên gọi là một chương trình học hay không) và nghĩ là với những phương pháp dạy học của mình, học sinh các bạn sẽ vượt qua học sinh của đối thủ.

Có thể hơi lạc đề nhưng các bạn start-up hãy tìm giải pháp, đừng copy giải pháp (nếu copy giải pháp thì nên mua bản quyền của một chương trình từ nước ngoài). Tất nhiên với tư duy chi xài của người Việt Nam (tôi sẽ nói ở một bài khác), các bạn nên dựa trên những giải pháp quen thuộc, và có những cải tiến hơn, thì mới mong thành công.

Ví dụ, cách marketing ban đầu sẽ dựa vào những ý tưởng đang nổi (mốt giáo dục), các bạn chỉ cần đầu tư thêm một thư viện, phòng máy tính, phòng chơi và đưa các ý tưởng khác biệt mang tính giải pháp vào, chỉ cần 3 tháng, các bạn có thể khẳng định giải pháp của các bạn rồi.

Tôi bắt đầu trường dạy ngoại ngữ của mình hơn 3 năm trước, và đối thủ tôi xác định ra hồi đó là BC và ACet, bởi tôi biết cách để rút ngắn thời gian và chi phí cho học viên. Với một unique selling point (thể hiện trong các khác biệt về phương pháp giảng dạy, thiết kế chương trình, cách tổ chức lớp học), tôi tự gọi mình là thành công (chưa tuyên bố phá sản và dẹp công ty và có tiền để đem thử nghiệm những ý tưởng về những giải pháp giáo dục mới cho thị trường ngách trong mảng dạy Tiếng Anh, và có khả năng phát triển nếu tôi không chuyển hướng đi định cư. Và hiện tại dù tôi không tiếp tục kinh doanh, tôi vẫn nhận được email cám ơn về những nguồn học liệu tôi xây dựng cho việc tự học Tiếng Anh của họ).

Vậy làm thế nào để có giải pháp cho việc tìm giải pháp? Công thức đơn giản: kiến thức/ tri thức/ thông tin, và thử nghiệm. Tức là nghiên cứu (hoặc tìm hiểu) và thử nghiệm.

Tôi cảm thấy tiếc cho các bạn học ngoại ngữ ra trường đi dạy lại không biết tận dụng hoặc phát triển bản thân để đem lại giải pháp thực sự. Với Internet, các bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm nhưunxg giải pháp giáo dục đang thịnh hành ở một số nước phát triển (ví dụ các bạn có thể search những từ khóa như Design by understanding, Inquiring-based method, investigation method, hoặc đơn giản nhất là how to guide children to read, new teaching methods).

Việc này dễ hơn nhiều so với việc sáng tạo ra các sản phẩm mới cho thị trường. Sau khi tìm hiểu và lựa chọn được giải pháp cho một vấn đề, các bạn cần đem ra thử nghiệm. Điều này sẽ giúp bạn có tư liệu cho việc quảng bá về sau, nhưng quan trọng là các bạn có những điều chỉnh cho giải pháp của mình cho phù hợp hơn với học viên Việt Nam. Nếu mạnh hơn về vốn, hãy tận mắt chứng kiến giải pháp (tham quan), và tìm chuyên gia tư vấn và đánh giá giải pháp.

Cám ơn các bạn đã đọc bài chia sẻ của tôi. Chúc các bạn thành công.

Khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục thế nào để thành công?
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here