Bài viết của anh Giáp Văn Dương đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp rất hay và hữu ích cho những ai đã, đang và sắp khởi nghiệp.
1. Theo anh, vì sao khởi nghiệp thường thất bại?
Khởi nghiệp thường thất bại vì người khởi nghiệp chưa thực sự là “người khởi nghiệp”. Khởi nghiệp đòi hỏi một thứ trí tuệ và kiến thức rất khác so với những thứ chúng ta được trang bị trong nhà trường. Vì thế, bạn có thể có kiến thức, có kỹ năng, có ý tưởng và có vốn để khởi nghiệp, nhưng nếu bạn chưa phải là “người khởi nghiệp” thì bạn vẫn thất bại như thường.
Những nguyên nhân khác cũng góp phần làm cho khởi nghiệp thất bại. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là vì bạn chưa phải là người khởi nghiệp thực sự. Vì nếu đã là người khởi nghiệp thực sự thì bạn sẽ biết cách giải quyết những vấn đề do các nguyên nhân khác gây ra.
2. Anh nói cụ thể hơn được không?
Người khởi nghiệp đòi hỏi những phẩm chất và kỹ năng rất khác với người làm các công việc chuyên môn. Người khởi nghiệp cũng đòi hỏi một thứ trí tuệ khác so với trí tuệ của sách vở mà bạn được dạy và rèn luyện ở trong nhà trường.
Chẳng hạn, lỳ đòn để vượt qua những bầm dập của cuộc đời, và cam kết máu lửa để đưa các ý tưởng trở thành hiện thực lại là những kỹ năng quan trọng nhất khi khởi nghiệp, chứ không phải kiến thức chuyên môn được dạy ở nhà trường.
Hay khả năng ra quyết định thông qua trực giác cũng là một điều không thể bỏ qua, vì khi khởi nghiệp bạn phải làm một thứ hoàn toàn mới, bạn không có đầy đủ thông tin và dữ liệu để phân tích. Vì thế, bạn không thể trông cậy hoàn toàn vào trí tuệ của logic và phân tích. Bạn cần phải sử dụng đến trực giác. Nếu để ý thật kỹ, thì hầu như các quyết định lớn của chúng ta đều do trực giác quyết định. Chỉ sau đó mới đến phần công việc của phân tích.
Do vậy, nếu không có trực giác tốt, bạn sẽ không thể ra quyết định trong việc khởi nghiệp. Nhiều khi những quyết định đó được ban ra rất ngắn gọn, kiểu như: Chơi không? Chơi! Vậy là cả team cùng chơi tới bến.
Nếu chưa phải là người khởi nghiệp mà đã xắn tay khởi nghiệp thì nhiều khả năng bạn sẽ thất bại. Do vậy mới có người cảnh báo: Khởi nghiệp ngay, sạt nghiêp luôn! Khi đó, bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng hụt hơi, rối bời, không biết phải làm gì để vượt qua khó khan, trong khi nguồn lực thì vô cùng hạn hẹp, mà tương lai thì không có gì chắc chắn. Bạn sẽ thấy cô đơn, hoang mang bất định và sớm bỏ cuộc.
Vì thế người ta mới nói, chỉ có người khởi nghiệp mới hiểu người khởi nghiệp. Nếu không trực tiếp khởi nghiệp, thì dù có được giải thích kỹ càng, bạn cũng không thể hiểu hết được.
3. Anh có thể cho ví dụ được không?
Trường học dạy chúng ta về người khác và mọi thứ xung quanh, nhưng lại không dạy chúng ta trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”. Từ con vi khuẩn bé tí bé ti đến các thiên hà xa xôi tỷ năm nắm sang, chúng ta đều được học. Nhưng không trường học nào dạy cho bạn biết bạn là ai. Vì trên thực tế, người đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?” này lại chính là bạn chứ không phải bất cứ người ngoài nào khác. Nhưng oái ăm ở chỗ, không có một cái “Tôi là ai” sẵn đó để bạn đi tìm kiếm. Đi tìm nó là bạn đi vào ngõ cụt. Bạn phải tạo ra nó, tức bạn tạo ra chính mình, thông qua trải nghiệm sống và lựa chọn chân thật của chính mình. Những điều này không trường học nào làm thay cho bạn được. Mà cũng hiếm có thầy cô nào để tâm đến những vấn đề này.
Chưa kể, chương trình giáo dục bây giờ đã quá lạc hậu rồi. Trong nhà trường, từ mẫu giáo cho đến đại học, chỉ có giáo viên, không có người khởi nghiệp. Vậy thì hiển nhiên bạn không thể học được các kỹ năng khởi nghiệp ở nhà trường. Mà trường đại học hiện thời, ở khắp mọi nơi chứ không riêng gì ở VN, được thiết kế để đào tạo người làm chuyên môn, phục vụ cho nền đại công nghiệp, chứ không phải đào tạo người làm chủ, người khởi nghiệp. Hệ thống đại học này được thiết kế để phục vụ nền công nghiệp thời kỳ đầu và giữa thế kỷ 20, nhưng giờ sang thế kỷ 21 rồi, mà hầu như không có gì thay đổi.
Vì thế, khi bạn khởi nghiệp, bạn không trả lời được câu hỏi “Tôi là ai khi bạn khởi nghiệp?”. Bạn không hiểu ra rằng, dưới con mắt của thị trường, bạn chính là sản phẩm và dịch vụ mà bạn trình ra. Dưới con mắt của khách hàng, bạn chính là giải pháp và giá trị mà họ tìm kiếm. Dưới con mắt của nhà đầu tư, bạn chính là món lợi mà bạn có thể mang về… Bạn chính là những thứ đó chứ không phải là ước mơ, khát vọng, long tốt, hay bất cứ thứ gì đang diễn ra bên trong bạn. Người khác đánh giá bạn cũng thông qua những thứ đó, chứ không ai vào đầu bạn xem bạn nghĩ gì, kế hoạch của bạn lớn ra sao, cảm xúc của bạn mạnh mẽ đến mức nào.
Thường thì bạn nhầm lẫn bạn với những gì đang diễn ra bên trong bạn vì thế mà mắc kẹt vào chính những thứ đó. Bạn không hiểu ra được thực ra đó là những câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Khách hàng chẳng quan tâm gì đến những điều đang diễn ra bên trong bạn. Khách hàng cũng chẳng quan tâm chuyến chuyện bạn muốn gì, khát vọng gì, hiểu biết nhiều như thế nào. Khách hang chỉ quan tâm đến việc bạn làm được gì cho họ, và bạn trình hiện ra cho họ thấy điều đó như thế nào.
Chính vì không hiểu ra những điều đó, nên bạn thất bại. Bạn thậm chí bạn còn không biết vì sao mình thất bại!
4. Nghe có vẻ Triết học nhỉ?
Thì đúng vậy. “Tôi là ai?” chính là câu chuyện của Triết học. Bạn hiện ra cho nhân viên, cho thị trường, cho khách hàng, cho đối tác, cho nhà đầu tư… rộng hơn là bạn trình hiện ra cho thế giới như thế nào, chính là câu chuyện của Triết học. Chính vì không được trang bị những nền tảng Triết học này mà bạn chông chênh và đổ vỡ giữa chừng. Bạn thất bại không phải vì bạn thiếu ý tưởng, thiếu kiến thức hay thiếu vốn. Những thứ đó đều có sẵn, hoặc đều có thể huy động được. Bạn thất bại vì bạn chưa phải là người khởi nghiệp thực sự. Bạn chưa phải là người khởi nghiệp vì bạn chưa chọn trở thành người khởi nghiệp. Bạn làm công việc khởi nghiệp đó như cách làm những công việc thông thường. Làm cho xong. Làm trong sự hiển-nhiên-đờ-đẫn. Vì thế bạn đổ gẫy, ngay ở khúc giữa chừng…
Điều này cũng giống như nếu bạn đứng trên bục giảng hàng chục năm, nếu như bạn không chọn trở thành nhà giáo, thì bạn vẫn chỉ là một người dạy học, hoặc một thợ dạy, chứ chưa phải là một nhà giáo đích thực. Hoặc bạn kinh doanh buôn bán hàng chục năm, thạo tính toán lời lãi, nhưng nếu bạn chưa chọn trở thành doanh nhân, thì bạn chỉ là người buôn bán kiếm ăn qua ngày, chứ chưa phải là doanh nhân đích thực.
Trong những công việc có tính cách ổn định và lặp đi lặp lại đó, bạn vẫn có thể sống được bằng cách lấy công làm lãi, bằng kinh nghiệm nhỏ lẻ mà bạn đã tích lũy, hoặc kinh nghiệm gia truyền, cộng với một nguồn lực đã được tích tụ. Nhưng với khởi nghiệp thì không. Bạn có rất ít nguồn lực trong tay. Bạn gần như trắng tay. Ngoài nhiệt huyết, mà thậm chí nhiều người còn không có, và một mong muốn khởi nghiệp, bạn hầu như không có gì khác. Thị trường lại đầy cạnh tranh, gần như không có chỗ cho những mới nhập cuộc. Khi đó nếu bạn không phải là người khơi nghiệp, bạn sẽ chỉ là người làng nhàng. Bạn không đủ xuất sắc nên sản phẩm của bạn cũng như thế. Nên nhớ, sản phẩm của bạn cũng chỉ là sự mở rộng con người của bạn mà thôi. Bạn sao thì sản phẩm và dịch vụ mà bạn cung cấp sẽ như vậy. Vì và thế bạn đứt gánh giữa đường. Dù có kiến thức, dù có kỹ năng, dù có ý tưởng, dù có vốn, nhưng bạn vẫn đổ vỡ như thường nếu bạn không được rèn rũa để trở thành con người đó, có được chất người đó, tức bạn chưa phải là “người khởi nghiệp”. Haizzz…
5. Vì sao trả lời được “Tôi là ai?” lại quan trọng như vậy?
Vì khi bạn không biết mình là ai thì mọi sự cố gắng của bạn đều trở nên vô nghĩa. Điều này cũng giống như khi bạn đi mà không biết đích đến, thì cho dù cố gắng đến bao nhiêu, nguồn lực dồi dào đến thế nào đi chăng nữa, bạn vẫn không thể đến đích.
Trong trường hợp này, nếu bạn không phải là người khởi nghiệp thì không có cách nào để bạn khởi nghiệp thành công. Mà để trở thành người khởi nghiệp, bạn phải biết được “Tôi là ai?” trước hết.
6. Vậy phải làm gì để trở thành người khởi nghiệp? Nghe qua thấy quá nhức đầu…
Mới chỉ đọc đến đây mà đã thấy quá nhức đầu thì tốt nhất là thôi luôn, đừng nghĩ đễn chuyện khởi nghiệp làm chi cho mệt. Vì khi khởi nghiệp, bạn phải đương đầu với những thứ phức tạp hơn, nhức đầu hơn, dai dẳng hơn rất nhiều. Vì lẽ đó, trở thành người khởi nghiệp không dễ.
Thường thì bạn phải tự trả giá và trưởng thành dần qua nhiều lần thất bại. Những cái giá rất đắt. Và cũng ít người vượt qua được những cái giá đó. Thường thì thất bại lại lần một, sang lần hai là thôi luôn. Mà cũng không có gì đảm bảo “thất bại là mẹ thành công”. Đây là câu nói mà tôi rất ghét. Thất bại lần một thì lần hai, lần ba, lần bốn vẫn có thể thật bại như thường, nếu như bạn chưa phải là người khởi nghiệp. Chỉ khi nào bạn học ra những bài học từ trong thất bại, và chuyển hóa trở thành người khởi nghiệp, khi đó bạn mới có thể thành công được.
Nhưng thật may là bạn cũng có thể rút ngắn thời gian, giảm thiểu cái giá phải trả thông qua đào tạo đặc biệt để chuyển hóa trở thành người khởi nghiệp. Ở đó, bạn bắt đầu bằng việc trả lời những câu hỏi cơ bản nhất, như: Tôi là ai? Tôi là ai khi tôi khởi nghiệp? Tôi – Cuộc sống – Cuộc đời có liên hệ gì? Làm thế nào để hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của tôi? Đâu là sứ mệnh cá nhân của tôi? Tôi sẽ làm gì với cuộc đời mình? …
Rất rất nhiều câu hỏi nhức đầu như vậy sẽ được nêu ra. Bạn phải đối mặt và giải quyết nó thật rốt ráo. Chỉ sau đó, bạn mới biết bạn là ai, người mà bạn chọn để trở thành là gì, và quyết định có lựa chọn để trở thành người khởi nghiệp hay không. Nếu không chọn, bạn trở lại cuộc sống cũ trong thanh thản. Bạn chọn không khởi đi theo con đường khởi nghiệp nữa. Điều này chẳng có gì xấu. Đó chỉ là một lựa chọn, một lối sống. Nếu bạn thấy hài long với lựa chọn đó, hạnh phúc với lối sống đó, thì vẫn tốt.
Còn nếu bạn đã chọn trở thành người khởi nghiệp, tức chọn khởi nghiệp như một sứ mệnh cá nhân, thì bạn phải cam kết để thực hiện đến cùng, vì sự lựa chọn đó là của bạn, do bạn chọn, chứ không do ai ép buộc.
Chính nhờ sự lựa chọn này, trong sự thấu hiểu, trong tự do và sau khi suy xét, bạn tạo ra chính mình. Đó là lựa chọn chân thật, của chính bạn, do chính bạn và vì chính bạn. Lựa chọn đó có sức mạnh. Chỉ sau đó bạn mới chuyển hóa trở thành người khởi nghiệp, và mới có thể khởi nghiệp thành công.
7. Vậy tôi phải mất bao lâu để trả lời các câu hỏi này, và sau đó để trở thành người khởi nghiệp?
Thường thì nhiều năm, có khi lên đến hàng chục năm. Nhiều người đến cuối đời vẫn chưa biết được mình là ai và mình sinh ra để làm gì. Cả đời cứ vất vưởng nhìn thời gian và nhìn đời mình trôi qua hoài phí. Như dòng nước trôi qua trước mắt mà không biết làm gì với nó. Đó là lý do vì sao rất ít khi khởi nghiệp lại thành công ở ngay lần đầu tiên. Đơn giản vì ở lần đầu tiên đó, bạn chưa được tôi luyện để trở thành “người khởi nghiệp”. Haizzz….
Sống trên đời, biết được “Tôi là ai?” đã khó, biết được “Tôi là ai khi tôi khởi nghiệp?” còn khó hơn. Cộng thêm nhiều yếu tố tác động khác nữa, nên tỷ lệ thành công trong khởi nghiệp thường rất thấp, và người khởi nghiệp thường thất bại nhiều lần trước khi thành công. Điều này cũng dễ hiểu vì sau nhiều lần thất bại, họ được tôi rèn để trở thành “người khởi nghiệp”, nên dễ thành công hơn. Nhưng không may là ít người vượt qua nhiều lần thất bại để cán đích. Mà cũng không có nhiều nguồn lực để làm lại nhiều lần. Sau một hai lần thất bại, tiền hết, niềm tin mất, cô đơn, hoang mang, vậy là bỏ cuộc nhanh cho khỏe.
Với người VN thì việc thiết hụt những nền tảng Triết học này càng trầm trọng. Với người phương Tây, Triết học ăn vào máu từ bé, nên họ có thói quen chất vấn và lựa chọn những điều quan trọng cho chính cuộc đời họ. Còn chúng ta thì không. Tuổi trẻ chúng ta thường hời hợt, chỉ phấn đấu là trở thành con ngoan trò giỏi, được thầy cô và bố mẹ khen. Mà nếu chỉ là con ngoan trò giỏi thì giới hạn cũng chỉ như thầy cô và bố mẹ mình, chứ khó lòng vượt xa để làm ra cái gì đó mới. Vì thế mà rơi vào vòng luẩn quẩn. Hết lớp này đến lớp khác, quanh năm chỉ mải mê ăn nhậu, tán gẫu trên mạng, lang thang cafe và trà đá vỉa hè. Cứ dạo một vòng quanh các công sở và cổng trường đại học là đủ thấy. Rất ít người làm việc. Rất ít người học hỏi thực sự. Lại càng ít người tính chuyện khởi nghiệp để làm ra một cái gì đó có ý nghĩa cho mình và xã hội.
Vậy nên tuổi trẻ chúng ta rất hời hợt. Cái này là chuyện của cả xã hội chứ chẳng mình ai. Chúng ta học mà không biết học để làm gì, làm mà không biết vì sao mình làm. Vậy nên nó không hiệu quả. Thực tế cho thấy, mỗi khi người VN trả lời được những câu hỏi rất cơ bản này, đến mức không phải nghĩ, như khi bị dồn đến đường cùng, hay khi có giặc ngoại xâm, thì họ trở nên rất mạnh. Vì khi đó họ có mục tiêu, họ biết được họ là ai, họ phải làm gì và vì sao lại như vậy. Nhưng ra khỏi hoàn cảnh đó là xong, vì những điều đó không phải do họ tự chất vấn, suy ngẫm, lựa chọn mà thành. Mà do hoàn cảnh đưa đẩy bắt buộc phải thế, hoặc theo mệnh lệnh tuyên truyền bắt buộc phải thế. Ra khỏi những hoàn cảnh cực đoan đó là chúng ta lại lè phè như cũ. Một phần vì tâm lý nghỉ ngơi, nhưng phần lớn là vì không có thói quen tự vấn, tự đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản của cuộc sống, lại không có Triết học, không có tư tưởng để chống đỡ.
8. Nếu chưa phải là người khởi nghiệp đã khởi nghiệp ngay, thì ngoài trả giá về thời gian, tôi còn phải trả gì khác nữa?
Đi kèm với thời gian thường là tiền bạc, sức khỏe và niềm tin vào chính bản thân mình. Khi chưa phải là người khởi nghiệp mà bạn đã lao đầu vào khởi nghiệp thì sạt nghiệp ngay cũng là điều dễ hiểu. Những chuyện này nhiều người đã cảnh báo rồi.
Mà không chỉ mất thời gian, tiền bạc và sức khỏe, bạn còn mất niềm tin vào chính bản thân mình. Bạn sẽ chán nản và bỏ cuộc. Bạn sẽ vật vã ngày-qua-ngày trong sự dằn vặt, rối bời. Tâm trạng này chỉ những người đã khởi nghiệp và đã thất bại mới hiểu được.
9. Anh đã từng phải trả giá cho những điều này?
Tất nhiên. Tôi đã từng phải trả giá. Rất đắt… Nếu không tôi đã chẳng thể hiểu ra những điều này.