Năm 2016 được cho là năm bùng nổ của cộng đồng khởi nghiệp Việt, dưới đây là 10 startup đình đám không thể không nhắc đến trong năm qua.
1. Monkey Junior
Vượt qua hơn 1.000 đối thủ đến từ 104 quốc gia trên thế giới, Monkey Junior của Đào Xuân Hoàng đã giành chiến thắng trong cuộc thi Sáng kiến Toàn cầu 2016 (GIST Tech-I 2016) tổ chức tại Mỹ. Hiện tại, ứng dụng đã có mặt trên App Store, Google Play và Amazon với lượng người dùng đông đảo đến từ Mỹ, Việt Nam, Canada, Pháp…
Điểm tạo nên sự khác biệt cho Monkey Junior là nội dung giảng dạy hướng đến trẻ em, nhất là trẻ dưới 6 tuổi. Ứng dụng này chú trọng đến phương thức truyền đạt nhằm thu hút trẻ nhỏ. Monkey Junior cũng sử dụng kho dữ liệu đa phương tiện (hình ảnh, video và âm thanh) để giúp trẻ hiểu nội dung bài học.
2. Ví điện tử Momo
MoMo do Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service), thuộc Thiên Việt Securities, sở hữu là ứng dụng thanh toán qua di động, hoạt động dưới dạng ví điện tử. Ứng dụng cho phép chuyển nhận tiền qua số điện thoại di động. Đồng thời, MoMo còn hỗ trợ nhắc và thanh toán hóa đơn điện, nước, internet, nạp tiền điện thoại, thẻ game, mua vé máy bay, vé xem phim…
Hiện tại, MoMo đang cung cấp các dịch vụ như: Chuyển tiền giữa các tài khoản MoMo; Nạp/rút tiền; Thanh toán hóa đơn/dịch vụ, Thương mại điện tử, Tài chính cá nhân… với 2 kênh chính gồm hơn 4.000 điểm giao dịch và ứng dụng MoMo trên smartphone dành cho người dùng cuối và đại lý/điểm giao dịch.
Ví điện tử Momo được rót vốn 28 triệu USD từ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs.
3. Ứng dụng giáo dục hỏi đáp GotIt!
Ứng dụng giáo dục hỏi đáp trên nền tảng di động GotIt! do Tiến sĩ Trần Việt Hùng sáng lập tại Thung lũng Silicone (Hoa Kỳ). Ứng dụng này đã thiết lập dấu mốc quan trọng khi đứng ở vị trí thứ 2 về lượng người tải trên App Store của Apple và trở thành một trong những ứng dụng hot trong lĩnh vực giáo dục trên Google Play.
Gotlt! đã được Quỹ đầu tư Capricorn rót vốn với số tiền lên đến 9 triệu USD.
4. Hellomam: Phân phối thực phẩm sạch
Hellomam là công ty phân phối thực phẩm đến người tiêu dùng qua hệ thống kênh bán hàng online với định hướng kinh doanh từ nông trại đến bàn ăn. Các sản phẩm Hellomam phân phối có truy xuất nguồn gốc và được kiểm soát chất lượng bằng cách giám sát quy trình và các tiêu chuẩn kỹ thuật do các chuyên viên kỹ sư của công ty. Cùng với đó, Trung tâm kiểm định chất lượng Chi cục quản lý Nông lâm thuỷ sản Hà Nội cũng kiểm định chất lượng sản phẩm của công ty hàng tháng.
Trong tháng 7/2016, Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) đã quyết định rót 4 triệu USD cho Hellomam.
5. Vntrip.vn – dịch vụ đặt phòng trực tuyến
Vntrip.vn là nền tảng đặt phòng khách sạn trực tuyến đầu tiên của Việt Nam cho phép người dùng chọn phòng, thanh toán và lấy xác nhận phòng ngay từ website www.vntrip.vn hoặc ứng dụng di động.
Startup này được rót vốn lên đến 3 triệu USD từ Quỹ đầu tư Fenghe Group và Hancock Revocable Trust trong tháng 7/2016.
6. Toong: không gian làm việc chung
Đây là là mô hình co-working đầu tiên tại Hà Nội, nơi các startup có thể tìm được không gian và những tiện ích phục vụ các hoạt động của họ. Toong có diện tích 750m2, gồm hai tầng với mức giá thuê 4 USD/3 giờ đến 446 USD/tháng tại phố Tràng Thi.
Sau 7 tháng hoạt động, mô hình không gian làm việc chung Toong đã nhận được số vốn đầu tư 1 triệu USD.
7. Kyna.vn: Nền tảng học trực tuyến
Thành lập năm 2013, Kyna.vn đã hợp tác với hơn 100 chuyên gia đầu ngành, xuất bản 200 khóa học và hơn 5.000 video với nhiều chủ đề khác nhau như: giao tiếp, thuyết trình, công nghệ, tiếp thị trực tuyến, nuôi dạy con… Ngoài các học viên cá nhân, Kyna.vn còn cung cấp giải pháp đào tạo trực tuyến cho nhiều doanh nghiệp như: Fsoft, Mobifone, LIN community…
Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures đã quyết định rót vốn cho nền tảng học trực tuyến Kyna.vn lên đến cả triệu USD.
8. Startup du lịch Triip
Hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Triip – mô hình tương tự Airbnb áp dụng cho du lịch địa phương – đã nhận được Quỹ đầu tư Gobi Partners rót vốn với số tiền 500.000 USD.
Thành lập năm 2013, Triip là mô hình sử dụng nguồn lực cộng đồng, tận dụng ưu thế đám đông như khai thác ý tưởng, trí tuệ giúp giảm chi phí và tăng giá trị công việc. Mô hình này cho phép bất kỳ người nào cũng có thể tạo ra các tour du lịch để bán cho khách cần. Các tour của Triip được tạo ra bởi người bản địa, những người được gọi là Triip Creator.
Hiện nay, Triip đã có mặt trên 86 quốc gia, với 5.000 tour được thiết kế bởi hơn 9.000 Triip creator.
9. Vicare.vn
Thành lập năm 2015, Vicare.vn đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2016 với mục tiêu tạo cuộc cách mạng trong lĩnh vực chăm sóc y tế và sức khoẻ cho người Việt dựa vào công nghệ và internet. Đến nay, ViCare.vn đã xây dựng cơ sở dữ liệu với hơn 19 nghìn cơ sở y tế và 20 nghìn bác sĩ trên cả nước.
Trong năm 2016, Công ty khởi nghiệp ViCare của Việt Nam đã nhận được khoảng tiền 500 nghìn USD (khoảng 10 tỷ đồng) từ Quỹ đầu tư CyberAgents (Nhật Bản). Trước đó, ViCare đã hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên với sự tham gia của các nhà đầu tư thiên thần đến từ Hà Nội và TP HCM.
10. Phần mềm dạy tiếng Anh Elsa
Đây là ứng dụng luyện nói tiếng Anh trên thiết bị di động chạy Android, iOS do Văn Đinh Hồng Vũ (CEO, 33 tuổi) và Ngô Thùy Ngọc Tú (29 tuổi) sáng lập cùng Tiến sĩ Xavier Anguera (Tây Ban Nha) đảm nhận vị trí giám đốc kỹ thuật (CTO). Phần mềm luyện nói tiếng Anh này đã giành giải Nhất Cuộc thi SXSWedu được tổ chức ở Mỹ năm 2016.
Khi mới ra đời, ứng dụng chỉ phục vụ cho người Việt, nhất là người Việt tại Mỹ. Nhưng đến nay, Elsa đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu học tiếng Anh của 1,5 tỷ người dùng ở nhiều quốc gia ở Đông Âu, nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc…